Phiên chiều 14/9: Hai sàn trái chiều

(ĐTCK) Sự ổn định của các bluechips thuộc nhóm dầu khí, ngân hàng, chứng khoán… giúp VN-Index tiếp tục tiến bước, trong khi HNX-Index quay đầu giảm điểm trước lực bán gia tăng cuối phiên.

Đóng cửa, với 151 mã tăng và 113 mã giảm, VN-Index tăng 3,54 điểm (+0,44%) lên 806,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 162,9 triệu đơn vị, giá trị 3.716,63 tỷ đồng, tăng 10,84% về lượng, nhưng giảm 6,17% về giá trị so với phiên 13/9.

Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,54 triệu đơn vị, giá trị 417,57 tỷ đồng, riêng KBC thỏa thuận 7,17 triệu đơn vị, giá trị 107,55 tỷ đồng.

Trong phiên này, nhóm cổ phiếu ngân hàng tuy không tăng thực sự mạnh, nhưng khá ổn định.  Ngoại trừ VPB giảm điểm ngay khi mở cửa, các mã VCB, BID, MBB, STB và CTG đều sớm tăng và duy trì được sắc xanh đến cuối phiên. 5 mã tăng này cũng đều khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị. VCB tỏ ra tích cực nhất với mức tăng 0,7% lên 38.000 đồng/CP và khớp 2,43 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua ròng hơn 1,4 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu chứng khoán như SSI, AGR, HCM, BSI… cũng đồng loạt khởi sắc, góp phần giữ nhịp tăng cho chỉ số. Trong đó, đầu tàu SSI tăng 1,6% lên 25.450 đồng/CP và khớp 4,06 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất cho phiên tăng này của VN-Index là các “bluechips cổ” là GAS và VIC. GAS phiên tăng này tăng 3,6% lên 69.000 đồng/CP, thậm chí có lúc đã tăng trần, khớp lệnh gần 0,94 triệu đơn vị.  VIC sau 3 phiên yếu đà cũng đã khởi sắc trở lại với mức tăng 2,2% lên 49.150 đồng/CP và khớp 1,03 triệu đơn vị.

Ngược lại, SAB là lực cản lớn nhất của chỉ số với mức giảm 1,7% về 272.500 đồng/CP. PLX cũng quay đầu giảm 0,4% vào cuối phiên từ mức tăng 0,7% trước đó.

HPG cũng bị chốt lời nên giảm 0,5% về 36.700 đồng/CP, thanh khoản cũng giảm mạnh khi khớp được 2,98 triệu đơn vị, phiên liền trước khớp 5,9 triệu đơn vị.

Với các đầu cơ, ngoại trừ FLC, hầu hết các mã khác đều giao dịch không mấy nổi bật. Phiên này, FLC bất ngờ giao dịch khởi sắc với 15,5 triệu đơn vị được sang tên, gấp gần 3 lần mã có thanh khoản đứng thứ 2 sàn HOSE là ASM và gấp đôi lượng khớp phiên trước đó, đóng cửa tăng 0,5% lên 7.500 đồng/CP.

ROS có phiên tăng tốt thứ 2 liên tiếp sau nhịp nghỉ ngày 12/9, với mức tăng 1% lên lên 116.100 đồng/CP và khớp 4,09 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, việc nhóm cổ phiếu bluechips bị bán khá mạnh, nhất là thời điểm cuối phiên, khiến HNX-Index đuối dần. Tuy nhiên, đáng chú ý là hoạt động giao dịch trên sàn này lại khởi sắc, giúp thanh khoản tăng cao.

Đóng cửa, với 69 mã giảm và 84 mã tăng, HNX-Index giảm 0,05 điểm (-0,05%) về 104,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66,77 triệu đơn vị, giá trị 752,13 tỷ đồng, tăng 113,73% về lượng và 91,1% về giá trị so với phiên 13/9. Giao dịch thỏa thuận góp 3,45 triệu đơn vị, giá trị 52,7 tỷ đồng.

KLF là ngôi sáng nhất trên HNX, cũng như thị trường phiên hôm nay. KLF khớp lệnh đột biến, đạt 21,11 triệu đơn vị, cao nhất trong 1 tháng qua, đóng cửa tăng 5,7% lên 3.700 đồng/CP, có thời điểm đã tăng  trần.

Cũng giống như trên HOSE, nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn HNX cũng khá khởi sắc. Trong đó, SHS tăng 3% lên 16.900 đồng/CP, về sát mức đỉnh cũ 3 năm là 17.000 đồng/CP, khớp lệnh 3,32 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sàn HNX.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng lại chịu áp lực bán ra, tạo sức ép lớn lên chỉ số. ACB giảm 0,7% về 28.200 đồng/CP, khớp lệnh gần 2 triệu đơn vị. SHB khớp 6,6 triệu đơn vị, song cũng chỉ đứng giá tham chiếu.

Trên sàn UPCoM, diễn biến khá kịch tính. Sau khi giữ vững sắc xanh ở phiên sáng, những tưởng áp lực bán mạnh sẽ nhấn chìm chỉ số sàn này trong phiên chiều, song bất ngờ, UPCoM-Index lại vọt tăng trở lại trước khi kết phiên. Mặc dù vậy, thanh khoản trên sàn này lại sụt giảm mạnh.

Đóng cửa, với 57 mã tăng và 47 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,06điểm (+0,11%) lên 54,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,97 triệu đơn vị, giá trị 75,79 tỷ đồng, giảm 33,5% về lượng và 21,98% về giá trị so với phiên 13/9. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,56 triệu đơn vị, giá trị 50,87 tỷ đồng, trong đó NED thỏa thuận 3 triệu đơn vị ở mức giá trần, giá trị 30 tỷ đồng.

Khá nhiều mã lớn đã có sự hồi phục để nâng đỡ chỉ số, trong đó có HVN, ACV, NAS, VIB, LTG, WSB, MCH…

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục