Phiên chiều 2/7: Sức cầu dè dặt, VN-Index điều chỉnh

(ĐTCK) Áp lực bán xuất hiện trên diện rộng, trong khi sức cầu tỏ ra dè dặt khiến động lực tăng của thị trường bị hạn chế đáng kể. Theo đó, VN-Index điều chỉnh trở lại, đi kèm thanh khoản sút giảm.
Phiên chiều 2/7: Sức cầu dè dặt, VN-Index điều chỉnh

Sau phiên bật tăng mạnh trước đó, thị trường mở cửa phiên hôm nay 2/7 trong tâm thế thận trọng. Cùng với đó, áp lực chốt lời cũng xuất hiện trên diện rộng. Mặc dù không quá mạnh, nhưng việc tập trung bán ra tại nhóm cổ phiếu bluechips, nhất là các cổ phiếu ngân hàng vốn là trụ đỡ cứng của VN-Index khiến chỉ số chịu sức ép không nhỏ. Song, yếu tố ảnh hưởng chính đến động lực tăng của thị trường là sức cầu tỏ ra quá dè dặt.

Bởi vậy, sắc xanh đầu phiên nhanh chóng được thay bằng sắc đỏ và VN-Index giao dịch dưới tham chiếu trong suốt thời gian còn lại của phiên. Cũng đã có những nỗ lực để đưa VN-Index trở lại tham chiếu trong thời điểm gần cuối phiên, nhưng không đủ quyết liệt để giữ được nhịp hồi này.

Đóng cửa, với 124 mã tăng và 171 mã giảm, VN-Index giảm 3,63 điểm (-0,38%) xuống 961,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 138,22 triệu đơn vị, giá trị 3.457,14 tỷ đồng, giảm 17% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên 1/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 30,7 triệu đơn vị, giá trị 1.008 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu trụ ngân hàng bị bán mạnh nên đồng loạt giảm điểm, ngoại trừ TPB và MBB. Trong đó, VCB -1,1% về 70.500 đồng, HDB -1,5% về 26.500 đồng, BID -0,93% về 32.050 đồng... CTG cũng giảm 0,2% về 20.800 đồng và không còn bùng nổ như phiên trước đó với lượng khớp 2,58 triệu đơn vị. Ngoài ra, nhiều mã vốn hóa lớn khác cũng giảm tương đối mạnh như VIC -1,2%, MSN -1,7%, POW -1,3%...

Với 6 mã được chọn làm chứng quyền, diễn biến cũng phân hóa khi MBB đứng giá, PNJ, VNM, MWG tăng điểm, còn HPG và FPT giảm điểm. Trong đó, HPG -1,7% về 22.600 đồng, thanh khoản cao với 4,77 triệu đơn vị được khớp.

Với MWG, trend tăng của cổ phiếu này dường như chưa có dấu hiệu chững lại khi tiếp tục tăng khá mạnh trong phiên này lên 95.500 đồng (+0,8%), thanh khoản mạnh với hơn 1,1 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong 1 tháng qua, MWG đã tăng gần 15%.

Cùng với đó, các mã VHM, VRE, PLX, VJC... đều tăng trên 1%, góp phần đáng kể hãm đà giảm của chỉ số.

Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ chiếm ưu thế trước áp lực bán trải rộng. ROS dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE với 7,8 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 1,2% về 29.400 đồng. Nhiều mã bất động sản - xây dựng khác cũng đồng loạt giảm điểm như FLC, ASM, SCR, DLG, ITA, HBC, LDG, DXG, NTL, PDR...

Một số mã đi ngược thị trường cùng thanh khoản tốt có KBC, HQC, HAG... SJF có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 3.060 đồng, thanh khoản tăng vọt với 2,67triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, việc nhóm cổ phiếu bluechips chịu sức ép mạnh khiến sàn này chìm trong sắc đỏ, cho dù sức cầu không đến nỗi nào.

Đóng cửa, với 51 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index giảm 0,63 điểm (-0,6%), xuống 103,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 23,75 triệu đơn vị, giá trị 305,3 tỷ đồng, tăng 9% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên 1/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 42,34 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu dẫn dắt như dầu khí, ngân hàng, bất động sản - xây dựng, chứng khoán đều yếu, trong đó đa phần các mã đầu ngành giảm điểm. Chẳng hạn, ACB -1% về 28.900 đồng, SHB -1,5% về 6.700 đồng, PVS -0,9% về 23.300 đồng... SHB khớp 5,34 trieeujd đơn vị, dẫn đầu sàn. PVS khớp 2,04 triệu đơn vị. NDN -4,2% về 15.900 đồng, khớp lệnh thứ 2 với gần 3 triệu đơn vị.

Các mã VCG, TNG cùng tăng, nhưng TNG có thanh khoản ấn tượng hơn với 1,68 triệu đơn vị khớp lệnh. TNG là một trong những cổ phiếu dệt may duy trì được đà tốt cực trong thời gian qua với thông tin về EVFTA, mã này đã tăng gần 17% trong 1 tháng qua.

Trên thị trường UPCoM, diễn biến về điểm số cũng không tích cực trong phiên giao dịch chiều do các mã lớn gặp sức ép, bất chấp thanh khoản tích cực.

Đóng cửa, với 106 mã tăng và 80 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,39%) xuống 54,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,55 triệu đơn vị, giá trị 207 tỷ đồng, tăng 80% về khối lượng và 78% về giá trị so với phiên 1/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,17 triệu đơn vị, giá trị 8,9 tỷ đồng.

Mã EVF của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực gây bất ngờ trong phiên khi trở thành mã có thanh khoản cao nhất sàn với lượng khớp đột biến 2,756 triệu đơn vị, trong khi lượng khớp bình quân mỗi phiên chỉ vài chục ngàn cổ phiếu, đóng cửa tăng 5,1% lên 6.200 đồng.

Khá nhiều mã lớn tăng điểm trong phiên này như VNA, GVR, CTR, VIB, LPB, MPC... nhưng chưa đủ kéo UPCoM tăng điểm.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, sau khi đồng loạt tăng mạnh trong phiên hôm qua theo chứng khoán cơ sở, tất cả các hợp đồng phái sinh đều quay đầu giảm trở lại trong phiên hôm nay. Trong đó, giảm mạnh nhất là hợp đồng VN30F1907 đáo hạn ngày 18/7 với mức giảm 1,62% xuống 874 điểm với 162.600 hợp đồng được chuyển nhượng. Khối lượng mở 26.191 hợp đồng.

Trong khi đó, trên thị trường chứng quyền, sau ít phút rung lắc đầu phiên sáng, đa số các mã đã lấy lại đà tăng. Chốt phiên, chỉ còn 3 mã giảm là CHPG1902, CMWG1902 và CVNM1901, còn lại đều tăng.

Trong đó, tăng mạnh nhất vẫn là CFPT1901 tăng 32,8% lên 5.700 đồng, thậm chí mở cửa phiên với mức trần 5.870 đồng. Thanh khoản đạt 681.680 đơn vị được chuyển nhượng.

Tuy nhiên, mã có thanh khoản tốt nhất là CMWG1902 với 740.300 đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,62%.

Các mã khác tăng, giảm không lớn. Tuy nhiên, mã CVNM1901 có 449.040 đơn vị được chuyển nhượng và tất cả đều là do nhà đầu tư nước ngoài bán ra. Đóng cửa, mã này giảm 2,3% xuống 1.260 đồng.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục