Trong phiên sáng, cùng chung diễn biến hoảng loạn của thị trường thế giới đêm hôm trước và dư âm của phiên lao dốc hôm qua, VN-Index tiếp tục rơi gần 29 điểm và mốc 800 điểm đứng trước thử thách lớn.
Tuy nhiên, đà giảm của thị trường đã được chặn lại khi dòng tiền bắt đáy chảy mạnh. Cả VN-Index và HNX-Index đều quay đầu trở lại, trong đó HNX-Index đóng cửa phiên sáng với sắc xanh, còn VN-Index thiếu chút may mắn.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu bắt đáy cuối phiên sáng kích thích thêm dòng tiền chảy mạnh vào thị trường giúp sắc xanh lan rộng, kéo VN-Index và HNX-Index nhảy một bước khá dài lúc đầu phiên. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trong việc nắm giữ hàng trong thời điểm này, nên đẩy mạnh bán ra khi giá lên cao, khiến cả 2 chỉ số quay đầu đi xuống dưới tham chiếu sau đó.
Trong đợt khớp lệnh giá đóng cửa (ATC), VN-Index được kéo trở lại lên trên tham chiếu, trong khi HNX-Index lại không thể trở lại khi SHB trở lại mức sàn.
Chốt phiên, VN-Index tăng 2,01 điểm (+0,24%), lên 837,5 điểm với 204 mã tăng, trong đó có 12 mã tăng trần, trong khi số mã giảm chỉ còn 164 mã, trong đó chỉ có 15 mã giảm sàn. Trong phiên hôm qua, số mã giảm lên tới 368 mã, trong khi chỉ có 34 mã tăng, trong đó hầu hết là giảm sàn.
Thanh khoản duy trì tốt nhờ lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực. Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch đạt 298 triệu đơn vị, giá trị 5.188,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,6% về lượng và 6,7% về giá trị so với phiên hôm qua.
Phiên hôm nay ghi nhận sự đảo chiều ngoạn mục của nhiều mã nhỏ, trong đó đáng kể nhất là HAI khi mở cửa với mức sàn 2.900 đồng, nhưng đóng cửa ở mức trần 3.320 đồng với 15,9 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần hơn 100.000 đơn vị.
HQC cũng giảm khá mạnh lúc đầu phiên, nhưng chốt phiên chiều đứng ở mức trần 1.140 đồng, khớp 10,28 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần 1,1 triệu đơn vị.
Ngoài 2 mã trên, thì cặp đôi AMD và QCG vẫn duy trì sắc tím bất chấp xu hướng thị trường chung như thế nào. Tuy nhiên, thanh khoản 2 mã này khiêm tốn hơn khi lực cung không lớn. Chốt phiên, QCG tăng trần lên 6.820 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị, còn dư mua trần gần nửa triệu đơn vị. AMD cũng lên trần 3.490 đồng, khớp 1,23 triệu đơn vị, còn dư mua trần tới gần 6,3 triệu đơn vị.
Các mã có sắc tím hôm nay là CSM, CLG, LGL, SGR, HTV…, nhưng thanh khoản kém do cả lực cung và cầu yếu.
Không có sắc tím khi chốt phiên, nhưng FLC cũng đảo chiều ngoạn mục từ mức sàn 3.520 đồng, chốt phiên ở mức 3.820 đồng, tăng 1,06% so với tham chiếu với 16,53 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HOSE.
DLG cũng đảo chiều tăng 1,13% lên 1.790 đồng, khớp 8,59 triệu đơn vị, FIT cũng từ mức sàn đảo chiều đóng cửa ở mức trên tham chiếu.
Không chỉ nhóm cổ phiếu nhỏ, các mã bluechip cũng đồng loạt đảo chiều thành công, trong đó VNM tăng mạnh 4,85% lên 101.700 đồng, HPG tăng 3,84% lên 21.650 đồng, FPT tăng 2,78% lên 51.700 đồng, CTG tăng 2,08% lên 24.500 đồng. Các mã khác như VCB, VHM, TCB, VPB, MSN, thậm chí mã hàng không VJC cũng đảo chiều tăng từ gần 1% đến hơn 1,5%.
Các mã còn giảm có GAS, MBB, BVH, BID, MWG, HVN, HDB, EIB, PNJ…, nhưng mức giảm cũng được hạn chế nhiều, trong đó GAS và BVH giảm mạnh 4,99% và 5,07%; BID và MWG giảm hơn 2%.
Trong khi đó, HNX-Index giảm nhẹ 0,14 điểm (-0,14%), xuống 106,2 điểm 106,2 điểm với 74 mã tăng và 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64,5 triệu đơn vị, giá trị 675 tỷ đồng, giảm 5,7% về lượng và 24,5% về giá trị so với phiên hôm qua.
HNX-Index không thể giữ được sắc xanh do SHB quay về mức sàn 10.100 đồng, khớp gần 14 triệu đơn vị và còn dư bán sàn. Trong khi đó, ACB đảo chiều thành công khi đóng cửa tăng 3,86% lên 24.200 đồng, khớp 7,58 triệu đơn vị, đứng sau SHB. Một mã ngân hàng khác là NVB cũng đảo chiều thành công khi tăng 1,16% lên 8.700 đồng, khớp 4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, PVS dù nỗ lực, nhưng vẫn chịu chung cảnh giảm mạnh như các mã dầu khí khác. Đóng cửa, PVS giảm 5,15% xuống 12.900 đồng, khớp 5,76 triệu đơn vị.
Trong các mã nhỏ, khác với những anh em họ FLC của mình trên HOSE, ART và KLF không thể đảo chiều thành công, trong đó KLF vẫn ở mức sàn 1.500 đồng, khớp 5,2 triệu đơn vi, còn ART giảm 3,85% xuống 2.500 đồng, khớp 5,29 triệu đơn vị.
Trên thị trường UPCoM, sau khi chớm đỏ lúc mở cửa phiên, chỉ số chính của thị trường này đã nhanh chóng lấy lại sắc xanh và nới rộng dần đà tăng theo thời gian giao dịch. Dù không giữ được mức đỉnh của ngày thiết lập đầu phiên chiều, nhưng UPCoM-Index vẫn có phiên hồi phục tốt.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,97 điểm (+1,85%), lên 53,41 điểm với 111 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,5 triệu đơn vị, giá trị 240 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 0,7 triệu đơn vị, giá trị 9 tỷ đồng.
Thanh khoản trên thị trường này hôm nay cũng rất tốt khi có 4 mã khớp trên 1 triệu đơn vị, trong đó chỉ có VEA đóng cửa trong sắc đỏ, còn lại đều tăng.
Cụ thể, LPB tăng 4,11% lên 7.600 đồng, khớp 4,25 triệu đơn vị, BSR tăng 2,86% lên 7.200 đồng, khớp 2,52 triệu đơn vị, VIB tăng 3,01% lên 17.100 đồng, khớp 2,16 triệu đơn vị, VEA giảm 1,96% xuống 35.000 đồng, khớp 1,12 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cùng với sự hồi phục 0,85% của VN30-Index lên 789,51 điểm, các hợp đồng tương lại của chỉ số này cũng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh phiên hôm nay sau khi đều giảm sàn trong phiên đầu tuần mới. Trong đó, VN30F2003 tăng 0,96% lên 781,5 điểm với 207.615 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 22.714 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, cũng giống thị trường cơ sở, khi đa số mã đảo chiều thành công, nhiều chứng quyền cũng đảo chiều tăng trở lại phiên hôm nay với 26 mã tăng, 26 mã giảm. Trong đó, CVRE1902 là mã có thanh khoản tốt nhất với 956.960 đơn vị, nhưng đóng cửa giảm tới 63,64% xuống 40 đồng.