Phiên sáng 25/1: Cầm chừng chờ nghỉ Tết

(ĐTCK) Sự tích cực có được từ phiên trước giúp VN-Index tiếp tục xác lập mức đỉnh cao mới từ năm 2008, song cũng tại đây, chỉ số bắt đầu chịu áp lực, tập trung tại trụ đỡ chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Phiên sáng 25/1: Cầm chừng chờ nghỉ Tết

VN-Index mở cửa phiên giao dịch cuối cùng năm Bính Thân trong sắc xanh và có thời điểm đã lên mức 693,57 điểm - mức cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, tại đây, áp lực chốt lời bắt đầu gia tăng và VN-Index dần hạ nhiệt.

Ngoại trừ STB, các mã cổ phiếu ngân hàng còn lại như BID, CTG, MBB, VCB đều đang giảm điểm. Một số mã lớn khác như GAS, MSN, SAB… cũng giao dịch dưới tham chiếu.

Mặc dù vậy, VN-Index vẫn đang giữ được sắc xanh nhạt khi các mã vốn hóa lớn khác như VNM, VIC, BVH, ROS hay HPG, HSG đang tăng điểm.

Có thể do tâm lý nghỉ Tết hoặc sự chờ đợi kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ mới, sự trầm lắng đã quay trở lại trong phiên giao dịch sáng nay.

Nhóm cổ phiếu lớn giao dịch cầm chừng, trong khi ở nhóm cổ phiếu thị trường, giao dịch cũng chỉ diễn ra ở một vài mã quen trong những phiên vừa qua như HQC, HAG, HNG, ASM, FLC. Tổng giá trị giao dịch sau hơn 1 giờ chưa đầy 500 tỷ đồng.

HQC dẫn đầu thanh khoản thị trường với 1,94 triệu đơn vị được khớp và giữ sắc xanh nhẹ. HNG lình xình quanh tham chiếu, còn HAG giảm điểm nhẹ.

Đáng chú ý, CDO có phiên tăng trần thứ 2 lên 3.530 đồng/CP kể từ sau chuỗi 43 phiên nằm sàn liên tiếp, hiện khớp lệnh hơn 0,42 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 0,88 triệu đơn vị.

Với ATG, cầu bắt đáy đang hoạt động tương đối tích cực giúp mã có thanh khoản đứng thứ 2 thị trường với hơn 1,5 triệu đơn vị được khớp, tuy nhiên đó là chưa đủ để giúp ATG thoát khởi mức giá sàn 1.600 đồng/CP khi vẫn còn dư bán sàn hơn 2,24 triệu đơn vị. Đây cũng là phiên giảm sàn thứ 29 liên tiếp của mã này.

Trên sàn HNX, sau những rung lắc khá mạnh và liên tục đổi màu, chỉ số HNX-Index hiện cũng giữ sắc xanh nhạt khi một số mã có sức nặng như ACB, NTP, HUT, CEO… đã về được tham chiếu, trong khi PVS, PLC, VCS… có được sắc xanh.

Tại HNX, sau hơn 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên sàn này chỉ đạt hơn 40 tỷ đồng và không có mã nào đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.

Về cuối phiên, sắc xanh của 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index đã ổn định hơn khi một số mã gây ảnh hưởng có chuyển biến tích cực hơn, song phần nhiều có lẽ là do tâm lý nghỉ ngơi của nhà đầu tư nên không còn tập trung nhiều trong giao dịch.

Thanh khoản thị trường ở mức thấp so với các phiên khác, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ đạt hơn 1.100 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 25/1, với 126 mã tăng và 81 mã giảm, VN-Index tăng 1,10 điểm (+0,15%) lên 692,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 54,12 triệu đơn vị, giá trị 1.087 tỷ đồng.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với gần 270 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 4,054 triệu cổ phiếu FPT ở mức giá trần 47.800 đồng/CP giá trị gần 194 tỷ đồng, ngoài ra HAG cũng được thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 5,7 tỷ đồng.

Tương tự, với 78 mã tăng và 44 mã giảm, HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,15%) lên 83,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,24 triệu đơn vị, giá trị 84,54 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận với 73,4 tỷ đồng, các thỏa thuận đáng chú ý có 3,087 triệu cổ phiếu HJS giá trị 50,3 tỷ đồng, 3,48 triệu cổ phiếu QNC giá trị 15,3 tỷ đồng và 1,08 triệu cổ phiếu SHB, giá trị hơn 5 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, VCB đã tăng trở lại so với đầu phiên và MBB về được tham chiếu, góp phần với các mã lớn như VNM, VIC, BVH, ROS, HPG… duy trì sắc xanh cho VN-Index. Ngược lại, các mã BID, CTG, MSN, GAS, SAB… vẫn giảm điểm nhẹ.

Giao dịch các cổ phiếu lớn không quá sôi động, chỉ có BID, CTG, ROS hay STB là đạt mức khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị. Đáng chú ý trong nhóm này là ROS, không chỉ giữ mức thanh khoản cao, ROS vẫn tiếp tục giữ chuỗi tăng ấn tượng để áp sát vùng giá trần 130.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu thị trường cũng tích cực hơn khi sắc xanh chiếm ưu thế. Dòng tiền phân hóa ở các mã thanh khoản cao từ 1-3 triệu đơn vị, tăng điểm có FLC, HQC, GTN, ASM, giảm điểm có HAG, HNG, VHG, OGC.

FLC dẫn đầu thanh khoản với 3,695 triệu đơn vị được khớp, nhỉnh hơn đôi chút so với HAG đạt 3,686 triệu đơn vị.

ATG đang hương tới phiên giảm sàn thứ 29 liên tiếp, giao dịch đã chững hẳn lại ở cuối phiên với mức khớp vẫn là 1,59 triệu đơn vị và còn sư bán sàn 2,02 triệu đơn vị. Ngược lại, CDO giữ vững mức giá trần với lượng khớp 0,426 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.

Trên HNX, chỉ có HUT và SIC đạt mức thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. HUT tăng 0,9% lên 11.800 đồng/CP. SIC giảm 1,5% về 6.400 đồng/CP, qua tạm thời ngắt chuỗi 16 phiên giảm sàn liên tiếp.

Các tác nhân khiến đà tăng của HNX-Index ít cải thiện vẫn là ACB, PVC, LAS, NTP, CEO… 

Tình trạng ảm đạm cũng diễn ra trên UPCoM với chỉ 67 mã có giao dịch, trong đó TVB tiếp tục có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp và dẫn đầu thanh khoản UPCoM với 236.600 đơn vị khớp lệnh, vượt trội hẳn so với phần còn lại. Mã có thanh khoản thứ 2 là TIS với 106.500 đơn vị khớp lệnh.

Các mã gây chú ý thời gian qua như ACV, HVN, VIB, MSR, MCH, GEX, VOC… đều giao dịch khá yếu và đa phần giữ sắc đỏ.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục