Cổ phiếu mía đường chưa hết vị “đắng”

(ĐTCK) Bối cảnh ngành đường thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn khiến giá bán bình quân liên tục giảm, trong khi lượng hàng tồn kho từ niên vụ trước có giá vốn cao, khiến lợi nhuận niên độ 2018/2019 của nhiều doanh nghiệp ngành này suy giảm.
Cổ phiếu mía đường chưa hết vị “đắng”

Lợi nhuận của SLS, LSS, KTS, SBT giảm mạnh

Tại khu vực miền Bắc, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) đạt 877,6 tỷ đồng doanh thu thuần trong niên độ tài chính 2018/2019 (1/7/2018 - 30/6/2019), tăng 46% so với niên độ trước, nhưng giá vốn tăng 71,3% khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh. Bên cạnh đó, chi phí tài chính (phần lớn là lãi vay) tăng 34,8%. Kết quả, Công ty chỉ thu về 63,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 45,6% so với niên độ trước, ghi nhận năm suy giảm lợi nhuận thứ hai liên tiếp.

Cổ phiếu mía đường chưa hết vị “đắng” ảnh 1

Cuối niên độ 2018/2019, tổng tài sản của SLS giảm hơn 100 tỷ đồng, chủ yếu do giảm các khoản phải thu của khách hàng, nhưng mức giảm sâu của lợi nhuận khiến chỉ số hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) chỉ còn 4,8%, bằng phân nửa niên độ 2017/2018; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ đạt 12,5%.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của SLS giảm là giá đường tiếp tục đi xuống, khiến biên lợi nhuận của mảng kinh doanh chính bị thu hẹp. SLS cho biết, trong quý II niên độ 2018/2019, giá bán đường bình quân chỉ đạt 9.911 đồng/kg, giảm 20% so với cùng kỳ niên độ trước và trong quý III, mức giá bán bình quân chỉ còn 9.478 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) công bố doanh thu niên độ 2018/2019 tăng 36,2%, nhưng giá vốn tăng mạnh hơn, kéo lợi nhuận gộp đi xuống. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 6,1 tỷ đồng, giảm 45,5% so với niên độ trước, dù chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đã được Công ty nỗ lực tiết giảm.

Tại khu vực Tây Nguyên, Công ty cổ phần Mía đường Kontum (KTS) vừa báo lãi trước thuế trong niên độ 2018/2019 vỏn vẹn 4,8 tỷ đồng, giảm 52,9% so với niên độ trước, ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Riêng trong quý IV của niên độ tài chính vừa qua, KTS lỗ trước thuế 2,8 tỷ đồng (cùng kỳ niên độ trước lãi 3,1 tỷ đồng) do sản lượng tiêu thụ và giá bán của các sản phẩm kinh doanh chính là đường và mật rỉ đều giảm mạnh.

Tại khu vực miền Nam, tình hình kinh doanh của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), một trong những doanh nghiệp có năng lực sản xuất, quy mô lớn nhất ngành đường cả nước, cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ khó khăn chung của ngành.

Trong quý IV niên độ 2018/2019, SBT ghi nhận doanh thu thuần 2.856 tỷ đồng, tăng gần 37% so với cùng kỳ niên độ trước; trong đó, doanh thu bán đường tăng gần 48%. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 54%, khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 197 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, SBT thu về 76,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 61,1% so với cùng kỳ, dù Công ty ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt trên 336 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ.

Ðơn giá bán bình quân thấp hơn so với cùng kỳ, trong khi lượng đường tồn kho vụ trước với giá vốn cao vẫn còn và tiếp tục chuyển qua vụ này; giá đường thế giới giảm mạnh và lượng đường nhập lậu qua biên giới tăng, làm giá đường trong nước liên tục giảm... là nguyên nhân trực tiếp được SBT lý giải về việc lợi nhuận giảm mạnh.

Lũy kế toàn niên độ 2018/2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tại SBT là 426,4 tỷ đồng, giảm 37,5% so với niên độ trước và chỉ hoàn thành 62,7% kế hoạch.

Triển vọng chưa sáng

Tại Hội nghị Hiệp hội Mía đường Ðông Nam Á lần 4 ngày 17/6/2019, ngành mía đường có dấu hiệu khả quan khi đại diện các nước Ðông Nam Á dự báo, thị trường đường thế giới sẽ chuyển sang tình trạng thâm hụt 1,9 triệu tấn trong niên vụ 2019/2020 so với thặng dư 2,55 triệu tấn của niên vụ 2018/2019. Sự thay đổi này một phần bởi dự báo sản lượng đường của Ấn Ðộ niên vụ mới sẽ giảm.

Dự báo thị trường đường chuyển sang tình trạng thâm hụt sau khi liên tiếp thặng dư trong các niên vụ trước được kỳ vọng sẽ giúp giá đường thế giới tăng trở lại, kéo theo sự hồi phục của giá đường trong nước, phần nào giúp giải quyết khó khăn cho các nhà sản xuất.

Thực tế cho thấy, tại thị trường trong nước, theo thống kê của AgroMonitor, đến giữa tháng 7/2019, giá đường RS tại các nhà máy bán ra từ 11.400 - 11.900 đồng/kg ở thị trường miền Bắc, 11.850 - 12.400 đồng/kg ở thị trường miền Trung và 13.800 - 13.900 đồng/kg ở thị trường miền Nam, tăng đáng kể so với mức giá chào bán cuối quý I/2019.

Tuy vậy, các dự báo đều đánh giá khả năng giá đường tăng mạnh sẽ khó xảy ra. Trên thị trường thế giới, sau khi có xu hướng tăng trở lại trong quý II/2019, giá đường có xu hướng giảm trở lại. Số liệu từ Bloomberg cho biết, giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn New York (Hợp đồng số 11) phiên 9/8 ở mức 11,86 UScent/lb, giảm 2,1% so với đầu tháng. So với cuối tháng 6/2019, mức giá này thấp hơn khoảng 6%.

Cổ phiếu mía đường chưa hết vị “đắng” ảnh 2

Diễn biến giá đường thô trên sàn New York.

Giá đường giảm khiến giá thu mua mía giảm. Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong niên vụ 2018/2019, giá mía thu mua có lúc thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây. Về trung và dài hạn, điều này sẽ khiến diện tích trồng mía thu hẹp, ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp.

Ðáng lưu ý, từ ngày 1/1/2020, hạn ngạch nhập khẩu đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ bị xóa bỏ và mức thuế nhập khẩu cũng giảm xuống theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Ðiều này được đánh giá sẽ khiến các doanh nghiệp mía đường trong nước chịu thêm áp lực cạnh tranh đáng kể.

Báo cáo ngành đường của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) mới đây nhận định, ảnh hưởng tiêu cực của ATIGA sẽ chủ yếu đến từ đường Thái Lan “do vị trí địa lý nằm gần Thái Lan (quốc gia sản xuất đường lớn thứ tư và xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới), đường nội địa sẽ gặp phải cạnh tranh lớn với đường Thái giá rẻ nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam, bên cạnh đường lậu nhập khẩu từ nước này”.

Cổ phiếu mía đường chưa hết vị “đắng” ảnh 3

Diễn biến giá đường RS loại 1 tại các nhà máy (Đơn vị: đồng/kg).

FPTS ước tính, chi phí sản xuất đường từ mía của Việt Nam đang cao hơn 30 - 40% so với Thái Lan. Nguyên nhân chủ yếu là do giá mía của Việt Nam cao hơn giá mía của Thái Lan từ 60 - 62%, trong khi chi phí mía chiếm 75% cơ cấu chi phí sản xuất đường của các nhà máy. Trong khi đó, Thái Lan có năng suất và chất lượng mía cao hơn và các nhà máy đường có lợi thế về quy mô so với Việt Nam.

Sức ép lên thị giá cổ phiếu

Trên thị trường chứng khoán, phản ánh kết quả và triển vọng kinh doanh kém tích cực, thị giá các cổ phiếu ngành đường có diễn biến đi xuống trong một năm qua.

Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/8/2019, cổ phiếu SLS giảm 35,1% giá trị so với cùng kỳ năm trước và giảm 3/4 giá trị so với đầu năm 2018. Với cổ phiếu LSS, giá gần đây dao động quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu, giảm 50% so với đầu năm 2018 và là vùng giá thấp nhất của cổ phiếu này trong hơn 10 năm niêm yết. Thị giá suy giảm cũng là xu hướng chung của cổ phiếu SBT và KTS.

Giá cổ phiếu giảm nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp giảm nên định giá của các cổ phiếu ngành mía đường vẫn kém hấp dẫn. Trong khi KTS đang giao dịch tại hệ số giá trên thu nhập (P/E) lũy kế 4 quý gần nhất ở mức 22 lần, thì mức P/E của SBT và KTS lần lượt là 26 lần và 22 lần, cao hơn nhiều so với P/E của VN-Index.

Triển vọng kinh doanh niên độ tài chính 2019/2020 của các doanh nghiệp ngành mía đường chưa sáng khi vẫn có nhiều khó khăn từ cả giá bán và áp lực cạnh tranh. Ðiều này sẽ tạo sức ép lên khả năng phục hồi của thị giá cổ phiếu.

Trong bối cảnh đó, kỳ vọng tín hiệu tích cực có thể xuất hiện là các doanh nghiệp sẽ tập trung kiểm soát tốt chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, phát triển khách hàng, mở rộng thị phần, qua đó cải thiện lợi nhuận trong ngắn hạn và đạt kết quả tốt hơn trong trung và dài hạn, nhất là khi giá bán đầu ra hồi phục.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục