Kết thúc phiên sáng cuối tuần, cả 2 chỉ số cùng có được sắc xanh nhạt. Thanh khoản có thấp hơn so với phiên trước đó, nhưng vẫn khá tích cực. Chính nhờ vậy nên khi chỉ số tụt xuống dưới ngưỡng 605 điểm thì dòng tiền ngay lập tức được tung vào, đẩy thị trường tăng trở lại.
Nhưng nhìn chung, giao dịch trên thị trường vẫn cho thấy sự thiếu ổn định. Áp lực bán tuy không quá mạnh nhưng lực cầu cũng không quá nổi trội nên phần lớn thị trường trong thế giằng co.
Trong phiên giao dịch chiều, diễn biến giằng co tiếp tục diễn ra khá mạnh, VN-Index liên tục đổi màu. Dần về cuối phiên, việc lực cầu tỏ ra yếu thế trước áp lực gia tăng khiến VN-Index không trụ nổi trên mốc tham chiếu và để tuột mốc 605 điểm.
Đóng cửa, VN-Index giảm 1,01 điểm (-0,17%) xuống 604,24 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt trên 105 triệu đơn vị, giá trị 1.944,72 tỷ đồng. Độ rộng phiên chiều nay đã cân bằng hơn so với phiên sáng khi toàn sàn có 105 mã tăng, 109 mã giảm và 72 mã đứng giá. Chỉ số VN30-Index giảm 4,72 điểm (-0,73%) xuống 645,13 điểm với 6 mã tăng, 17 mã giảm và 7 mã đứng giá.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,35%) lên 82,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 64 triệu đơn vị, trị giá 662,51 tỷ đồng. Toàn sàn có 107 mã tăng, 82 mã giảm và 76 mã đứng giá. Chỉ số HNX30-Index tăng 1,09 điểm (+0,66%) lên 166,86 điểm với 11 mã tăng, 8 mã giảm và 11 mã đứng giá.
Giao dịch thỏa thuận trên HOSE đóng góp 4,676 triệu đơn vị, giá trị 233,4 tỷ đồng. Đáng chú ý có VNM thỏa thuận 911.620 đơn vị, trị giá 112,64 tỷ đồng; VIC có 730.000 đơn vị thỏa thuận giá trị 56,94 tỷ đồng; 300.000 đơn vị KDC giá trị 18,6 tỷ đồng và 1,41 triệu đơn vị ATA giá trị 7,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận trên HNX không đáng kể.
Các mã trong VN30 trong phiên chiều này tiếp tục cho thấy sự thiếu sự ổn định và rủ nhau giảm giá khiến VN-Index bị đè nặng thêm.
MSN giảm khá mạnh, 3.000 đồng xuống 83.000 đồng/cổ phiếu sau thông tin lợi nhuận giảm trong 6 tháng đầu năm.
VIC cũng giảm 1.000 đồng xuống 77.500 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh hơn 2,2 triệu đơn vị. Trong đó khối ngoại mua gần 820.000 đơn vị.
Các mã khác như SSI, MBB, KDC, HAG, FPT, EIB, BVH… cũng chìm trong sắc đỏ. Trong đó, HAG khớp gần 3,2 triệu đơn vị, SSI khớp lệnh trên 1,37 triệu đơn vị.
Trong tứ trụ, chỉ có GAS duy trì được phong độ với mức tăng 1.000 đồng lên 114.000 đồng/cổ phiếu. GMD cũng chỉ còn tăng 1.200 đồng lên 37.600 đồng/cổ phiếu và khớp 1,39 triệu đơn vị. Còn VNM giữ nguyên mốc tham chiếu. OGC cũng đứng tham chiếu nhưng được khớp mạnh tới 4,1 triệu đơn vị.
Các mã vừa và nhỏ vẫn là điểm đến của dòng tiền trong phiên chiều nay, nhưng có sự phân hóa khá rõ.
ITA giao dịch chậm hơn hẳn trong phiên chiều nay khi chỉ có thêm khoảng 1,6 triệu đơn vị được khớp, nâng tổng khớp cả phiên lên hơn 9,9 triệu đơn vị, đóng cửa giữ mức tăng 200 đồng lên 8.100 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, FLC lại vượt lên dẫn đầu sàn HOSE với hơn 10,5 triệu đơn vị khớp lệnh nhưng đóng cửa lại quay về mốc tham chiếu.
Cùng lúc, PVT, HQC, IJC… cũng được giao dịch khá mạnh và đồng loạt tăng giá. PVT tăng 600 đồng lên 15.200 đồng/cổ phiếu và khớp 2,7 triệu đơn vị. IJC tăng 500 đồng lên 15.000 đồng/cổ phiếu và khớp 2,26 triệu đơn vị. HQC tăng 100 đồng lên 8.100 đồng/cổ phiếu và khớp trên 3 triệu đơn vị.
Trên HNX, cũng giống như ở phiên sáng, nhóm cổ phiếu dầu khí là động lực chính giúp HNX-Index duy trì được sắc xanh. Các mã như PVX, PVG, PVC, PGS, PVE, PVB… tăng giá đồng loạt. Thậm chí, PVX, PVG và PVE còn được đẩy lên kịch trần. Riêng PVX có đột biến với hơn 24,3 triệu đơn vị khớp lệnh và còn dư mua ATC và trần hơn 4 triệu đơn vị.
Các mã khác trong nhóm HNX30 như VCG, VGS, SCR, ACB, BVS, DBC cũng đều tăng điểm, qua đó giúp HNX-Index nới rộng đà tăng. SCR tăng 200 đồng lên 9.800 đồng/cổ phiếu và khớp 2,36 triệu đơn vị. VGS cũng tăng 200 đồng lên 7.900 đồng/cổ phiếu và có 1,2 triệu đơn vị được khớp.
SHS, SHS, DCS, KLS và KLF cùng đứng tham chiếu, trong đó SHS, SHS, DCS, KLS đều khớp trên 1 triệu đơn vị, riêng KLF khớp 3,8 triệu đơn vị.