Hai phiên tăng tích cực cuối tuần trước đã tạo động lực để VN-Index sớm bật tăng trong phiên hôm qua (30/9) để vượt qua mốc 1.000 điểm và hướng lên mức cao hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh động lực tăng chưa vững chắc khi tâm lý nhà đầu tư còn thận trọng nhất định, VN-Index “lên nhanh, xuống cũng nhanh”, trước khi bị đẩy ngược qua tham chiếu trong nửa cuối phiên chiều và đánh mất mốc 1.000 điểm
Rút kinh nghiệm từ những phiên trước đó, VN-Index đã thận trọng hơn khi tiếp cận ngưỡng 1.000 điểm trong phiên hôm nay (1/10). Lực mua đã không dồn mạnh, mà phân tán đều trong suốt thời gian giao dịch. Điều này giúp VN-Index ổn định hơn, nhất là khi áp lực bán mạnh lên, bởi không ít thời điểm sức ép gia tăng khiến VN-Index bị đẩy lùi qua tham chiếu và cầu đỡ được tung ra đúng lúc để kéo chỉ số tăng trở lại, đủ để duy trì khoảng cách an toàn với ngưỡng cản tâm lý rất mạnh này.
Đóng cửa, với 162 mã tăng và 150 mã giảm, VN-Index tăng 3,03 điểm (+0,3%) lên 999,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 210,25 triệu đơn vị, giá trị 4.732,51 tỷ đồng, tăng 19% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên 30/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 68,7 triệu đơn vị, giá trị gần 1.606 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bluechips tiếp tục là bệ đỡ chính của VN-Index trong phiên này, với sự nổi bật của các mã ngân hàng. Ngoại trừ STB giảm điểm, các mã ngân hàng còn lại đều tăng, trong đó phải kể đến HDB +2%, các mã VCB, BID, TCB, VPB, MBB đều tăng từ hơn 1% đến gần 2%. Ngoài điểm số, HDB cũng là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 4,47 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản - xây dựng - khu công nghiệp cũng là nhóm cổ phiếu hỗ trợ tốt cho thị trường phiên này, song lực đỡ không đến từ các mã lớn, mà đến từ các trung bình và nhỏ như NLG, FLC, DIG, PHC, TDH, KBC, IDI, HDC, IJC…
Ngược lại, các mã VRE, VHM, VNM, GAS, VJV, NVL, HPG, ROS… giảm điểm, qua đó tạo sức ép không nhỏ lên chỉ số. ROS khớp lệnh 19,32 triệu đơn vị, vượt trội so với các mã đứng sau như HDB, PVD, HPG với hơn 4 triệu đơn vị được sang tên.
Đáng chú ý, CII bất ngờ tăng trần lên 23.500 đồng và thanh khoản mạnh với 2,19 triệu đơn vị khớp lệnh. Đây cũng là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của mã này. Tương tự, TSC, HDC, IJC, FTM… cũng đạt sắc tím, trong đó FTM đã có phiên trần thứ 3 liên tiếp kể từ sau chuỗi giảm sàn hơn 30 phiên liên tục.
Trên sàn HNX, diễn biến chủ yếu giằng co nhẹ quanh tham chiếu và cũng tích cực hơn về cuối phiên, thanh khoản cải thiện mạnh.
Đóng cửa, với 57 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 0,8 điểm (+0,76%) lên 105,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,85 triệu đơn vị, giá trị 451 tỷ đồng, tăng 56% về khối lượng và 57% về giá trị so với phiên 30/9. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,55 triệu đơn vị, giá trị 154 tỷ đồng.
Đóng góp tích cực nhất vào đà tăng chung của HNX-Index phiên này phải kể đến các mã lớn như ACB, VCS, CEO, PVI…, cho dù có lượng mã giảm chiếm ưu thế hơn. Trong đó, VCS +5,6%, ACB +1,3%, CEO và PVI +1%. Ngược lại, các mã giảm mạnh có PVS -1%, TNG -2,2%, MBS -1,3%...
NVB dẫn đầu thanh khoản với 3,1 triệu đơn vị, nhưng đứng giá tham chiếu cùng với SHB với 1,95 triệu đơn vị. ACB khớp 1,84 triệu đơn vị. Nằm trong nhóm thanh khoản cao còn có PVS với 2,11 triệu đơn vị, PVX và TNG cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, sàn giao dịch trong sắc đỏ trong hầu hết thời gian, nhưng kết phiên bất ngờ nhích qua tham chiếu khi bắt được xu hướng hồi phục của 2 sàn niêm yết. Thanh khoản cũng ghi nhận sự hồi phục mạnh.
Đóng cửa, với 102 mã tăng và 64 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,1%) lên 56,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,24 triệu đơn vị, giá trị 338 tỷ đồng, tăng 24% về khối lượng và 106% về giá trị so với phiên 30/9. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với 2,05 triệu đơn vị, giá trị 142 tỷ đồng.
Không nhiều mã lớn giao dịch tích cực trong phiên này khi chủ yếu giảm điểm như BSR, ACV, VEA, VGT, MPC, DVN… hay đứng giá như LPB, VIB, OIL, MSR… Đây là nguyên nhân chính khiến động lực tăng của UPCoM bị hạn chế.
Dẫu vậy, nhóm Viettel với CTR, VGI hay một số mã lớn khác như GVR, QNS, VRG, SDI… tăng tốt đã giúp sàn này thoát hiểm may mắn cuối phiên.
Về thanh khoản, 3 mã LPB, BSR và GVR cùng khớp khớp trên 1,3 triệu đơn vị và là những có lượng khớp cao nhất sàn.
Trên thị trường phái sinh, cả 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ đều không có giao dịch, trong khi cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều giao dịch tích cực với cả 4 mã tăng, trong đó hợp đồng VN30F1910 đáo hạn ngày 17/10 giao dịch nhiều nhất với hơn 95.532 hợp đồng được chuyển nhượng, tăng 0,86% lên 930 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, có 7 mã tăng, 3 mã đứng giá và 10 mã giảm. Trong đó, mã CVNM1901 có thanh khoản tốt nhất với 639.220 đơn vị khớp lệnh, nhưng giảm 10,12% về 710 đồng.