Phiên chiều 22/7: Đuối sức

(ĐTCK) Những tưởng kịch bản của phiên sáng sẽ lặp lại trong phiên chiều nhưng sau khi hồi phục từ vùng giá 980 điểm, thị trường đã bị đẩy trở về dưới mốc tham chiếu do sự đuối sức của nhóm cổ phiếu bluechip.
Phiên chiều 22/7: Đuối sức

Sau nhịp rung lắc đầu phiên, VN-Index đã được kéo lên mốc 985 điểm nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cổ phiếu bluechip. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng về cuối phiên, trong đó nhóm cổ phiếu vua chịu tác động khá lớn, đã khiến thị trường hạ độ cao, thậm chí có thời điểm đảo chiều giảm và đã may mắn thoát hiểm trong ít phút trước khi chốt phiên sáng.

Bước sang phiên chiều, trước sự phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip cùng diễn biến “xanh vỏ đỏ lòng” của thị trường, đã khiến sắc xanh nhạt chỉ được duy trì trong thời gian khá ngắn. Sau chưa đầy 20 phút giao dịch, VN-Index đã thoái lui và một lần nữa bị đẩy lui về mốc 980 điểm do áp lực bán gia tăng.

Cũng như phiên sáng nay, ngay khi tiệm cận mốc này, lực cầu bắt đáy đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, thị trường có phần kém may mắn hơn khi nhanh chóng quay trở về dưới mốc tham chiếu và kết phiên trong sắc đỏ.

Đóng cửa, sàn HOSE có tới 192 mã giảm và 119 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,3 điểm (-0,03%) xuống 982,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 164,37 triệu đơn vị, giá trị 4.069,26 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,47% về lượng và tăng 1,68% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (19/7).

Giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực với khối lượng hơn 29 triệu đơn vị, giá trị 1.049,84 tỷ đồng, trong đó ROS thỏa thuận 7,35 triệu đơn vị, giá trị 216,83 tỷ đồng, VIC11814 thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 101,12 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, sắc đỏ cũng bao trùm trong suốt cả phiên chiều. Kết phiên, với 39 mã tăng và 54 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,29%) xuống 106,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,24 triệu đơn vị, giá trị 342,79 tỷ đồng, giảm 15,34% về lượng và 23,2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (19/7).

Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 7,66 triệu đơn vị, giá trị gần 79 tỷ đồng, trong đó CEO thỏa thuận 2,5 triệu đơn vị, giá trị 29,75 tỷ đồng; SHB thỏa thuận gần 2,6 triệu đơn vị, giá trị 17,76 tỷ đồng…

Nhóm cổ phiếu ngân hàng chính thức quay đầu sau nhịp tăng khá tốt ở tuần trước. Bên cạnh VCB lấy lại mốc tham chiếu, hầu hết các mã đều điều chỉnh như CTG giảm 1,1% xuống 21.600 đồng/CP, TCB giảm 0,7% xuống 21.050 đồng/CP, STB giảm 1,7% xuống 11.500 đồng/CP, VPB giảm 1,5% xuống 19.100 đồng/CP, HDB giảm 1,1% xuống 26.100 đồng/CP, EIB giảm 1,6% xuống 18.000 đồng/CP.

Trên HNX, SHB vẫn giảm 1,4% xuống 6.800 đồng/CP, còn ACB tiếp tục lùi sâu hơn khi giảm 0,6% xuống 31.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu họ P cũng giao dịch kém tích cực. Cổ phiếu đầu ngành GAS đảo chiều giảm nhẹ 0,5% xuống 105.500 đồng/CP, các mã vừa và nhỏ như PVD giảm 1,1% xuống 18.300 đồng/CP, PVI giảm 1,4% xuống mức thấp nhất ngày 36.000 đồng/CP, PVS giảm 0,4% xuống 22.800 đồng/Cp, PVC giảm 1,3% xuống 7.500 đồng/CP…

Ở nhóm chứng khoán, chỉ còn các mã nhỏ như AGR, APG, BSI nhích nhẹ, còn lại đều giảm như SSI giảm 2,1% xuống 25.050 đồng/CP, HCM giảm 3% xuống 22.900 đồng/CP, VND giảm 2% xuống 15.000 đồng/CP, APS và IVS cùng nằm sàn, VIX giảm 2,9% xuống 6.800 đồng/CP…

Thêm vào đó, một số mã lớn cũng gia tăng gánh nặng cho thị trường như VNM giảm 1,1% xuống 125.500 đồng/CP, VRE giảm 1,9% xuống 36.700 đồng/CP… hay như trên HNX có VCS giảm 3,3% xuống 76.200 đồng/CP, SHS giảm 3% xuống 9.700 đồng/CP, TNG giảm 2,3% xuống 21.100 đồng/CP…

Trái lại, lực đỡ từ một số cổ phiếu bluechip khá yếu như VHM, SAB tăng không đáng kể, VIC nhích nhẹ 0,4% lên 116.500 đồng…, đáng kể nhất là MSN tăng 1,93% lên 79.200 đồng.

Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip có dấu hiệu bị chốt lời thì nhóm cổ phiếu thị trường cũng không mấy sáng sủa hơn. Các mã quen thuộc như FLC, HQC, ITA, DLG, HSG, DLG… cũng đều kết phiên trong sắc đỏ với thanh khoản cầm chừng.

Sau khi quay trở lại thị trường trên “ngôi nhà mới” HOSE, cổ phiếu KOS đã tăng hết biên độ trong phiên chào sàn và kết phiên 22/7 tại mức giá trần 27.800 đồng/CP với khối lượng khớp 427.070 đơn vị, dư mua trần 26.820 đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù kết phiên giảm nhẹ, nhưng bộ 3 gồm SHB, PVS, ACB vẫn là các mã giao dịch sôi động nhất với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 3,55 triệu đơn vị, 2,56 triệu đơn vị và hơn 1,9 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng khá tốt trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,47 điểm (+0,82%) lên 58,01 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,64 triệu đơn vị, giá trị 226,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,68 triệu đơn vị, giá trị 42,84 tỷ đồng.

Cổ phiếu GVR vẫn dẫn đầu thanh khoản với 2,59 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và kết phiên tăng 2,9% lên 14.200 đồng/CP.

Trong khi đó, BSR chưa thoát khỏi sắc đỏ khi giảm 2,6% xuống 11.400 đồng/CP và đứng thứ 2 về thanh khoản với 1,84 triệu cổ phiếu được giao dịch.

Ngoài GVR, một số mã lớn hỗ trợ tốt giúp thị trường bảo toàn đà tăng như VEA tăng gần 0,5% lên 61.900 đồng/CP, VTP tăng 3,59% lên 147.000 đồng/CP, BCM tăng 2,14% lên 28.600 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, trong 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ, chỉ có duy nhất GB05F1909 có giao dịch với khối lượng chỉ 5 đơn vị, thì ở 4 hợp đồng tương lai VN30 đều quay đầu giảm với VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 vẫn được giao dịch sôi động nhất đạt 68.774 đơn vị, khối lượng mở 17.636 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, có 14 chứng quyền giảm, 4 đứng giá và 8 chứng quyền tăng. Về thanh khoản, CHPG1902 vẫn dẫn đầu với 30.246 đơn vị được giao dịch thành công, tiếp đến là CMWG1903 với 29.419 đơn vị. Trong đó, CVNM1901 bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 8.416 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục