Khẩu vị của nhà đầu tư xứ Hàn

(ĐTCK) Doanh nghiệp Việt có vị thế đầu ngành, còn dư địa tăng trưởng, có khả năng vươn ra khu vực và thế giới, tiếp tục lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư Hàn Quốc trong làn sóng mở rộng không gian kinh doanh.
Tập đoàn CMC và Samsung SDS  kết hợp tác đầu tư chiến lược ngày 26/7/2019 Tập đoàn CMC và Samsung SDS kết hợp tác đầu tư chiến lược ngày 26/7/2019

Tham vọng vào những doanh nghiệp tỷ USD

Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán bên lề buổi lễ CMC và Samsung SDS  kết hợp tác đầu tư chiến lược cuối tuần qua, ông WP Hong, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Samsung SDS  cho biết, Samsung SDS đầu tư vào các công ty theo 4 hình thức khác nhau gồm đầu tư vào start-up với mục tiêu có được công nghệ lõi; thành lập công ty liên doanh tại địa phương/lĩnh vực cụ thể để cùng hợp tác; đầu tư đối tác chiến lược; mua lại 100% các công ty khác.

Trong thương vụ sở hữu 27% cổ phần của CMC với giá trị hơn 700 tỷ đồng, Samsung SDS sẽ tham gia Hội đồng quản trị CMC, chia sẻ chiến lược kinh doanh và xây dựng chương trình thúc đẩy tăng trưởng lẫn nhau. Mục tiêu của cuộc "hôn nhân" này, theo kỳ vọng của cả hai bên là đưa CMC, doanh nghiệp có quy mô doanh thu 5.600 tỷ đồng hiện nay lên 1 tỷ USD sau 5 năm nữa.

Thông qua CMC, Samsung SDS muốn tận dụng nguồn nhân lực, đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm để vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới. Không trả lời vào câu hỏi, tập đoàn này có kế hoạch gia tăng tỷ lệ sở hữu tối đa tại CMC là bao nhiêu, ông WP Hong cho biết, sau rất nhiều thảo luận và đàm phán, hai bên đều đồng thuận tỷ lệ 27% là phù hợp.

Theo các quy định trong Luật Doanh nghiệp, với tỷ lệ 36%, cổ đông có quyền phủ quyết các vấn đề lớn trong doanh nghiệp, nên không ít nhà đầu tư cho rằng, lãnh đạo CMC chọn tỷ lệ 27% để an toàn. Về vấn đề chia sẻ quyền lực này, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC nói với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, ông không e ngại việc “mất quyền”.

Ở nhiều công ty cổ phần, các cổ đông thường ứng xử với nhau theo luật đối vốn, nhưng tại CMC, đối nhân được coi trọng hơn. Có Samsung SDS, với những giải pháp về công nghệ, cách thức quản trị theo tư duy của những tập đoàn toàn cầu và doanh nghiệp tỷ USD, CMC sẽ đi nhanh, đi xa hơn trên thị trường toàn cầu. Bởi vậy, CMC đã lựa chọn đối tác chiến lược mạnh về công nghệ, thay vì một quỹ đầu tư tài chính đơn thuần.

Một thương vụ lớn hơn là Ngân hàng KEB Hana của Hàn Quốc đầu tư khoảng 650 - 700 triệu USD để nắm giữ 15% cổ phần của BIDV dự kiến sẽ sớm được hai bên ký kết.

Trước đó, trong quý II, thị trường dậy sóng với những thương vụ tỷ USD khi Tập đoàn SK Hàn Quốc chi 1 tỷ USD để sở hữu 6% cổ phần của Vingroup (VIC) thông qua mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ VIC và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce, với giá trung bình 113.000 đồng/cổ phiếu.

Chính SK vào tháng 9/2018 đã bỏ ra 470 triệu USD để mua lại toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan, tương ứng 9,5% cổ phần. SK Enegy, một công ty trong hệ sinh thái SK cũng rót hàng chục triệu USD để mua gom cổ phần và trở thành cổ đông lớn của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil).

Tại Traphaco, doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu, Tập đoàn Daewoong và các nhà đầu tư tài chính Hàn Quốc đã sở hữu gần 49% vốn. Còn tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Asam Việt Nam - công ty quản lý quỹ có quy mô vốn chừng 1 tỷ USD huy động từ các nhà đầu tư Hàn Quốc đã rót hơn 200 tỷ đồng thông qua trái phiếu có quyền chuyển đổi.

Còn rất nhiều thương vụ tiềm năng khác đang hứa hẹn diễn ra trong thời gian tới. Theo chia sẻ của ông Michael Dc Choi, Phó tổng giám đốc KOTRA Hà Nội, Trung tâm M&A toàn cầu KOTRA (Hàn Quốc), hiện có 5 ngân hàng thương mại khác ở Hàn Quốc rất quan tâm việc mua cổ phần các ngân hàng nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Ông Lee ChoongHwan, đại diện MAGBI Fund cho biết, khoảng 3.000 chuyên gia của quỹ này trên khắp thế giới đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư, trong đó quan tâm lớn tới Việt Nam. Có doanh nghiệp tốt thì không lo thiếu vốn đầu tư.

Ở giai đoạn này, họ không chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp lớn, mà tìm kiếm cả các công ty quy mô vừa, các doanh nghiệp trong ngành phụ trợ với tham vọng sẽ cùng “nuôi dưỡng” để chúng có khả năng biến thành các công ty tỷ USD.

Theo chia sẻ của ông Hubert Kim, Tổng giám đốc Asam Việt Nam, các khách hàng của Asam có kế hoạch đầu tư 1/3 số vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Những lĩnh vực mà Công ty quan tâm gồm các ngành sản xuất cơ bản.

Asam dự kiến đến hết năm 2019 sẽ giải ngân ít nhất 300 triệu USD vào thị trường Việt Nam, với khoảng 6 thương vụ đầu tư được ký kết để triển khai. Theo ông Kim, các nhà đầu tư Hàn Quốc rất chuộng thị trường Việt Nam do tính ổn định của môi trường vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng có thể cải thiện của doanh nghiệp.

Mua nhanh, hành động quyết liệt

Bỏ hàng trăm triệu USD vào các doanh nghiệp Việt Nam, sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường vài chục phần trăm, các “cá mập” Hàn Quốc không chậm rãi đứng ngoài quan sát mà sẽ nhanh chóng bắt tay vào thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng.

Ngay sau khi ký tên vào bản hợp đồng, Samsung SDS và CMC sẽ thành lập Ủy ban phối hợp thúc đẩy các hoạt động đầu tư chiến lược (SBC). Ông Nguyễn Trung Chính nhìn nhận, SBC là đơn vị quan trọng trong hợp tác giữa 2 công ty. Chỉ khi SBC hoạt động hiệu quả thì mục tiêu hợp tác mới có thể hoàn thành.

Hiện CMC đã hợp tác với nhiều đơn vị tại 26 quốc gia và các hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Chọn Samsung SDS - công ty số 1 Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm đi ra toàn cầu để hợp tác, CMC tin rằng, sẽ sớm đạt được tham vọng doanh nghiệp tỷ USD. Nhà máy thông minh, giải pháp an toàn thông tin, điện toán đám mây, hệ thống quản lý tòa nhà thông minh, lĩnh vực IoT,  giải pháp văn phòng và cửa hàng số… sẽ được cung cấp tập trung vào các nhà máy của Hàn Quốc tại Việt Nam, sau đó mở rộng triển khai đến các công ty Việt Nam và thế giới.

Chia sẻ của ông Lee ChoongHwan, đại diện cổ đông MAGBI Fund của Traphaco cũng gây ấn tượng mạnh với giới đầu tư. Trước tiên, phải cải thiện tính hiệu quả như hoạt động của ban điều hành, mở rộng mạng lưới, tối đa hóa chi phí. Thứ hai, đa dạng trong sản phẩm, nguồn thu nhập. Cuối cùng là công nghệ và hàm lượng khoa học.

“Đây là những việc khó khăn, không hề dễ dàng, nhưng chúng tôi sẵn sàng phối hợp với Công ty và cổ đông để hỗ trợ xây dựng kế hoạch triển khai bao gồm đa dạng hóa sản phẩm và hoạt động để có doanh thu mới. Cổ đông Hàn Quốc sẽ chuyển giao công nghệ cho những sản phẩm mang tính chiến lược tại nhà máy Hưng Yên. Trong những năm tới, không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ, chúng tôi còn chuyển giao nhiều bí quyết cho Traphaco”, ông Lee ChoongHwan cho biết.

Có lẽ, một phần chịu ảnh hưởng từ các cổ đông lớn Hàn Quốc mà trong bối cảnh môi trường kinh doanh của ngành dược được nhận định khắc nghiệt, Traphaco đặt kế hoạch kinh doanh táo bạo: doanh thu hợp nhất 2.160 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận hợp nhất sau thuế 205 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018.

Trong làn sóng hội nhập từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết gần đây, các doanh nghiệp có cơ hội để mở rộng sản xuất - kinh doanh, đầu tư, thương mại, chắc chắn cần một lượng vốn lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là năng lực quản trị, khả năng tổ chức sản xuất quy mô lớn, quy trình quản lý chặt chẽ… Đây vốn là những điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt, M&A với các đối tác Hàn Quốc dày dạn kinh nghiệm là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Tuy nhiên, để những cuộc "hôn nhân" này đơm hoa kết trái, nỗ lực của một phía là không đủ. Luật sư Sung Mee Hong, phụ trách nghiệp vụ doanh nghiệp và M&A, Công ty Luật Lee&Ko, với nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á cho biết, minh bạch trong các hoạt động doanh nghiệp là chìa khoá dẫn đến sự tin tưởng, chia sẻ lẫn nhau. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc đề cao tính hiệu quả và tốc độ. Họ muốn tham gia vào các thương vụ có tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp lớn, đủ để có tiếng nói quan trọng trong công ty.

Đặc biệt, các nhà đầu tư tư nhân tại Hàn Quốc đang ngày càng năng động. Theo thống kê, trong tổng số 360 giao dịch M&A tại Hàn Quốc trong năm 2017, trị giá 41,6 tỷ USD, có 113 giao dịch đầu tư vốn cổ phần tư nhân, trị giá 18,6 tỷ USD. Đầu tư vốn cổ phần tư nhân trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt mức 122,7 tỷ USD với 445 giao dịch trong năm 2017, tăng 37,7% về giá trị so với 393 giao dịch trị giá 89,1 tỷ USD trong năm 2016.

Phương Anh - Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục