Sau chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp và chinh phục đỉnh cao mới trong 10 năm qua, thị trường đã quay đầu điều chỉnh ngay trong phiên đầu tuần (11/9). Những phiên tiếp đó, lực bán vẫn khá lớn trong khi dòng tiền tham gia hạn chế bởi tâm lý thận trọng khiến sắc đỏ chiếm áp đảo, tuy nhiên, các cổ phiếu lớn đã thay nhau nâng đỡ thị trường, giúp VN-Index nhanh chóng hồi phục và tiếp tục tiến bước.
Trong phiên hôm qua (13/9), thanh khoản vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện trong khi nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán mạnh các cổ phiếu bluechip và chuyển sang xu hướng bán ròng, nhưng thị trường đã duy trì đà tăng khá tốt dù chưa có sự bứt phá mạnh. Đáng chú ý, bên cạnh sự dẫn dắt từ các mã lớn như GAS, MSN, PLX, HPG…, các cổ phiếu thị trường cũng có phiên tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế.
Với diễn biến trên, nhiều công ty chứng khoán đã nhận định trong phiên ngày mai, khả năng cao VN-Index sẽ tiếp tục giao dịch lình xình và kiểm nghiệm lại đỉnh cũ trong tuần trước tương ứng với vùng 805 điểm.
Bước vào phiên giao dịch sáng 14/9, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là điểm tựa nâng đỡ thị trường giúp VN-Index tiến sát mốc 805 điểm. Trong khi đó, sàn HNX sau 2 phiên liên tiếp đã rung lắc và đón những nhịp điều chỉnh đầu phiên.
Sau gần 30 phút giao dịch, trong khi HNX-Index đã hồi phục và củng cố đà tăng thì VN-Index cũng bứt mạnh sau khi lùi về sát mốc tham chiếu. Chỉ số VN-Index đang thử thách quanh ngưỡng cản mới 805 điểm.
Nhóm cổ phiếu bluechip có diễn biến khá tích cực. Cùng với sự hồi phục nhẹ của dòng bank, các mã vốn hóa lớn cũng đua nhau khởi sắc. Điển hình VIC đảo chiều tăng khá tốt sau 3 phiên giao dịch thiếu tích cực, với mức tăng gần 2,5% sau hơn 1 giờ giao dịch. Ngoài ra, VNM, MSN, GAS, ROS, VJC… cũng đều giao dịch trong sắc xanh.
Trong khi nhóm cổ phiếu thép có phần hạ nhiệt khi hầu hết chỉ còn nhích nhẹ, thì các cổ phiếu bất động sản chịu áp lực bán gia tăng. Hầu hết các mã như ITA, DXG, ASM, HBC, HQC, SCR, PDR… đảo chiều giảm điểm sau phiên khoe sắc hôm qua.
Cùng với sự hồi phục ở các mã ngân hàng, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tăng mạnh giúp VN-Index tiếp tục tiến bước và đã chinh phục thành công mốc 805 điểm.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 3,56 điểm (+0,44%) lên 806,34 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 92 triệu đơn vị, giá trị 2.130,86 tỷ đồng, tăng 15,23% về lượng và 6,18% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,83 triệu đơn vị, giá trị 202,63 tỷ đồng, trong đó KBC thỏa thuận 7,17 triệu đơn vị, giá trị 107,55 tỷ đồng
Nhóm VN30 có tới 19 mã tăng, 6 mã giảm và 5 mã đứng giá, VN30-Index tăng 3,93 điểm (+0,5%) lên 790,36 điểm. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng như BID và STB đứng giá tham chiếu, còn CTG, VCB, MBB tăng từ 0,54-1,3%.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn góp phần hỗ trợ tích cực cho thị trường như VIC tăng 1,87%, MSN tăng 1,07%, ROS tăng 0,87%...
Đáng chú ý, các cổ phiếu họ dầu khí đua nhau tăng mạnh trong phiên sáng nay. Cụ thể, ngay trong phiên chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt 10%, cổ phiếu GAS đã nổi sóng khi có thời điểm được kéo lên kịch trần. Hiện GAS tăng 4,4% lên mức 69.500 đồng/CP với khối lượng khớp 684.130 đơn vị. Ngoài ra, PLX hồi phục với mức tăng 0,3%, PVD tăng 1,1%, PXS tăng 1,2%...
Lực cầu khá tốt cũng giúp nhiều mã bất động sản hồi phục. Trong đó, FLC tăng nhẹ 1,33% và đã chuyển nhượng thành công 11,75 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE; các mã KBC, PDR, HAR chốt phiên trong sắc xanh, SCR, CII, TDH lấy lại mốc tham chiếu.
Trên sàn HNX, thanh khoản cải thiện tích cực giúp đà tăng được duy trì đến hết phiên giao dịch sau nhịp điều chỉnh nhẹ đầu phiên.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,19 điểm (+0,18%) lên 104,62 điểm với khối lượng giao dịch đạt 45,31 triệu đơn vị, giá trị 452,33 tỷ đồng, tăng mạnh 139,23% về lượng và 87,96% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,53 triệu đơn vị, giá trị 17,9 tỷ đồng.
Trong đó, các cổ phiếu dầu khí cũng hồi phục tích cực như PVC, PVS và PVI cùng tăng 1,2%, PVB tăng sát trần 8,1%...
Ở nhóm ngân hàng, cặp đôi ACB và SHB cùng đứng giá tham chiếu với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 1,18 triệu đơn vị và 3,44 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu thị trường KLF, sau 4 phiên liên tiếp đứng giá tham chiếu, cổ phiếu này đã bùng nổ cả về giá và thanh khoản. Với mức tăng 5,7%, KLF leo lên sát mức giá trần 3.700 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 19,4 triệu đơn vị, vượt qua FLC dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường.
Trên sàn UPCoM, trái với 2 sàn chính, lực cầu khá yếu khiến chỉ số sàn này rung lắc chốt phiên trong sắc đỏ.
Cụ thể, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,01 điểm (-0,01%) xuống 54,51 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 2,1 triệu đơn vị, giá trị 42,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,22 triệu đơn vị, giá trị 42,77 tỷ đồng, trong đó NED thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị 30 tỷ đồng.
Thanh khoản khá nhỏ giọt, trên sàn UPCoM, không có mã nào chuyển nhượng thành công nửa triệu đơn vị. Cổ phiếu SWC dẫn đầu khối lượng giao dịch với 339.600 đơn vị.
Tiếp đó, ART có khối lượng giao dịch 204.600 đơn vị và chốt phiên tăng nhẹ 0,44%, đứng tại mức giá 22.600 đồng/CP. Còn lại các mã đều có khối lượng giao dịch dưới 0,2 triệu đơn vị.