Phiên chiều 29/10: Kịch bản cũ lặp lại, sóng FLC vẫn dâng cao

(ĐTCK) Áp lực bán tiếp tục dâng cao về cuối phiên đã khiến thị trường rung lắc và quay đầu điều chỉnh nhẹ. Tâm điểm thị trường vẫn là cổ phiếu FLC với giao dịch tăng vọt cùng lượng dư mua trần chất đống.
Phiên chiều 29/10: Kịch bản cũ lặp lại, sóng FLC vẫn dâng cao

Thị trường vẫn chưa thoát khỏi kịch bản cũ khi VN-Index nhanh chóng được kéo lên sát mốc 1.000 điểm ngay khi mở cửa và đã nhanh chóng thoái lui do áp lực bán gia tăng. Diễn biến thị trường sau đó tiếp diễn trạng thái lình xình trong biên độ hẹp do thiếu vắng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu lớn.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán tiếp tục gia tăng khiến VN-Index tiếp tục bị đẩy về sát mốc tham chiếu chỉ sau gần 20 phút giao dịch. Sau đó, thị trường đã bật ngược đi lên và nới rộng biên độ tăng, tuy nhiên một lần nữa VN-Index gặp lực cản và thất bại trước “lời nguyền” 1.000 điểm.

Chỉ số VN-Index biến động giằng co và chính thức đảo chiều giảm nhẹ trong 30 phút cuối phiên do áp lực bán gia tăng, tuy nhiên đã may mắn giữ được mốc 995 điểm khi kết phiên.

Đóng cửa, sàn HOSE với 128 mã tăng và 196 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,61 điểm (-0,06%), xuống 995,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 249,48 triệu đơn vị, giá trị 4.127,16 tỷ đồng, tăng 35,76% về khối lượng và tăng hơn 10% giá trị so với phiên trước.

Giao dịch thỏa thuận đạt 71,65 triệu đơn vị, giá trị 1.146,59 tỷ đồng, trong đó PTL thỏa thuận hơn 37 triệu đơn vị, giá trị 222,58 tỷ đồng; EIB thỏa thuận 8,1 triệu đơn vị, giá trị 130,65 tỷ đồng; GEX thỏa thuận hơn 5,9 triệu đơn vị, giá trị 119,6 tỷ đồng…

Nhóm Vn30 giao dịch thiếu tích cực khi có tới 19 mã giảm và chỉ 8 mã tăng, trong đó hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều quay đầu điều chỉnh nhẹ, đáng kể VCB giảm 1,1% xuống 86.400 đồng/CP; các mã bluechip khác như GAS, MSN, BVH, NVL… cũng giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Trái lại, bộ 3 nhà Vin đã đảo chiều thành công sau những phiên mất điểm. Trong đó, VHM sau báo cáo tài chính quý III/2019 khả quan với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 10.906 tỷ đồng và 6.142 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 59% và 52% so với cùng kỳ năm ngoái, đã tiếp tục nới rộng biên độ tăng.

Kết phiên, VHM tăng 1,9% lên 87.600 đồng/CP; còn VIC, VRE và trụ cột VNM cũng tăng nhẹ đã tiếp sức giúp thị trường hãm đà giảm sâu.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sau phiên dậy sóng hôm qua, những tưởng FLC đã đuối sức do áp lực chốt lời gia tăng nhưng cổ phiếu này nhanh chóng lấy lại sắc tím với lượng dư mua trần chất đống. Chốt phiên, FLC tăng 6,8% lên mức 5.010 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh khá khủng, dẫn đầu thị trường đạt 31,43 triệu đơn vị và dư mua trần lên tới 10,22 triệu đơn vị.

Một mã nhỏ khác cũng tạo ấn tượng mạnh là HVG. Mặc dù kết quả kinh doanh bết bát khiến HVG bị xả bán và giảm sàn, nhưng cổ phiếu này cũng đã nhanh chóng đảo chiều tăng vọt và tiếp tục ghi nhận thêm phiên tăng trần, xác lập phiên tăng mạnh thứ 10 liên tiếp. Kết phiên, HVG đứng tại mức giá 4.460 đồng/CP với khối lượng khớp 4,69 triệu đơn vị và dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã vừa và nhỏ khác như TSC, DAH, PXS cũng đã khoe sắc tím.

Trên HNX, mặc dù HNX-Index nỗ lực hồi nhẹ sau khoảng 15 phút giao dịch của phiên chiều nhưng do áp lực bán lan rộng khiến chỉ số này nhanh chóng đảo chiều giảm.

Đóng cửa, sàn HNX có 26 mã tăng và 40 mã giảm, HNX-Index giảm 0,36 điểm (-0,34%), xuống 104,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 16,37 triệu đơn vị, giá trị 219,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,57 triệu đơn vị, giá trị 22 tỷ đồng.

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX, không có mã nào khởi sắc, đáng kể một số mã giảm khá mạnh như VCS giảm 2,2% xuống 85.200 đồng/CP, NTP giảm 1,8% xuống 33.100 đồng/CP, SHB giảm 1,5% xuống 6.600 đồng/CP…

Trái với phiên bùng nổ hôm qua, ART đã đảo chiều giảm 4,2% xuống 2.300 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản với 1,93 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tương tự, NVB cũng quay đầu giảm 1,1% xuống 8.900 đồng/CP và khớp hơn 1,9 triệu đơn vị.

Ngoài ra, cặp cổ phiếu còn lại của dòng bank là ACB và SHB cũng có giao dịch tích cực với khối lượng khớp lệnh tương ứng 1,7 triệu đơn vị và 1,32 triệu đơn vị. Trong khi NVB và SHB giảm, thì ACB cũng lùi về mốc tham chiếu 23.700 đồng/CP.

Trên UPCoM, sắc đỏ cũng xuyên suốt trong cả phiên giao dịch chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,06%), xuống 56,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 6,16 triệu đơn vị, giá trị 108,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,56 triệu đơn vị, giá trị 90,54 tỷ đồng.

Một số mã lớn giao dịch thiếu tích cực như BSR giảm 2% xuống 9.700 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản thị trường với 734.500 đơn vị được giao dịch thành công, VEA giảm 4,3% xuống 51.000 đồng/CP, OIL giảm 0,9% xuống 10.500 đồng/CP, VGI giảm 1,6% xuống 31.700 đồng/CP…

Trái lại, GVR tăng 2% lên 14.400 đồng/CP, ACV tăng 0,9% lên 78.800 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, có 2 mã tăng và 2 mã giảm, trong đó hợp đồng đáo hạn gần nhất là VN30F1911 được giao dịch lớn nhất với 32.620 hợp đồng và đóng cửa giảm nhẹ 0,05% lên 926 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, có 18 mã giảm, 15 mã tăng và 4 mã đứng giá, trong đó, CVRE1901 tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 62.659 đơn vị được giao dịch thành công và đóng cửa đứng tại mức giá tham chiếu 160 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục