Phiên chiều 13/12: Áp lực bán tăng cao, hàng loạt mã giảm sàn

(ĐTCK) Trong khi các trụ cột nới rộng đà giảm điểm thì sắc xanh mắt mèo được tô đậm hơn bởi sự góp mặt của nhiều mã đầu cơ khác, khiến thị trường giảm sâu hơn trong phiên chiều 13/12. Trên cả 2 sàn có tới 265 mã giảm giá, trong đó có 40 mã giảm sàn.
Phiên chiều 13/12: Áp lực bán tăng cao, hàng loạt mã giảm sàn

Thị trường hồi phục khá tích cực ngay khi mở cửa giúp giới đầu tư kỳ vọng một phiên giao dịch tươi sáng trong ngày 13/12. Tuy nhiên, đà tăng nhanh chóng chững lại khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục và dần đảo chiều trở lại giao dịch trong sắc đỏ về cuối phiên do áp lực bán gia tăng và lan rộng toàn thị trường.

Sắc đỏ ngập tràn bảng điện tử, trong đó, các cổ phiếu bluechip đóng vai trò là lực hãm chính đẩy 2 chỉ số xuống mức thấp nhất trong phiên sáng. Bên cạnh đó, các cổ phiếu thị trường có tính đầu cơ vẫn chưa thoát khỏi đà giảm sâu, đua nhau nằm sàn trong phiên sáng nay.

Thị trường tiếp tục giao dịch ảm đạm khi bước sang phiên giao dịch chiều. Áp lực bán tăng mạnh khiến số mã giảm điểm gấp đôi số mã tăng, trong đó, sắc xanh mắt mèo được tô đậm hơn bởi sự đóng góp của nhiều mã đầu cơ mới.

Đóng cửa, toàn sàn HOSE có 167 mã giảm, gấp hơn 2 lần số mã tăng (82 mã), trong đó có 27 mã giảm sàn. Chỉ số VN-Index giảm 5,04 điểm (-0,76%) xuống mức 654,66 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 135 triệu đơn vị, giá trị 2.371,29 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng thị trường khi có tới 18 mã giảm, 7 mã tăng và 5 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index giảm 6,12 điểm (-1%) xuống mức 606,71 điểm.

Mặc dù được nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng nhưng trụ cột VNM tiếp tục nới rộng đà giảm điểm. Với mức giảm 2,02%, VNM đóng cửa tại mức thấp nhất ngày 131.000 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 1,45 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các mã lớn khác cũng nới rộng đà giảm điểm như MSN giảm 3,17%, GAS giảm 1,52%, ROS giảm 6,67% xuống sát mức giá sàn 100.800 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị.

Trái lại, “cánh én lẻ loi” SAB vẫn duy trì đà tăng trần. Đóng cửa, SAB tăng 6,94% lên mức 184.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 96.830 đồng/CP và dư mua trần 478.980 đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, hàng chục mã đua nhau giảm sàn. Bên cạnh các mã quen thuộc như HQC, HAR, DLG, KSH…, còn có thêm sự góp mặt của HAI, FLC, TMT, TTF, TSC… Trong đó, FLC và DLG có khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, lần lượt đạt 16,17 triệu đơn vị và 11,59 triệu đơn vị.

Trong phiên hôm nay, giá cổ phiếu ROS giảm xuống mức 100.800 đồng/CP, còn FLC giảm sàn xuống mức 4.750 đồng. Với việc sở hữu 114,19 triệu cổ phiếu FLC và 279,56 triệu cổ phiếu ROS, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết là hơn 28.722 tỷ đồng.
Trong khi đó, với việc sở hữu hơn 724 triệu cổ phiếu VIC, trong khi giá cổ phiếu này trở về mốc tham chiếu 42.000 đồng/CP, tổng tài sản ông Phạm Nhật Vượng là 30.408 tỷ đồng.
Theo đó, ông Quyết đã "trả lại" ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cho ông Vượng sau gần 1 tháng nắm giữ (từ ngày 14/11/2016).

Tương tự, trên sàn HNX, trong khi lực cầu suy yếu thì áp lực bán tăng mạnh, đã khiến đà giảm thị trường nới rộng hơn. Chỉ số HNX-Index lùi về dưới mốc 78 điểm.

Với 58 mã tăng và 98 mã giảm, trong đó có 13 mã giảm sàn, chỉ số HNX-Index giảm 0,88 điểm (-1,12%) xuống mức 77,91 điểm. Thanh khoản ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 33,39 triệu đơn vị, giá trị 272,27 tỷ đồng.

HNX30-Index giảm 1,95 điểm với 6 mã tăng, 17 mã giảm và 5 mã đứng giá. Trong đó, ngoại trừ KLF duy trì sắc xanh mắt mèo còn có thêm sự tham gia của SHS, với mức giảm 8,3% và đóng cửa tại mốc 4.400 đồng/CP.

Cặp đôi SHN và SHB dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với lượng khớp tương ứng 2,95 triệu đơn vị và 2,77 triệu đơn vị, tuy nhiên, cả 2 mã này đều đóng cửa trong sắc đỏ với đà giảm đều hơn 2%.

Trong khi đó, sau 5 phiên liên tiếp trở lại sắc tím, đà tăng của DST đã bị chặn đứng trong phiên hôm nay. Dù có thời điểm rung lắc khiến DST đảo chiều nhưng đóng cửa, cổ phiếu này về mốc tham chiếu 34.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 62.500 đơn vị.

Thanh Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục