Thông tin Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE Russell đã tiếp sức giúp cho thị trường tiến bước. Cụ thể, tâm lý nhà đầu tư tích cực giúp dòng tiền tham gia sôi động và chỉ số VN-Index đã bỏ xa mốc 1.010 điểm trong phiên 27/9 sau 2 phiên thử thách bất thành.
Với thông tin tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 2011, đà tăng tiếp tục duy trì trong phiên giao dịch sáng cuối tuần 28/9. Cùng với dòng tiền hoạt động sôi động và đà hồi phục của dòng bank, chỉ số VN-Index đã có thời điểm chạm “vùng đất” mới 1.020 điểm nhưng bất thành do áp lực bán gia tăng khiến chỉ số này thậm chí bị đẩy lùi về sát mốc tham chiếu.
Dòng tiền chảy mạnh trong hơn 10 phút cuối phiên đã giúp thị trường bật cao trở lại, tuy nhiên mốc 1.020 điểm vẫn đang là thử thách trước mắt.
Bước sang phiên giao dịch chiều, dù dòng tiền tham gia khá tích cực nhưng VN-Index chưa thể chinh phục được thử thách mới trước áp lực chốt lời dâng cao. Đà tăng dần thu hẹp và chỉ số Vn-Index giao dịch lình xình trên mốc tham chiếu trong hơn nửa cuối phiên.
Đóng cửa, với 156 mã tăng và 148 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 1,76 điểm (+0,17%), lên 1.017,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 247,22 triệu đơn vị, giá trị 6.139,41 tỷ đồng, tăng 18,97% về khối lượng và 22,45% về giá trị so với phiên 27/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22,65 triệu đơn vị, giá trị 1.002,42 tỷ đồng. Riêng VIC thỏa thuận 3,57 triệu đơn vị, giá trị 352,4 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, nhiều mã đã đảo chiều giảm như VIC giảm 0,3% xuống 98.300 đồng/CP, VNM giảm 0,9% xuống 137.300 đồng/CP, VCB giảm 0,6% xuống 63.000 đồng/CP, GAS giảm 1,3% xuống 115.700 đồng/CP, TCB giảm 0,9% xuống 29.150 đồng/CP, CTG giảm 0,2% xuống 27.550 đồng/CP.
Trái lại, VHM và BID vẫn đóng vai trò lực đỡ giúp thị trường bảo toàn sắc xanh. Trong đó, VHM tăng 1,9% lên 106.000 đồng/CP, BID tăng 1,6% lên 35.200 đồng/CP.
Ngoài GAS trong nhóm dầu khí còn có PLX, PVD, PXS cũng chịu sức ép bán ra và quay đầu điều chỉnh.
Trái với diễn biến phân hóa trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm chứng khoán có phiên giao dịch khởi sắc với BSI, CTS, ORS cùng tăng trần, HCM tăng 1,2% lên 69.000 đồng/CP, AGR tăng 3,1% lên 4.000 đồng/CP, APG tăng 1,2% lên 6.900 đồng/CP, IVS tăng 3,9% lên 13.300 đồng/CP, PSI tăng 6,7% lên 3.200 đồng/CP, VIX tăng 1,2% lên 8.200 đồng/CP…
Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhoe, ASM, IDI, HAG, DIG, OGC, DXG, ITA… vẫn đứng dưới mốc tham chiếu.
Cổ phiếu STB vẫn là điểm sáng của thị trường với sắc tím được bảo toàn ổn định nhờ dòng tiền nội ngoại đua nhau gom hàng. Kết phiên, STB tăng hết biên độ 6,72% lên 13.500 đồng/CP với thanh khoản bùng nổ đạt 27,26 triệu đơn vị và dư mua trần 2,58 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, cổ phiếu STB được nhà đầu tư ngoại mua ròng hơn 9,7 triệu đơn vị.
Tương tự, trên sàn HNX cũng chịu lực bán tăng mạnh khiến độ rộng thị trường bị thu hẹp đáng kể..
Đóng cửa, với 37 mã tăng và 30 mã giảm, HNX-Index tăng 0,19 điểm (+0,17%) lên 116,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 50,96 triệu đơn vị, giá trị 737,91 tỷ đồng, giảm 13,3% về khối lượng và 7,88% về giá trị so với phiên 27/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,65 tỷ đồng.
Ở nhóm dầu khí, PVS và PVC đều tăng tích cực. PVS +3% lên 23.900 đồng và khớp 6,58 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HNX.
Ở nhóm ngân hàng, ACB hạ độ cao với mức tăng nhẹ 0,59% lên 34.100 đồng/CP và khớp 3,78 triệu đơn vị; SHB cũng tăng nhẹ 1,11% lên 9.100 đồng/CP và khớp 11,63 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn cũng hãm đà tăng như VCS, PVI, thậm chí quay đầu giảm như VCG, VGC, NTP...
Cũng giống sàn HOSE, nhiều mã dầu khí trên sàn HNX cũng chịu sức ép bán ra như PVS đảo chiều giảm 2,93% xuống mức giá thấp nhất ngày 23.200 đồng/CP và khớp 5,55 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn; PVC giảm 3,45% xuống 8.400 đồng/CP; PVB giảm 0,43% xuống 23.100 đồng/CP; PVV, PVX cùng giảm sàn
Trên sàn UPCoM, giao dịch lình xình và giằng co vẫn tiếp diễn trong phiên chiều khiến UPCoM-Index liên tục đổi sắc. Tuy nhiên, chỉ số này đã may mắn có được sắc xanh khi kết phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,03%) lên 54,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29,52 triệu đơn vị, giá trị 441,42 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 14,78 triệu đơn vị, giá trị gần 215 tỷ đồng..
Cũng giống như 2 sàn niêm yết, nhóm dầu khí trên UPCoM cũng điều chỉnh. BSR giảm 2,4% xuống 20.000 đồng, OIL giảm 1,2% xuống 16.700 đồng. Trong đó, BSR khớp 6,1 triệu đơn vị, dẫn dầu sàn. Tiếp theo là POW với 5,98 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa tăng 4,38% lên 16.700 đồng/CP.
Thành viên mới của thị trường VGI chính thức chia tay sắc tím và kết phiên tại mức giá 28.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,11 triệu đơn vị, đứng thứ 5 về thanh khoản trên sàn.