Thực tế, không hiếm trường hợp thất bại cay đắng xuất phát từ câu chuyện phát triển thương hiệu hậu M&A. Theo Harvard Business Review, đây là yếu tố chính khiến tỷ lệ thất bại của các thương vụ M&A lên tới 70 - 90%.
Sức mạnh vô hình
Việc mua bán - sáp nhập thường được xem xét kỹ lưỡng dưới góc nhìn tài chính, tuy nhiên, chìa khóa mở cánh cửa thành công lại nằm ở các yếu tố khó định lượng, mà một trong số đó là thương hiệu. Ðây không chỉ là câu chuyện về tên tuổi, logo hay đặc điểm nhận diện, mà còn là vấn đề ý nghĩa sự tồn tại của doanh nghiệp.
Trong M&A, sức mạnh của thương hiệu có thể biến thành nền tảng tạo nên tình hình tài chính vững mạnh, nâng cao vị thế doanh nghiệp sau M&A, tạo ra giá trị gia tăng cho cổ đông và khách hàng. Do đó, việc định giá, lựa chọn chiến lược phát triển thương hiệu hậu M&A được đánh giá là vấn đề mấu chốt tạo nên giá trị doanh nghiệp trong dài hạn.
Chia sẻ với Ðầu tư Chứng khoán, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm CEO Công ty Le Bros cho biết: “Giá trị thương hiệu là tài sản vô hình của một doanh nghiệp. Nếu như trước M&A, thương hiệu chính là thứ tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư, đồng thời là thứ giá trị gia tăng cho thương vụ mua bán - sáp nhập, thì sau khi M&A, nó phải được tiếp tục phát triển phục vụ chiến lược kinh doanh mới, góp phần tạo lập những giá trị mới cho doanh nghiệp”.
Một thương hiệu mạnh sẽ là lợi thế trên bàn đàm phán đối với người bán, nhưng cũng là bàn đạp tăng tốc cho người mua. Nếu được đánh giá đúng mức thì giá trị thương hiệu sẽ là ván cờ win-win cho cả hai bên, đủ thoả mãn đối với sự đóng góp của người bán, nhưng cũng tạo cơ hội lớn cho nhà đầu tư.
Theo đó, phục dựng thương hiệu hoặc phát triển thương hiệu theo định vị mới là yêu cầu tối quan trọng sau khi thương vụ hoàn tất. Ðây là lúc ban lãnh đạo mới phải lựa chọn con đường đi đúng đắn để đưa thương hiệu lên một tầm cao mới.
Bảo vệ thương hiệu nội địa
Tại Việt Nam, định giá, quản trị thương hiệu và quản trị hậu M&A nổi lên là những vấn đề đáng chú ý của hoạt động M&A trong thời gian qua, khi thị trường mua bán - sáp nhập đang tăng trưởng mạnh mẽ, tiệm cận quy mô của các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, việc thị trường M&A Việt Nam vẫn đang được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại cũng đặt ra mối quan ngại về việc định giá và bảo vệ các thương hiệu nội địa.
Cụ thể, năm 2017, giá trị thương vụ do nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò bên mua chiếm tới 91,8%, trong khi nhà đầu tư trong nước chỉ thực hiện 8,2%. Con số này năm 2018 lần lượt là 88,2% và 11,8%.
Trong bối cảnh này, làm thế nào để bảo vệ và phát triển thương hiệu Việt Nam trong các giao dịch M&A xuyên biên giới và trước cuộc đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài? Ðịnh giá thương hiệu Việt Nam trong giao dịch M&A như thế nào để tránh thua thiệt cho doanh nghiệp lẫn nhà nước trong các thương vụ M&A và quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…?
Ðây là những vấn đề mà Chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, xác định chiến lược và giải pháp phù hợp nhằm tạo nên kết thúc có hậu cho các thương vụ M&A.
Những câu hỏi kể trên sẽ phần nào được các chuyên gia và nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu đưa ra câu trả lời trong phiên thảo luận với chủ đề “Phát triển thương hiệu hậu M&A”, sự kiện thuộc Diễn đàn M&A 2019 diễn ra ngày 6/8/2019.
Các diễn giả tham gia phiên “Phát triển thương hiệu hậu M&A”
Ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương
Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Traphaco
Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch U&I Group
Ông Nguyễn Anh Đức - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co-op
Bà Nguyễn Lan Phương - Luật sư, Công ty Luật Baker & McKenzie
Người điều phối: Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch, CEO Le Bros