Ở phiên sáng, diễn biến thị trường là tiêu cực: cung giá thấp liên tục gia tăng, tập trung tại nhóm bluechips và vốn hóa lớn, lực cầu thì tỏ ra quá yếu. Vì vậy, VN-Index giảm khá mạnh và có thời điểm đã mất mốc hỗ trợ cứng 660 điểm, thanh khoản suy giảm rất mạnh.
Bước vào phiên chiều, sau khi test lại mốc hỗ trợ này một lần nữa, VN-Index bắt đầu có sự chuyển biến khi lực cầu bắt đầu gia tăng và điểm đến vẫn là nhóm bluechips và vốn hóa lớn.
Sức cầu tuy cải thiện, nhưng vẫn khá hạn chế so với lượng cung giá thấp từ từ được bơm vào, do đó, VN-Index phục hồi khá chậm, trước khi bước vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa mà chỉ số vẫn chưa thể về được tham chiếu. Song, những nỗ lực đỡ giá cuối cùng cũng đã được đền đáp khi VN-Index kịp vượt qua tham chiếu “1 bước chân” trước khi đóng cửa.
Trong khi đó, lực cầu trên HNX lại gần như mất hút, nên chỉ số HNX-Index tiếp tục nới rộng thêm đà giảm, cùng với đó là mức thanh khoản rất thấp.
VN-Index đã tránh được một phiên giảm, nhưng nhìn chung, đây vẫn là phiên kém tích cực về mặt giao dịch, khi sức cầu trên thị trường là hết sức hạn chế, kéo thanh khoản tiếp tục suy giảm mạnh so với phiên trước.
Đóng cửa phiên giao dịch 23/12, với 130 mã giảm và 110 mã tăng, VN-Index tăng 0,22 điểm (-0,03%) lên 664,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 114,6 triệu đơn vị, giá trị 2.302 tỷ đồng.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với hơn 759 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 10 triệu cổ phiếu EIB, giá trị hơn 100 tỷ đồng; 13,17 triệu cổ phiếu ITA, giá trị 47,4 tỷ đồng; 1,024 triệu cổ phiếu SBT, giá trị 26,53 tỷ đồng; 1,4 triệu cổ phiếu KPF, giá trị 14,35 tỷ đồng; gần 2,7 triệu cổ phiếu FDC, giá trị hơn 70 tỷ đồng và 0,76 triệu cổ phiếu MWG ở mức giá sàn, giá trị gần 110 tỷ đồng.
Còn với 74 mã giảm và 74 mã tăng, HNX-Index giảm 0,71 điểm (-0,89%) về 79,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,22 triệu đơn vị, giá trị 272,77 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm gần nửa, với gần 123 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 3,012 triệu cổ phiếu PVS ở mức giá trần, giá trị hơn 53 tỷ đồng và 0,255 triệu cổ phiếu VCS, giá trị hơn 30 tỷ đồng.
Cú thoát hiểm phút chót này của VN-Index có đóng góp lớn của VNM, khi mã này từ mức giá đỏ được kéo lên mức giá cao nhất ngày là 124.000 đồng/CP, tức tăng 0,7% và khớp lệnh 1,4 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại quay đầu mua ròng hơn 100.000 đơn vị.
Mã ROS cũng duy trì mức tăng 0,7% lên 110.200 đồng/CP và khớp 2,73 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã vốn hóa lớn khác là BVH, CTG, VCB, VIC đã quay đầu tăng điểm, còn MSN, BID về được mốc tham chiếu. GAS và SAB vẫn giảm điểm, nhưng sắc đỏ cũng được hạn chế đáng kể. GAS giảm 2,4%, SAB giảm 1,5%, thanh khoản đều khá yếu.
Bên cạnh sự hồi phục, nhóm ngân hàng còn có thanh khoản khá tốt. STB khớp lệnh 2,047 triệu đơn vị, BID khớp 1,837 triệu đơn vị, VCB khớp gần 1 triệu đơn vị…
Với thông tin lãi trên 2.000 tỷ, dù chưa chính thức, song cũng giúp HPG giao dịch vượt trội với 4,268 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 3 thị trường, kết phiên tăng mạnh 1,1% lên 42.950 đồng/CP. Trong khi các cổ phiếu thép còn lại đều giảm điểm.
Dẫn đầu thanh khoản là HQC với 7,39 triệu đơn vị được khớp, nhưng vẫn giảm 2,2% về 2.290 đồng/CP. Đa phần các mã đầu cơ khác cũng giữ sắc đỏ, thanh khoản không quá cao.
Đáng chú ý, ITA có sự bứt phá mạnh mẽ nhất, khi cũng quay đầu từ mức giá đỏ lên mức cao nhất ngày là 3.730 đồng/CP (+3,6%) và khớp thứ 2 sàn HOSE với 5,588 triệu đơn vị được khớp, trong đó 2,284 triệu đơn vị được khớp trong đợt ATC.
Như đã nói ở trên, sức cầu trên HNX là rất èo uột, vì thế giao dịch kém. PIV có lẽ là điểm sáng duy nhất trên sàn này khi giữ vững được sắc tím, đồng thời thanh khoản tăng đáng kể, đạt 4,6 triệu đơn vị, mà còn dư mua trần và ATC hơn 0,5 triệu đơn vị.
SHB đứng thứ 2 với hơn 2 triệu đơn vị được sang tên, song vẫn giảm điểm. Ngoài ra, chỉ có thêm 4 mã là khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị là VGS, SHN, CEO và KLF.