Phiên chiều 1/11: Tiền vào ồ ạt, VN-Index vượt đỉnh của năm

(ĐTCK) Thị trường đã có phiên giao dịch bùng nổ để chào tháng mới. Sau nhịp tăng mạnh cuối phiên sáng, lực cầu tiếp tục dâng cao và tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index xác lập đỉnh mới trong hơn 1 năm khi kết phiên vượt mốc 1.015 điểm.

Sau phiên đảo chiều điều chỉnh ngày cuối cùng của tháng 10, thị trường đã nhanh chóng hồi phục dành lại mốc tâm lý mạnh 1.000 điểm và nới rộng biên độ tăng về cuối phiên. Chỉ số VN-Index đã bỏ xa mốc 1.000 điểm và leo lên mức 1.010 điểm khi chốt phiên sáng trên ngưỡng 1.010 điểm nhờ sự hỗ trợ tích cực của mã lớn VHM.

Tâm lý hưng phấn tiếp tục lan sang phiên giao dịch chiều giúp dòng tiền tham gia sôi động và với tâm điểm vẫn là nhóm cổ phiếu bluechip, đã tiếp sức cho thị trường đi lên. Cùng hàng loạt mã lớn lập đỉnh lịch sử mới, chỉ số VN-Index cũng đã tăng tới hơn 15 điểm và xác lập đỉnh trong hơn 1 năm qua, tiến tới vùng đỉnh gần nhất tại 1.023,62 điểm (đóng cửa phiên 4/10/2018).

Chốt phiên, sàn HOSE có 165 mã tăng và 152 mã giảm, VN-Index tăng 16,77 điểm (+1,68%), lên 1.015,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 241,34 triệu đơn vị, giá trị 5.183,2 tỷ đồng, tăng 10,2% về khối lượng và 21,34% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,29 triệu đơn vị, giá trị gần 1.142 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 5 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, còn lại đều khởi sắc. Trong đó, VHM là điểm sáng khi được kéo lên kịch trần 95.200 đồng/CP với mức tăng 7%, cùng khối lượng khớp lệnh tăng vọt, lên tới gần 2,6 triệu đơn vị và dư mua trần 18.200 đơn vị. Không chỉ giao dịch trong nước sôi động, nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia mạnh khi mua vào gần 1,9 triệu cổ phiếu VHM và bán ra hơn 1,1 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó, “người cùng nhà” là VIC và VRE cũng nới rộng biên độ cùng thanh khoản tích cực, cụ thể, VIC tăng 2,9% lên mức cao nhất ngày 122.500 đồng/CP, còn VRE tăng 5,6% lên 35.050 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 9,67 triệu đơn vị.  

Ngoài bộ ba nhà Vingroup, các mã khác trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn cũng hầu hết khởi sắc như VCB tăng 1,3% và lập đỉnh lịch sử mới tại mức giá 88.800 đồng/CP, VNM tăng 1,8% lên 132.400 đồng/CP, MSN tăng 2% lên 75.700 đồng/CP, GAS tăng gần 1% lên 104.500 đồng/CP, BID tăng gần 1% lên 41.000 đồng/CP, CTG tăng 1,4% lên 22.300 đồng/CP.

Trái lại, 5 mã điều chỉnh với SAB, NVL, MBB, HDB chỉ giảm trong biên độ hẹp chưa tới 0,5%, ngoài trừ CTD giảm 3,67% xuống mức thấp nhất ngày 76.100 đồng/CP.

Lực cầu tích cực cũng giúp ROS đảo chiều hồi phục thành công khi tăng nhẹ 0,4% lên 25.200 đồng/CP và vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản với 27,95 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cCổ phiếu FLC đã thoát khỏi sắc xanh mắt mèo và có thời điểm vươn lên mốc tham chiếu, tuy nhiên, lực bán vẫn khá lớn khiến FLC kết phiên giảm 5,26% xuống 4.500 đồng/CP và đã khớp lệnh 26,25 triệu đơn vị.

Mặt khác, HVG có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp, với mức tăng 6,9% lên 5.450 đồng/CP và đã khớp lệnh 7,16 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, biên độ tăng cũng nới rộng hơn trong phiên chiều.

Đóng cửa, sàn HNX có 44 mã tăng và 33 mã giảm, HNX-Index tăng 0,56 điểm (0,53%), lên 105,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 23,14 triệu đơn vị, giá trị 279,18 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 18,31 triệu đơn vị, giá trị 227,36 tỷ đồng.

Trái với giao dịch thiếu tích cực trong phiên sáng, cổ phiếu VCS đã đảo chiều thành công khi tăng nhẹ 0,3% và kết phiên tại mức giá đồng/CP.

Thêm vào đó, một số mã lớn cũng khởi sắc hoặc nới rộng biên độ tăng như ACB tăng 0,4% lên 24.200 đồng/CP, DGC tăng 1,2% lên 26.000 đồng/CP, DHT tăng 6,2% lên 53.200 đồng/CP, PVS tăng 0,5% lên 18.600 đồng/CP, SHS tăng 3,7% lên 8.500 đồng/CP…

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất giao dịch khá tích cực với NVB dẫn đầu đạt hơn 2,2 triệu đơn vị và kết phiên tại mức giá 9.200 đồng/CP, tăng 2,22%.

Tiếp theo đó là SHB khớp 1,99 triệu đơn vị, ACB khớp hơn 1,9 triệu đơn vị, PVS khớp 1,75 triệu đơn vị, PVX khớp 1,69 triệu đơn vị. Đóng cửa, SHB và PVX cùng đứng giá tham chiếu, còn ACB và PVS tăng nhẹ.

Trên UPCoM giao dịch vẫn diễn ra khá giằng co.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,01 điểm, xuống 56,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 8,54 triệu đơn vị, giá trị 112,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,38 triệu đơn vị, giá trị 54,23 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đã lấy lại mốc tham chiếu 9.800 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất với gần 1,43 triệu đơn vị được giao dịch thành công.

Tiếp theo đó, các mã PXL, LPB và KSH đều có khối lượng giao dịch hơn nửa triệu đơn vị.

Nhiều mã lớn vẫn giao dịch không mấy tích cực như GVR giảm 1,4% xuống 13.900 đồng/CP, VEA giảm 0,4% xuống 49.100 đồng/CP, VGI giảm 1,2% xuống 32.100 đồng/CP, OIL giảm 1% xuống 10.300 đồng/CP, MSR giảm 1,8% xuống 16.600 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều giao dịch khởi sắc. Trong đó, VN30F1911 vẫn được giao dịch nhiếu nhất với hơn 65.676 hợp đồng, khối lượng mở 19.787 hợp đồng, kết phiên tăng 0,76% lên 933,5 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, có tới 27 mã tăng, 9 mã giảm và 5 mã đứng giá, trong đó, CHPG1906 dẫn đầu thanh khoản với 95.159 đơn vị được khớp lệnh, tiếp theo là CVRE1901 với 68.510 đơn vị được khớp lệnh.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục