Phiên sáng 1/11: Thị trường bùng nổ, VN-Index tăng vọt lên 1.010 điểm

(ĐTCK) Cổ phiếu lớn VHM tăng mạnh sau kết quả kinh doanh quý III ấn tượng và mua vào cổ phiếu quỹ đã tiếp sức giúp VN-Index tăng vọt qua mốc 1.010 điểm. Trong khi đó, cổ phiếu FLC tiếp tục bị nhà đầu tư ồ ạt xả hàng, khiến lượng dư mua sàn lên tới hơn 15 triệu cổ phiếu.
Phiên sáng 1/11: Thị trường bùng nổ, VN-Index tăng vọt lên 1.010 điểm

Thị trường vừa khép lại tháng 10 với diễn biến chủ yếu là lình xình và giằng co trong biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index đã loay hoay tìm lối thoát cho ngưỡng tâm lý mạnh 1.000 điểm nhưng đều thất bại và chỉ đến phiên gần cuối cùng của tháng (30/10), thị trường mới chính thức vượt qua thử thách này nhờ sự hỗ trợ tích cực của các mã bluechip.

Tuy nhiên, ngay sau đó, áp lực bán dù không quá lớn nhưng việc lan rộng trên thị trường và không loại trừ các mã bluechip khiến VN-Index khép lại tháng 10 đã để tuột mất mốc 1.000 điểm. Tính chung trong cả tháng 10, chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ hơn 2 điểm, tương ứng chỉ tăng 0,2%.

Theo phân tích của KBSV, VN-Index đã có phiên điều chỉnh quay xuống dưới mốc 1.000 dù cho bối cảnh TTCK toàn cầu khá tích cực sau quyết định hạ lãi suất lần thứ 3 của FED. Như vậy, xu hướng đi ngang chủ đạo vẫn tiếp tục chi phối với các chỉ số động lượng hiện vẫn khá trung tính và VN-Index đã quay lại trong dải Bollinger 2SD.

Trong khi đó, thống kê giao dịch trong tháng 11 của 10 năm vừa qua, có tới 7 năm giảm điểm và chỉ 3 năm tăng. Những lần điều chỉnh vào tháng 11 thường có biến động khá mạnh với nhiều năm giảm trên 5% như 2009; 2011; 2014 và 2015, thậm chí vào năm 2009, mức giảm của VN-Index trong tháng 11 còn lên tới hơn 14%.

Việc TTCK Việt Nam thường biến động xấu vào tháng 11 có thể bởi đây là giai đoạn thị trường rơi vào vùng trống thông tin hỗ trợ và đây cũng là thời điểm khối ngoại thường bán ròng mạnh, khiến thị trường thêm phần ảm đạm.

Vậy liệu trong tháng 11/2019, diễn biến thị trường có đi theo quy luật chung hay không khi mà thị trường đang có những thông tin khá tích cực như việc chứng khoán Việt được dự báo sẽ tăng mạnh tỷ trọng trong rổ MSCI; kết quả kinh doanh quý III/2019 của top 40 doanh nghiệp lớn nhất trên HOSE tăng trưởng mạnh tới 25% so với cùng kỳ, hay P/E của VN-Index hiện mới ở mức 16,5, thấp hơn nhiều so với các thị trường khu vực…

Bước vào phiên giao dịch sáng 1/11, mặc dù thị trường giao dịch khá phân hóa nhưng sự khởi sắc của bộ 3 nhà Vin đã tiếp sức giúp VN-Index lấy lại đà tăng điểm và nhanh chóng dành lại mốc 1.000 điểm.

Trong đó, Vinhomes sau công bố kết quả kinh doanh quý III/2019 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 21.000 tỷ đồng, tăng trưởng 41%, đã tiếp tục thông qua Nghị quyết HĐQT việc mua lại tối đa 60 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 1,79% vốn điều lệ, đã tiếp sức giúp cổ phiếu VHM tăng vọt trong phiên sáng nay. Sau gần 1 giờ, VHM tăng 2,2% lên 91.000 đồng/CP, đang đóng vai trò là lực đỡ chính giúp VN-Index tiếp tục tiến bước.

Mặt khác, ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu FLC bị xả bán mạnh với lượng dư bán sàn chất đống do vắng bóng bên mua. Hiện FLC tiếp tục lùi về mức giá sàn 4.420 đồng/CP và chỉ khớp 3,82 triệu đơn vị, cùng khối lượng dư bán sàn lên tới 15,66 triệu đơn vị.

Sau hơn 1 giờ giao dịch lình xình, lực cầu gia tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip với tâm điểm là mã lớn VHM đã tiếp sức cho thị trường tăng vọt, lập đỉnh trong hơn 7 tháng qua (VN-Index đóng cửa phiên 18/3 tại mức 1.011,86 điểm).

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 135 mã tăng và 166 mã giảm, VN-Index tăng 11,26 điểm (+1,13%), lên 1.010,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 110 triệu đơn vị, giá trị 2.424,63 tỷ đồng, giảm hơn 15% về khối lượng nhưng tăng hơn 17% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,48 triệu đơn vị, giá trị 634,73 tỷ đồng, riêng ROS thỏa thuận 12,7 triệu đơn vị, giá trị 340,36 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, thông tin hỗ trợ tích cực từ việc dự kiến mua vào 60 triệu cổ phiếu quỹ đã giúp VHM tăng vọt, thậm chí có lúc chạm trần. Kết phiên, VHM tăng 6,74% lên sát mức giá trần 95.000 đồng/CP cùng thanh khoản lên tới hơn 1,5 triệu đơn vị, là trụ đỡ chính giúp VN-Index bay xa qua vùng thử thách mạnh 1.000 điểm.

Bên cạnh đó, những anh em cùng họ là VIC và VRE cũng giao dịch khởi sắc khi VIC tăng 1,6% lên 120.900 đồng/CP, VRE tăng 4,5% lên mức cao nhất ngày 34.700 đồng/CP cùng khối lượng khớp lệnh tăng vọt với hơn 5,78 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng hỗ trợ giúp thị trường bay cao như VNM tăng 1,3% lên 131.700 đồng/CP, VCB tăng 0,8% lên đỉnh mới 88.400 đồng/CP, MSN tăng 1,1% lên 75.000 đồng/CP…

Trái lại, ROS vẫn chịu sức ép bán ra và có phiên giảm thứ 4 liên tiếp, với mức giảm 2% xuống 24.600 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 11,42 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC vẫn trong tình trạng dư bán sàn chất đống với 15,13 triệu đơn vị, trong khi bên mua vắng bóng. Chốt phiên, FLC đứng tại mức giá sàn 4.420 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh hơn 5 triệu đơn vị.

Trên HNX, giao dịch khá giằng co và liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu, tuy nhiên, HNX-Index đã may mắn có được sắc xanh nhạt cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 30 mã tăng và 42 mã giảm, HNX-Index tăng 0,1 điểm (+0,1%), lên 105,29 điểm.

Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 12 triệu đơn vị, giá trị 143,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17,47 triệu đơn vị, giá trị 208,42 tỷ đồng, trong đó NVB thỏa thuận hơn 14,4 triệu đơn vị, giá trị lên tới 141,59 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 giao dịch phân hóa, trong đó CEO tăng 1,1% lên 9.400 đồng/CP, PVS tăng 1,1% lên 18.700 đồng/CP, TNG tăng 2,6% lên 15.700 đồng/CP, PVC tăng 4,3% lên 7.300 đồng/CP, SHS tăng 1,2% lên 8.300 đồng/CP.

Trái lại, VCS giảm 1,2% xuống 84.900 đồng/CP, DTD giảm 7,4% xuống 12.600 đồng/CP, BVS giảm 1,8% xuống 10.700 đồng/CP… Còn ACB, SHB, VCG, PVI, DGC, HUT, PVB đang đứng giá tham chiếu.

Trong đó, SHB là mã duy nhất có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, đạt 1,24 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên HNX. Tiếp theo là NVB khớp 984.000 đơn vị và chốt phiên tại mức giá 9.100 đồng/CP, tăng 1,1%.

Trên UPCoM, sau màn khởi sắc đầu phiên, thị trường đã suy yếu và đảo chiều giảm điểm trong 30 phút cuối trước khi chốt phiên sáng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,2%), xuống 56,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 4,54 triệu đơn vị, giá trị 55,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 344.938 đơn vị, giá trị 11,73 tỷ đồng.

Không có mã nào giao dịch trên 1 triệu đơn vị, BSR dẫn đầu và cũng là mã duy nhất có thanh khoản hơn nửa triệu đơn vị. Cụ thể, BSR đảo chiều giảm 1% xuống 9.700 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 666.900 đơn vị.

Một số mã lớn khác cũng giao dịch không mấy tích cực là tác nhân khiến thị trường quay đầu như GVR giảm 0,7% xuống 14.000 đồng/CP, VGI giảm 1,2% xuống 32.100 đồng/CP, MSR giảm 1,8% xuống 16.600 đồng/CP, OIL giảm 1% xuống 10.300 đồng/CP…

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục