Phiên chiều 16/7: Bluechips chắp cánh, VN-Index bay cao

(ĐTCK) Việc chốt lời trên diện khá rộng khiến thị trường chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, nhờ được nhóm cổ phiếu bluechips chắp cánh với bệ đỡ chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng và Vingroup, VN-Index vẫn bay cao với mức tăng gần 10 điểm.
Phiên chiều 16/7: Bluechips chắp cánh, VN-Index bay cao

Ngay khi mở cửa, cổ phiếu ngân hàng đã đồng loạt tăng, giúp VN-Index sớm bật tăng mạnh. Từ phiên trước đó, ngân hàng đã là nhóm trụ đỡ chính thị trường. Một trong những nguyên nhân giúp cổ phiếu ngân hàng được chú ý là có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II khi nhiều nhà băng công bố lợi nhuận cao. Khi các cổ phiếu ngân hàng bị chốt lời, đến lượt cổ phiếu họ Vingroup bứt phá để nâng đỡ chỉ số.

Trong phiên này, áp lực bán xuất hiện trên diện khá rộng, trong đó tập trung vào những nhóm cổ phiếu đã tăng khá tốt thời gian qua như bất động sản, chứng khoán, dầu khí, dệt may..., khiến thị trường chịu nhiều sức ép. Tuy nhiên, với sự ổn định của 2 đầu tàu là cổ phiếu dòng Bank và Vingroup, VN-Index vẫn tăng mạnh.

Bên cạnh điểm số, sức cầu tốt giúp thanh khoản thị trường cải thiện, qua đó củng cố cho đà tăng chung của thị trường.

Đóng cửa, với 156 mã tăng và 146 mã giảm, VN-Index tăng 9,58 điểm (+0,99%) lên 982,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 174,67 triệu đơn vị, giá trị 4.525 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên 15/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 32,59 triệu đơn vị, giá trị 1.194,5 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ HDB giảm nhẹ, EIB đứng giá, 8 mã còn lại đều tăng. Trong đó, VCB và BID tăng ấn tượng nhất. VCB +2,9% lên 77.200 đồng, BID +3,8% lên 34.500 đồng, thanh khoản cũng ở mức cao khi khớp lần lượt 1,9 triệu và 3,2 triệu đơn vị. VCB vừa báo lãi trước thuế hơn 11.280 tỷ đồng trong quý II - con số kỷ lục trong nửa đầu năm của nhà băng này, trong khi BID chính thức được vào rổ VN30 trong kỳ review tháng 7/2019. Cùng được thêm vào, BHV cũng tăng 2,5% lên 86.400 đồng.

Với nhóm cổ phiếu Vingroup, đà tăng thực sự bứt lên trong thời điểm cuối phiên. VHM +2,3% lên 83.900 đồng, VRE +2,1% lên 37.000 đồng, VIC +1,5% lên 115.900 đồng, trong đó VRE khớp hơn 3,2 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng ghi nhận mức tăng tốt như SAB, BHN, MSN, VNM, VJC... để hỗ trợ chỉ số.

Ngược lại, thông tin kết quả kinh doanh không như kỳ vọng khiến các mã lớn như HVN, PPC... giảm mạnh, trong đó PPC giảm sàn về 29.100 đồng. REE cũng giảm theo trước biến động của PPC, khớp lệnh 2,16 triệu đơn vị. Hai mã bị loại khỏi VN30 là CII và DHG cũng giảm điểm, thanh khoản không cao.

Sau khi giữ sắc đỏ trong phần lớn thời gian giao dịch, ROS bất ngờ quay đầu tăng mạnh gần 2,2% lên 28.600 đồng trong cuối phiên, khớp lệnh 9,4 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu thị trường bị bán mạnh trong phiên này nên hầu hết giảm điểm như HAG, HNG, FLC, SCR, SJF, HBC, DLG, KBC, ASM, DXG, NTL, PDR..., khớp lệnh mạnh nhất nhóm này là HAG, HNG khi cùng đạt trên 5 triệu đơn vị.

Tân binh GAB sau 3 phiên tăng trần liên tiếp kể từ khi chào sàn ngày 11/7 đã quay đầu giảm sàn ở phiên này về 15.300 đồng, khớp lệnh hơn 0,5 triệu đơn vị.

Trên HNX và UPCoM, 2 chỉ số sàn này giằng co mạnh, có những thời điểm HNX đã lùi qua tham chiếu. Dù vậy, sức cầu tốt đã giúp 2 sàn này giữ được sắc xanh  khi kết phiên.

Đóng cửa, với 72 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index tăng 0,23 điểm (+0,22%) lên 105,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,21 triệu đơn vị, giá trị 364 tỷ đồng, tăng 38% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên 15/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có thêm 3,69 triệu đơn vị, giá trị 30,6 tỷ đồng.

Các nhóm dẫn dắt như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán... tuy phân hóa mạnh, nhưng việc các mã trụ như PVS, ACB, VCG, VCS, NDN, CEO, DBC, PVI, NTP... tăng điểm đã giúp HNX giữ được sắc xanh. Đơn cử, PVS +1,3% lên 24.100 đồng, ACB +0,7% lên 30.200 đồng, VCS +3,4% lên 16.800 đồng...

Về thanh khoản , SHB dẫn đầu với 2,83 triệu đơn vị khớp lệnh, PVS khớp 22 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có thêm 5 mã khớp lệnh từ 1 triệu đến dưới 2 triệu đơn vị là ACB, NDN, CEO, HUT và TNG, trong đó chỉ TNG giảm gần 1% về 21.300 đồng.

Trên UPCoM, với 116 mã tăng và 72 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,75 điểm (+1,33%) lên 57,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,16 triệu đơn vị, giá trị 277 tỷ đồng, tăng 42% về khối lượng và 50% về giá trị so với phiên 15/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,28 triệu đơn vị, giá trị 21,6 tỷ đồng.

GVR dẫn đầu thanh khoản UPCoM với 2,04 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 3% lên 13.800 đồng. Trong khi đó, BSR có thanh khoản đứng thứ 2 với 1,26 triệu đơn vị, nhưng giảm 1,7% về 11.900 đồng.

Chỉ còn một số mã đáng kể giảm như LPB, NTC, LTG..., trong khi nhiều mã lớn khác tăng điểm như VIB, VGI, CTR, VEA, MFS, MPC…

Trên thị trường phái sinh, trong số 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ, vẫn chỉ có duy nhất mã GB05F1909 được giao dịch nhỏ giọt với 5 hợp đồng thành công.

Ở 4 hợp đồng tương lai VN30, có 3 mã tăng, trong đó VN30F1907 đáo hạn ngày 18/7 là mã giao dịch sôi động nhất với 87.075 đơn vị, khối lượng mở 22.509 đơn vị. Mã giảm là VN30F1912 đáo hạn ngày 19/12 với mức giảm 1,38% về 893,5 đồng.

Trên thị trường chứng quyền, có 3 chứng quyền giảm, 9 chứng quyền tăng và 4 chứng quyền không có biến động về giá.

Về thanh khoản, CHPG1902 giao dịch mạnh nhất với 429.880 đơn vị. Tiếp đến là CVNM1901 với 336.190 đơn vị.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục