Phiên chiều 17/3: Tiếc nuối

(ĐTCK) Sức cầu cải thiện tại nhóm cổ phiếu bluechips giúp nhiều mã hồi phục, qua đó giúp VN-Index đảo tăng điểm. Tuy nhiên, sự dè dặt ở thời khắc quan trọng khiến đà tăng chững lại và VN-Index giảm điểm đáng tiếc. Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của VN-Index.
Phiên chiều 17/3: Tiếc nuối

Tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến VN-Index đã giảm hơn 10% chỉ trong 4 phiên vừa qua, còn nếu tính từ đầu năm, mức giảm là hơn 22%. Trong bối cảnh thị trường giảm sâu, mặt bằng giá của các cổ phiếu đã giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là các cổ phiếu bluechips. Điều này đã kích thích dòng tiền bắt đáy mạnh dạn mua vào.

Trong phiên sáng nay, việc nhà đầu tư mạnh tay xuống tiền được thể hiện khá rõ nét. Sức ép xả hàng từ những phiên trước tiếp tục được duy trì khi mở cửa và chỉ số nhanh chóng lao nhanh về mốc 720 điểm. Lúc này, cầu bắt đáy được kích hoạt mạnh mẽ, giúp VN-Index nhanh chóng hồi về tham chiếu khi kết phiên.

Diễn biến này một lần nữa được lặp lại trong phiên chiều, song dòng tiền có sự biến chuyển khi tập trung nhiều hơn vào các bluechips. Theo đó, đà tăng của nhiều mã bluechips tiếp tục được duy trì, nhờ đó VN-Index đã đảo chiều tăng điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa ATC. Những tưởng VN-Index có thể ngắt chuỗi giảm ở con số 4 thì sự dè dặt ở thời khắc quan trọng nhất khiến đà phục hồi chững lại và chỉ số giảm điểm đáng tiếc.

Đóng cửa, với 221 mã tăng và 154 mã giảm, VN-Index giảm 2,08 điểm (-0,2%) về 745,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 287,27 triệu đơn vị, giá trị 4.378,29 tỷ đồng, giảm 2% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên 16/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 84,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.296 tỷ đồng.

Mặc dù có số mã tăng chiếm ưu thế, song VN-Index giảm ở phiên này, ngoài yếu tố tâm lý, có tác nhân chính là việc giảm mạnh của nhóm cổ phiếu Vingroup và SAB. Cụ thể, VRE giảm 6,8% về sát mức giá sàn 22.100 đồng, còn VIC -4,3% về 88.500 đồng, VHM -2,7% về 69.900 đồng, trong khi SAB -5,9% về 141.100 đồng.

Sức nặng của 4 mã này khiến việc cổ phiếu ngân hàng đồng loạt được kéo tăng trở nên vô nghĩa. Trong đầu phiên, tất cả cổ phiếu ngân hàng đều giảm, thậm chí VPB còn nằm sàn, nhưng khi đóng cửa, ngoại trừ HDB còn giảm, tất cả các mã còn lại đều tăng, thậm chí nhiều mã đã tăng cao nhất ngày như VCB, MBB, TCB, STB, hay gần nhất như BID, CTG, VPB… Cùng với đó là mức thanh khoản cao: MBB khớp 9,35 triệu đơn vị, STB là 8,6 triệu đơn vị, CTG là 7,94 triệu đơn vị, VPB là 6,24 triệu đơn vị… HDB khớp được 3,08 triệu đơn vị.  

Phiên hôm nay tiếp tục chứng kiến dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ khiến nhóm này đa phần giữ sắc xanh, thậm chí có tới 31 mã tăng trần như DLG, HQC, HAI, FIT, AMD, TSC… với thanh khoản cao và dư mua trần hàng triệu đơn vị. Đơn cử, DLG khớp 11,97 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,3 triệu đơn vị; HQC khớp 6,09 triệu đơn vị và dư mua trần 4,39 triệu đơn vị…

Đáng chú ý, trong số các mã tăng trần phiên này có những cái tên như SSI, HCM, PLX, GEX, NTL…, trong đó SSI khớp lệnh hơn 4,83 triệu đơn vị, HCM là 1,38 triệu đơn vị.

Sau những sóng gió đầu phiên, tân binh GVR rốt cuộc cũng đạt sắc tím như mong muốn trong ngày đầu tiên chào sàn HOSE, tăng lên 14.300 đồng và khớp được 1,27 triệu đơn vị. Phiên tăng này cũng tạm thời ngắt chuỗi giảm liên tục kể từ đầu tháng 3 của mã này.

FLC tuy chưa đạt mức giá trần, song tiếp tục dẫn đầu thanh khoản HOSE với 13,33 triệu đơn vị được khớp.

Ở chiều ngược lại, các mã HID, DRH, SFG… nằm trong nhóm 15 mã giảm sàn phiên này, thanh khoản thấp.

Trên sàn HNX, sức cầu ổn định giúp chỉ số này vượt khó thành công và kết phiên ở mức cao gần nhất ngày.

Đóng cửa, với 81 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 1,1 điểm (+1,1%) lên 100,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 47,56 triệu đơn vị, giá trị 511,81 tỷ đồng, tăng 17% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên 16/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,4 triệu đơn vị, giá trị gần 57 tỷ đồng.

Tương tự trên HOSE, các mã ngân hàng trên HNX đều tăng điểm và có thanh khoản mạnh. SHB +2,7% lên 11.300 đồng và khớp 12,02 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. ACB +1% lên 21.100 đồng và khớp 6,56 triệu đơn vị. NVB +2,3% lên 8.800 đồng và khớp 3,66 triệu đơn vị.

Cùng với đó, các mã PVS, SHS, TNG, VCS, NDN… cũng đều tăng điểm. Trong đó, PVS tăng +2,8% lên 11.100 đồng và khớp 2,94 triệu đơn vị; SHS +7,7% lên 7.000 đồng và khớp 1,4 triệu đơn vị.

Có 23 mã nhỏ trên sàn này tăng trần như KLF, ART, HUT, DST, HKB, IDJ, MPT…, trong đó KLF khớp hơn 3 triệu đơn vị, ART và HUT cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Ngược lại, PVX giảm sàn về 800 đồng, khớp lệnh hơn, 0,763 triệu đơn vị.  Toàn HXN có 16 mã giảm sàn.

Trên sàn UPCoM, việc duy trì được sức cầu cũng giúp sàn này giữ được sắc xanh trong cuối phiên, thanh khoản cải thiện.

Đóng cửa, với 109 mã tăng và 76 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,33%) lên 50,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,5 triệu đơn vị, giá trị 163,4 tỷ đồng, tăng 4% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên 16/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 14 triệu đơn vị, giá trị 99,6 tỷ đồng.

Ngoại trừ VIB giảm điểm, BAB đứng giá, các mã ngân hàng còn lại là LPB, KLB, VBB đều tăng. LPB khớp 1,78 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, tăng 1,4% lên 7.000 đồng. Tiếp theo là VIB khớp 1,36 triệu đơn vị, giảm 0,7% về 15.000 đồng.

BSR là 1 trong mã thanh khoản cao nhất sàn, đạt 1,24 triệu đơn vị, tăng 1,4% lên 7.000 đồng.

MSR và HTM cùng tăng trần lên tương ứng 16.600 đồng và 12.500 đồng. MSR khớp hơn o,7 triệu đơn vị, cao thứ 4 sàn này.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm, trong đó VN30F2003 dẫn đầu thanh khoản với hơn 216.320 hợp đồng được sang tay, khối lượng mở 13.304 đơn vị và kết phiên tăng 3,8% lên 700,6 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, có 20 mã tăng, 9 mã giảm, 6 mã đứng giá và 11 mã không có giao dịch. Trong đó CMWG1907 được giao dịch nhiều nhất với hơn 576.210 đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 33,33% lên 40 đồng/CP.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ