Sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước, thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà tăng điểm trong phiên giao dịch sáng 18/2. Mặc dù trong gần suốt cả phiên sáng, VN-Index đều đứng trên mốc 955 điểm nhưng áp lực bán dần xuất hiện khiến thị trường diễn biến phân hóa và chỉ số có phần đuối sức về cuối phiên khi để mất ngưỡng kháng cự trên.
Bước sang phiên giao dịch chiều, tâm lý nhà đầu tư bình tâm trở lại giúp dòng tiền chảy mạnh vào thị trường. Bên cạnh các trụ đỡ vững chắc từ nhóm cổ phiếu bluechip và vốn hóa lớn, nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ cũng đua nhau khởi sắc, kéo VN-Index bật cao.
Đà tăng càng ngày càng nới rộng hơn về cuối phiên giúp VN-Index tăng vọt hơn 10 điểm, vượt qua cả mốc kháng cự 960 điểm và lên mức cao nhất trong ngày.
Đóng cửa, sàn HOSE có 174 mã tăng và 131 mã giảm, chỉ số VN-index tăng 10,41 điểm (+1,09%) lên 961,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 194,65 triệu đơn vị, giá trị hơn 4.105 tỷ đồng, tăng 21,13% về lượng và 6,95% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 25,48 triệu đơn vị, giá trị 624,57 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí đang là điểm sáng của các nhóm ngành khi hầu hết đều tăng khá mạnh như GAS tăng 3,4% lên 97.200 đồng/CP, PLX tăng 4,1% lên mức cao nhất trong ngày 59.000 đồng/CP, PVD tăng 4,7% lên mức 17.850 đồng/CP.
Bên cạnh GAS, một số mã lớn khác cũng nới rộng biên độ, hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường như VNM tăng 1,3% lên 142.000 đồng/CP, bộ 3 nhà Vin gồm VIC tăng 1,5% lên 113.700 đồng/CP, VHM tăng 1% lên 82.000 đồng/CP, VRE tăng 2,3% lên 31.650 đồng/CP.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng khá mờ nhạt, ngoại trừ VCB tăng 1,2% lên 60.000 đồng/CP, còn lại hầu hết các mã chỉ nhích nhẹ.
Nhóm cổ phiếu thị trường đua nhau khởi sắc. Đáng kể, AMD sau khi chịu áp lực bán và đi xuống dưới mốc tham chiếu trong phiên sáng đã nhanh chóng đảo chiều hồi mạnh trong phiên giao dịch chiều nhờ lực cầu tăng mạnh. Kết phiên, AMD tăng 6,5% lên sát mức giá trần 3.260 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường đạt 10,62 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là HAG với khối lượng khớp 9,24 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 5.440 đồng/CP, tăng 5,2%. Ngoài ra, các mã thị trường khác như HQC, KBC, FLC, ITA, QCG… cũng đều kết phiên trong sắc xanh với khối lượng khớp lệnh khá cao.
Đáng chú ý, cổ phiếu mới tham gia vào thị trường niêm yết trong năm 2019 là POW bất ngờ có phiên tăng đột biến cả về lượng và giá trị, sau những phiên giao dịch thiếu tích cực ngày đầu xuân Kỷ Hợi. Kết phiên, POW tăng 4,5% lên mức giá cao nhất ngày và cũng là mức giá cao nhất trong hơn 1 tháng qua, lên 17.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 8,5 triệu đơn vị, cũng là mức thanh khoản cao nhất kể từ ngày chào sàn HOSE.
Trên sàn HNX, giao dịch không bùng nổ như sàn HOSE và nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là trụ đỡ chính giúp HNX-Index đứng vững trên mốc 106 điểm.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,72 điểm (+0,68%) lên 106,84 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 37,54 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 489,67 tỷ đồng, tăng 16,48% về lượng và hơn 19% về giá trị so với phiên cuối tuần. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm gần 1 triệu đơn vị, giá trị hơn 18 tỷ đồng.
Trong khi SHB vẫn đứng nguyên ở mốc tham chiếu 7.700 đồng/CP, thì một số mã lớn khác lại nới rộng biên độ tăng như ACB tăng 0,7% lên 30.400 đồng/CP, PVS tăng 3,1% lên 20.000 đồng/CP, PVI tăng 2,4% lên 34.000 đồng/CP, VCG tăng 7,2% lên mức cao nhất ngày 26.900 đồng/CP, VGC tăng 1% lên 20.500 đồng/CP…
Trái lại, hầu hết các mã giảm trong nhóm HNX30 đều chỉ giảm nhẹ 100 đồng/CP, ngoại trừ VCS giảm 1,2% xuống 63.700 đồng/CP.
Cổ phiếu PVS dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp 6,17 triệu đơn vị và đây cũng là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất gần 1,53 triệu đơn vị; tiếp theo đó là SHB khớp 5,59 triệu đơn vị, VCG khớp 3,38 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, lực cầu gia tăng trong phiên chiều cũng giúp thị trường có những nhịp hồi phục và chính thức kết phiên trong sắc xanh hy vọng.
Cụ thể, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,01 điểm (+0,03%) lên 55,26 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,15 triệu đơn vị, giá trị 235,93 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR cũng tô đậm thêm cho nhóm cổ phiếu dầu khí khi tiếp tục nới rộng biên độ với mức tăng 3,52% lên mức cao nhất ngày 14.700 đồng/CP và khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 2,75 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số mã lớn khác cũng hồi phục hoặc tăng mạnh hơn như ACV tăng 2% lên 88.300 đồng/CP, HVN, VGT, VGI, VIB…