Phiên chiều 27/6: Nhà đầu tư bán ra ồ ạt, VN-Index lao dốc

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng ồ ạt trong phiên chiều, nhất là đợt ATC khiến VN-Index lao dốc giảm hơn 16 điểm, xuống mức thấp nhất ngày, dưới 945 điểm.
Phiên chiều 27/6: Nhà đầu tư bán ra ồ ạt, VN-Index lao dốc

Trái với sự tích cực của nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực, VN-Index ở cửa phiên sáng này tiếp tục ảm đạm, tâm lý thận trọng bao trùm khiến dòng tiền vào thị trường hết sức nhỏ giọt. Diễn biến kém tích cực này đã kéo dài trong suốt những phiên vừa qua và sang đến phiên hôm nay như "giọt nước tràn ly" khiến bên cầm cổ phiếu mất kiên nhẫn.

Bên nắm giữ cổ phiếu mất kiên nhẫn khiến VN-Index nhanh chóng giảm điểm kể từ nửa phiên giao dịch sáng. Trong phiên chiều, áp lực bán mạnh còn quyết liệt hơn và VN-Index tiếp tục lao dốc về vùng 940 điểm, tức giảm hơn 16 điểm, cũng là mức thấp nhất ngày.

Mặc dù thị trường giảm sâu, song bên cầm tiền vẫn dè dặt không dám xuống tay nên dòng tiền vào thị trường khá èo uột, thanh khoản theo đó giảm mạnh.

Đóng cửa, với 205 mã giảm và 92 mã tăng, VN-Index giảm 16,02 điểm (-1, 67%) xuống 943,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 159,03 triệu đơn vị, giá trị 3.514 tỷ đồng, giảm 37% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 26/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 36 triệu đơn vị, giá trị hơn 887 tỷ đồng.

Áp lực bán mạnh tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechips khiến nhóm này đồng loạt giảm điểm, tác động tiêu cực lên chỉ số. Trong rổ VN30 chỉ còn 3 mã tăng là VJC, DHG và EIB, còn lại là giảm. Ở nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, số mã không tăng còn lên tới 29 mã, trong đó có tới 28 mã giảm.

GAS là mã giảm mạnh nhất khi về gần mức sàn, tức giảm 6,4% về 98.000 đồng, tiếp đó là MSN -4,1% về 82.000 đồng, SAB -3,61% về 272.000 đồng, POW -2,4% về 14.450 đồng... Nhiều mã giảm từ 1-2% thị giá, trong đó có nhóm cổ phiếu họ Vingroup, cổ phiếu ngân hàng (VCB, BID, CTG, TCB, VPB, MBB)...

Về thanh khoản, nhóm ngân hàng tiếp tục hút mạnh dòng tiền. CTG khớp lệnh 4,23 triệu đơnv ị, STB khớp 3,9 triệu đơn vị. Ngoại trừ EIB, TPB và HDB, các mã còn lại khớp từ 1-3 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đáng chú ý, TTF bất ngờ tăng trần lên 3.380 đồng, thanh khoản tăng vọt lên gần 4 triệu đơn vị, cao nhất trong 3 tháng qua. TTF giao dịch bùng nổ trong phiên hnay sau thông tin Chủ tịch TTF Mai Hữu Tín đăng đàn nói về tình hình doanh nghiệp hiện tại với một số tín hiệu tích cực.

Ngoài TTF, tăng điểm đi kèm thanh khoản cao ở nhóm này cũng chỉ có thêm một số mã như ASM, KBC, LDG, HVG, IDI, PDR, KSB..., còn lại đa phần giảm điểm. Họ cổ phiếu FLC cũng nằm trong nhóm giảm khi FLC -2% về 4.210 đồng, khớp lệnh 6,2 triệu đơn vị. ROS dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE với 10,63 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm nhẹ 0,2% về 29.900 đồng.

Trên sàn HNX, áp lực xả cũng tăng lên trong phiên chiều, nhưng sức ép không lớn như trên HOSE nên mức giảm không quá mạnh. Song, điểm chung của 2 sàn này là cùng ghi nhận việc thanh khoản giảm mạnh.

Đóng cửa, với 60 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index giảm 0,99 điểm (-0,96%) xuống 102,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,83 triệu đơn vị, giá trị 387,7 tỷ đồng, cùng giảm 11% về khối lượng và giá trị so với phiên 26/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,5 triệu đơn vị, giá trị gần 66 tỷ đồng.

Đa phần nhóm cổ phiếu tài chính (ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán), dầu khí, bất động sản - xây dựng, vốn là các nhóm dẫn dắt trên HNX đều giảm điểm, nhất là tại các mã đầu ngành.

Đơn cử, ACB -1,4% về 28.600 đồng, SHB -1,5% về 6.800 đồng, PVS -2,6% về 22.800 đồng, PGS -4,5% về 32.000 đồng, VCG -0,4% về 26.400 đồng, VCS -0,5% về 60.700 đồng, MBS -6,5% về 14.300 đồng...

Ngược lại, một số mã bật tăng mạnh như DBC +6,8 lên 23.500 đồng, PTI +7,8% lên 19.300 đồng, VNR +5,3% lên 21.900 đồng...

SHB khớp lệnh 7,04 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Tiếp đó là PVS với 3,4 triệu đơn vị. Ngoài ra khớp lệnh trên 1 triệu còn có thêm TNG, NDN, HUT, MPT và ngoại trừ HUT đứng giá, 3 mã còn lại đều giảm.

Trên UPCoM, mặc dù số mã tăng lớn hơn mã giảm, nhưng cũng không giúp sàn này tránh được một phiên giảm điểm. Dẫu vậy, mức giảm của điểm số cũng như thanh khoản không lớn.

Đóng cửa, với 94 mã tăng và 81 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,5%) xuống 55,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,4 triệu đơn vị, giá trị 283 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng, nhưng giảm 5% về giá trị so với phiên 26/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 34,5 tỷ đồng.

Tương tự như 2 sàn niêm yết, hầu hết cổ phiếu dầu khí ngân hàng trên UPCoM cũng chìm trong sắc đỏ. Đơn cử, BSR -3,1% về 12.400 đồng, khớp lệnh 2,89 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn và cũng là mã duy nhất có lượng khớp từ 1 triệu đơn vị trở lên. OIL -1,7% về 11.600 đồng. VIB -1,8% về 16.300 đồng...

Các mã như VGT, MPC, GVR... cũng giảm điểm. Ngược lại, các mã lớn tăng có KLB, NAS, QNS, DVN, CEN...

Cổ phiếu SKV của CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa bất ngờ khớp 0,57 triệu đơn vị, cao nhất trong gần 3 năm qua, nhưng giảm mạnh 12,4% xuống 22.000 đồng.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục