Quay trở lại với phiên giao dịch sáng, việc thị trường diễn biến giằng co, giao dịch trầm lắng là điều đã được dự báo, khi trước mắt là kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán dài ngày.
Thế nhưng, việc VN-Index tiếp tục bay cao, vượt qua mốc 697 điểm và xác lập kỷ lục của 9 năm gần nhất có lẽ nằm ngoài dự báo của nhiều thành viên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền dần rút khỏi thị trường để phục vụ nhu cầu mua sắm, nghỉ ngơi của nhà đầu tư sau một năm “chiến đấu” ròng rã.
Đóng cửa phiên 25/1, với 190 mã tăng và 64 mã giảm, VN-Index tăng 9,92 điểm (+0,86%) lên 697,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 98,34 triệu đơn vị, hơn 406 270 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 4,054 triệu cổ phiếu FPT ở mức giá trần 47.800 đồng/CP giá trị gần 194 tỷ đồng và 1,04 triệu cổ phiếu VNM, giá trị hơn 134 tỷ đồng. Ngoài ra, HAG cũng được thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 5,7 tỷ đồng.
Cũng tương tự như phiên vượt đỉnh của năm 2016 (690 điểm) ngày hôm qua, phiên tăng ấn tượng hôm nay có sự hậu thuận rất lớn của nhóm cổ phiếu bluechips cũng như nhóm vốn hóa lớn.
Nhóm VN30, số mã tăng gấp ba số mã giảm (22 so với 7). Trong số mã vốn hóa lớn, chỉ còn BID giảm điểm do chịu áp lực chốt lời khá mạnh, CTG về được mốc tham chiếu, còn lại đều tăng điểm.
Biến chuyển đáng kể nhất là SAB, bởi mã này chỉ quay đầu tăng điểm trong đợt khớp lệnh ATC, kết phiên với mức tăng khá tốt 0,8% lên 223.800 đồng/CP.
Về thanh khoản, VNM tiếp tục được khối ngoại giao dịch mạnh với lượng mua ròng hơn 0,5 triệu đơn vị (2,16 triệu mua vào và 1,6 triệu bán ra), kết phiên tăng 0,8% lên 129.000 đồng/CP và khớp lệnh 1,48 triệu đơn vị.
Các mã vốn hóa lớn có thanh khoản cao khác là BID (2,42 triệu), CTG (2,44 triệu), VCB (1,35 triệu), ROS (1,8 triệu). Đáng chú ý, bên cạnh việc duy trì thanh khoản tốt, ROS còn có chuỗi tăng điểm kéo dài kể từ ngày 14/12/2016 đến nay, hiện đạt mức giá 129.500 đồng/CP.
Ngoài ra, nhiều mã cũng có sự cải thiện tốt cả về thanh khoản và điểm số như SSI (3,43 triệu, tăng 0,7%), PVD (1,1 triệu, tăng 1,2%), NVL (1,63 triệu, tăng 4,7%), STB (3,43 triệu, tăng 3,6%)…
Sự tích cực từ các mã lớn cũng lan tỏa sang nhóm cổ phiếu thị trường, giao dịch mạnh tập trung ở các mã HAG, FLC, HNG, GTN, HHS, HQC, VHG, HQC, HHC, OGC, DXG, AAA…
Trong số 3 mã đạt thanh khoản trên 6 triệu đơn vị, OGC có sự bứt phá mạnh mẽ về thanh khoản để vượt qua HAG và FLC dẫn đầu thị trường với 6,77 triệu đơn vị được khớp, nhưng chưa đủ để giúp mã này thoát khỏi mức giá sàn 1.340 đồng/CP.
Cặp đôi, HAG-HNG hay VHG sau những phiên tăng vừa qua cũng quay đầu giảm điểm trước áp lực chốt lời. Ngoài ra, các mã có thanh khoản tốt nêu trên đều tăng điểm.
ATG chính thức có phiên nằm sàn thứ 29 liên tiếp, khớp lệnh 1,84 triệu đơn vi và còn dư bán sàn 1,53 triệu đơn vị. Ngược lại, chuỗi ngày đen tối với 34 phiên giảm sàn liên tục của CDO dường như đã ở lại phía sau khi có phiên tăng trần thứ 2 với lượng dư mua tràn khá lớn 1,36 triệu đơn vị.
Trái với giao dịch khá sôi động trên HOSE, không khí nghỉ ngơi đã chiếm lĩnh toàn bộ sàn HNX, khi cả phiên chỉ có 14,98 triệu đơn vị được giao dịch, tương ứng giá trị 142,66 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận với 103,4 tỷ đồng, các thỏa thuận đáng chú ý có 3,087 triệu cổ phiếu HJS giá trị 50,3 tỷ đồng, 3,48 triệu cổ phiếu QNC giá trị 15,3 tỷ đồng và 1,08 triệu cổ phiếu SHB, giá trị hơn 5 tỷ đồng.
Toàn sàn có đúng 3 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị là PVX, PVS và SIC. PVX dẫn đầu với 2,575 triệu dơn vị khớp lệnh, nhưng giảm sàn về 2.200 đồng/CP.
Tuy nhiên, HNX-Index cũng tăng lên mức cao nhất ngày khi một loạt mã có sức nặng như ACB, NTP, DBC, HUT, PVS, PLC… quay đầu tăng điểm. Đóng cửa phiên giao dịch 25/1, với 103 mã tăng và 46 mã giảm, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,59%) lên 84,23 điểm.
Tương tự HNX, giao dịch trên UPCoM cũng rất ảm đạm. Toàn sàn chỉ 88 mã có giao dịch, trong đó có 6 mã thanh khoản cao nhất từ 0,1-0,3 triệu đơn vị.
PFL dẫn đầu với 0,376 triệu đơn vị, kết phiên đứng giá tham chiếu. TVB đứng thứ 2 với 0,318 triệu đơn vị được sang tên và có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp.
Các mã gây chú ý thời gian qua như ACV, HVN, MSR, MCH, GEX, VOC, … đều đã tăng điểm. Trong đó, ACV vẫn là một trong số ít mã nằm trong “tầm ngắm” của khối ngoại, phiên này mua vào 47.900 đơn vị, bán ra 4.000 đơn vị. Kết phiên có 0,109 triệu đơn vị được khớp, tăng nhẹ lên 49.900 đồng/CP.
Đóng cửa phiên giao dịch 25/1, với 50 mã tăng và 14 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,68 điểm (+1,25%) lên 54,68 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 1,982 triệu đơn vị, giá trị 36,5 tỷ đồng.