Phiên chiều 16/8: Lực bán bất ngờ gia tăng

(ĐTCK) Áp lực bán bất ngờ gia tăng trong nửa cuối phiên chiều khiến thị trường quay đầu đi xuống, chỉ số VN-Index suýt chút nữa để mất mốc tham chiếu.

Ngay sau khi bị thủng mốc 975 điểm, lực cầu được kích hoạt đã giúp thị trường dần lấy lại thăng bằng và hồi phục. Tuy dòng tiền còn khá thận trọng nhưng sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip, cùng một số nhóm ngành khác như cao su tự nhiên, chứng khoán… là lực đỡ cho thị trường nới rộng biên độ tăng.

Sang phiên giao dịch chiều, sau hơn 40 phút giao dịch đi ngang quanh mốc 980 điểm, một số bluechip đã được kéo lên cao, tạo đà tăng đưa VN-Index qua vùng 985 điểm. Tuy nhiên, sự thiếu đồng thuận của thị trường cùng áp lực bán bất ngờ gia tăng đã khiến VN-Index thoái lui và may mắn giữ lại được mốc tham chiếu khi đóng cửa.

Kết phiên, sàn HOSE vẫn khá cân bằng với 159 mã tăng và 151 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,62 điểm (+0,06%) lên 980 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 198 triệu đơn vị, giá trị 4.905,5 tỷ đồng, tăng 8,26% về lượng và 14,1% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 41,55 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.151 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi VCB tiếp tục gia tăng sức ép khi giảm 1,4% xuống 77.900 đồng/CP, thì BID tiếp tục nới rộng biên độ với mức tăng 2,6% lên 36.000 đồng/CP, TCB tăng 4,3% lên 21.900 đồng/CP, còn lại các mã khác biến động tăng giảm nhẹ.

Bên cạnh VCB, một số mã lớn khác đuối sức, đảo chiều hoặc nới rộng biên độ giảm cũng tác động thiếu tích cực tới thị trường như VHM giảm 0,6% xuống đồng/CP, VRE giảm 0,7% xuống 35.150 đồng/CP, SAB giảm 3,2% xuống 276.000 đồng/CP, GAS lùi về mốc tham chiếu…

Trái lại, lực đỡ chính giúp thị bảo toàn được sắc xanh phải kể đến “ông lớn” VNM khi đảo chiều khởi sắc về cuối phiên, với mức tăng 1,7% lên 124.100 đồng/CP và đã đóng góp tích cực vào thanh khoản thị trường khi khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Cổ phiếu ROS vẫn chịu sức ép và giảm nhẹ 0,8% xuống mức giá 26.200 đồng/CP, nhưng là mã giao dịch mạnh nhất thị trường với 14,91 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, giao dịch sụt giảm mạnh, trong đó, ITA có khối lượng lớn nhất chỉ đạt hơn 5 triệu đơn vị, tiếp theo là SCR khớp 2,7 triệu đơn vị… Giao dịch phân hóa cũng diễn ra ở nhóm cổ phiếu này.

Cổ phiếu GAB sau khi bị ngắt quãng tại phiên 14/8 cũng đã trở lại với sắc tím và trong phiên hôm nay tiếp tục dư mua trần 394.100 đơn vị, trong khi bên bán vắng bóng.

Tương tự, trên sàn HNX, đà tăng có phần thu hẹp về cuối phiên.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,68 điểm (+0,67%) lên 102,35 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 22,57 triệu đơn vị, giá trị hơn 363 tỷ đồng, giảm 14,83% về lượng nhưng tăng 4,91% về giá trị so với phiên hôm qua (15/8). Giao dịch thỏa thuận đạt gần 2,7 triệu đơn vị, giá trị 23,54 tỷ đồng.

Một số mã bluechip đuối sức như VCS đảo chiều giảm % xuống 89.500 đồng/CP, PVI giảm % xuống mức thấp nhất ngày 39.000 đồng/CP…

Trong khi đó, các mã ACB, PVS, DGC, CEP, PVB… đều giữ sắc xanh nhưng với mức tăng khá khiêm tốn. Đáng kể, VCG đã hồi phục thành công sau hơn 1 tuần giao dịch lình xình, với mức tăng 2,3% và đóng cửa tại 26.800 đồng/CP.

Tio 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn gồm SHB đứng đầu với 3,38 triệu đơn vị được khớp lệnh; tiếp đến là PVS khớp 2,34 triệu đơn vị, PVX khớp 2,32 triệu đơn vị, ACB khớp 1,54 triệu đơn vị, PVI khớp 1,16 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sắc xanh cũng được bảo toàn trong suốt cả phiên chiều.

Kết phiên, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,34%) lên 57,55 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 12 triệu đơn vị, giá trị 252,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 6,48 triệu đơn vị, giá trị 142,34 tỷ đồng, trong đó riêng GEG thỏa thuận 5 triệu đơn vị, giá trị 135 tỷ đồng.

Các cổ phiếu hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như ACV tăng 1% lên 82.100 đồng/CP, VIB tăng 5,1% lên 18.400 đồng/CP, VGI tăng 3,4% lên 36.900 đồng/CP, GVR tăng 2,6% lên 15.700 đồng/CP, BCM tăng 4,9% lên 32.000 đồng/CP, BSR tăng 1% lên 9.700 đồng/CP…

Trong đó, VIB dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt hơn 2 triệu đơn vị, còn các mã BSR, MPC và VGI chuyển nhượng thành công 1-1,2 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tương lai VN30 tăng giá và 2 hợp đồng giảm, trong đó VN30F1909 vẫn dẫn đầu thanh khoản với 100.304 hợp đồng được giao dịch thành công, khối lượng mở 11.842 hợp đồng.

Trong 3 hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, chỉ GB05F1909 đáo hạn ngày 13/9 là có giao dịch, nhưng lượng khớp chỉ là 10 hợp đồng, khối lượng mở 120 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, có 6 mã giảm và 10 mã tăng giá, còn về thanh khoản, CVNM1901 đứng đầu với 75.519 đơn vị được chuyển nhượng; tiếp theo là CMBB1901 khớp 55.768 đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục