Phiên chiều 28/3: Cặp đôi VIC-VHM "nhấc" VN-Index qua mốc 980 điểm

(ĐTCK) Tâm lý thận trọng được gỡ bỏ phần nào giúp giảm sức ép lên VN-Index. Cộng thêm sự ổn định của một số mã vốn hóa lớn, đặc biệt là sự hỗ trợ đắc lực của cặp đôi VIC và VHM đã giúp VN-Index vượt qua ngưỡng 980 điểm khi chốt phiên 28/3.
Phiên chiều 28/3: Cặp đôi VIC-VHM "nhấc" VN-Index qua mốc 980 điểm

Mở cửa phiên 28/3, VN-Index tiếp tục giằng co quanh tham chiếu, thanh khoản nhỏ giọt khi cả bên mua và bán cùng tỏ ra thận trọng. VN-Index chỉ tăng trong thời gian cuối phiên nhờ một số mã lớn tăng điểm.

Trong phiên giao dịch chiều, tâm lý thận trọng được gỡ bỏ phần nào giúp giảm sức ép lên VN-Index. Cộng thêm sự ổn định của một số mã vốn hóa lớn, VN-Index giữ vững được nhịp tăng và kết phiên ở mức cao nhất ngày.

Diễn biến của phiên giao dịch hôm nay cũng tương tự như một số phiên giao dịch gần đây, khi dòng tiền thường trong trạng thái chờ đợi, nếu thị trường phát đi tín hiệu xấu thì tiền nhanh chóng được rút ra và ngược lại, được bơm vào mạnh mẽ khi nhận thấy sự tích cực.

Đóng cửa, với 157 mã tăng và 148 mã giảm, VN-Index tăng 7,07 điểm (+0,72%) lên 982,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 217 triệu đơn vị, giá trị 4.094,16 tỷ đồng, tăng 36% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên 27/3. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 94,86 triệu đơn vị, giá trị 1.650,25 tỷ đồng, đáng chú ý có 29,23 triệu cổ phiếu VSH, giá trị 511,6 tỷ đồng; 17,67 triệu cổ phiếu EIB, giá trị 323,3 tỷ đồng; 17,07 triệu cổ phiếu VHG, giá trị hơn 11 tỷ đồng...

Như đã nói ở trên, đà tăng của VN-Index có được là nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó VIC, VHM, VCB, BID, GAS là các mã đóng góp tích cực nhất. VIC +1,8% lên 115.900 đồng; VHM +3,3% lên 93.100 đồng; VCB +1,8% lên 66.700 đồng; BID +2% lên 35.600 đồng; GAS +1,5% lên 98.600 đồng.

Dù vậy, thanh khoản của nhóm cổ phiếu này không mạnh. Trong số các mã trên, BID được khớp lệnh mạnh nhất, song cũng chỉ ở mức hơn 2 triệu đơn vị. Ngoài ra, thanh khoản cao chỉ có thêm STB, CTG, HPG, VRE, HDB, VPB..., nhưng đa phần giảm điểm. Trong số các mã giảm, VNM tạo sức ép nhiều nhất khi giảm 1% về 135.000 đồng, thanh khoản yếu đạt chưa đầy 100.000 đơn vị.

Không còn tập trung tại các mã lớn, dòng tiền đã chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu thị trường ở phiên này. Theo đó, nhiều mã đã tăng điểm kèm thanh khoản cao như ITA, HSG, AAA, ROS, DLG, LCG, KBC, HBC..., thậm chí các mã FIT, VHG, BCG, DCL, NVT còn tăng kịch trần. ITA và HSG khớp lệnh mạnh nhất sàn khi cùng khớp khoảng 7,8 triệu đơn vị, tăng lần lượt 1,6% lên 3.210 đồng và 2,9% lên 9.510 đồng. FIT khớp 1,2 triệu đơn vị.

GTN và YEG là tâm điểm thị trường nhờ thông tin liên quan. Hôm nay, HĐQT GTN đã ra Nghị quyết không chấp thuận cho VNM chào mua công khai cổ phiếu GTN. Trên thị trường, GTN diễn biến trồi sụt mạnh khi tăng trần ở đầu phiên, đà tăng được giữ trong phần lớn thời gian giao dịch, trước khi quay đầu giảm điểm cuối phiên. GTN đóng cửa giảm 2,5% về 17.300 đồng và khớp lệnh 1,19 triệu đơn vị.

Trong khi đó, YEG giảm sàn về 105.000 đồng (-6,9%) và khớp lệnh hơn 105.000 đơn vị. Phiên giảm này đã chính thức ngắt chuỗi tăng liên tiếp của YEG ở con số 4, trong đó có 3 phiên trần. Thông tin chú ý về YEG là động thái liên tục công bố sẽ mua lại lượng lớn cổ phiếu trên thị trường làm cổ phiếu quỹ kể từ đầu tháng 3/2019 nhằm "bảo vệ lợi ích cổ đông". Tuy nhiên, từ đó đến nay, Ban lãnh đạo YEG vẫn "án binh bất động".

Trên sàn HNX, diễn biến trái ngược với HOSE khi chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ khi nhóm cổ phiếu lớn chịu áp lực bán mạnh.

Đóng cửa, với 73 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index giảm 0,22điểm (-0,21%) xuống 107,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,68 triệu đơn vị, giá trị 404 tỷ đồng, giảm hơn 4% về khối lượng, nhưng tăng 22% về giá trị so với phiên 27/3. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1 triệu đơn vị, giá trị gần 16 tỷ đồng.

Trong số 10 mã lớn nhất sàn, chỉ PVS là tăng điểm, còn lại là không tăng. Thậm chí, VCG bất ngờ giảm sàn về 25.700 đồng (-9,8%). ACB giảm 0,3% về 30.300 đồng, VCS giảm 0,6% về 64.100 đồng, SHB và VGC cùng đứng giá tham chiếu. Đây là nguyên nhân chính khiến HNX-Index không thể tăng, dù diễn biến sàn này không quá tiêu cực.

VCG khớp lệnh 4,9 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. SHB khớp 2,4 triệu đơn vị. VGC và ACB cùng khớp trên 1 triệu đơn vị. PVS tăng 0,5% lên 20.700 đồng, khớp 2,2 triệu đơn vị. Đây cũng là 5 mã có thanh khoản tốt nhất trên HNX.

Trên sàn UPCoM, diễn biến giằng co khá mạnh trong phần lớn phiên giao dịch, song cũng bật tăng lên mức cao nhất ngày trong thời điểm cuôi phiên.

Đóng cửa, với 106 mã tăng và 69 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,41%) lên 57,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,38 triệu đơn vị, giá trị 378 tỷ đồng, tăng hơn 35% về khối lượng và 36% về giá trị so với phiên 27/3. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với gần 9,5 triệu đơn vị, giá trị gần 167 tỷ đồng, đáng chú ý có 3,5 triệu cổ phiếu IDC, giá trị 71,36 tỷ đồng và 4,5 triệu cổ phiếu KLB, giá trị 51,75 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn trên sàn này diễn biến phân hóa khi MPC, VIB, LPB, KLB, ACV, KDF... tăng điểm, trong khi BSR, GVR, OIL, VGI, QNS, VGG... giảm điểm.

BSR giảm 2,3% về 12.800 đồng, khớp lệnh 1,68 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn và cũng là mã duy nhất khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục