Phát triển thị trường bảo hiểm toàn diện, an toàn, bền vững, hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan quản lý sẽ nỗ lực thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra để phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động thích nghi hoạt động trong tình hình mới. Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động thích nghi hoạt động trong tình hình mới.

Theo ông, thị trường bảo hiểm năm 2020 liệu có duy trì được tốc độ tăng trưởng như mọi năm?

Trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đáng kể đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nước ta.

Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có giãn cách, cách ly xã hội trong thời gian đầu đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mới cũng như phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Mặc dù vậy, với tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, nên thị trường bảo hiểm năm 2020 duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 dự kiến tăng 15% so với năm 2019.

Hiện nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 69 doanh nghiệp (bao gồm 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 18 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Ước tính, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm năm 2020 đạt 552.403 tỷ đồng, tăng 20%; đầu tư trở lại nền kinh tế 460.457 tỷ đồng, tăng 22%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu 113.523 tỷ đồng, tăng 18%; tổng doanh thu phí bảo hiểm 184.662 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2019; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 48.223 tỷ đồng.

Đâu là những yếu tố giúp thị trường bảo hiểm vẫn đạt kết quả hoạt động khả quan, thưa ông?

Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.

Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.

Theo tôi, có một số nguyên nhân chính góp phần tạo nên kết quả này.

Thứ nhất, với việc thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tiêu dùng, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, dự kiến GDP năm nay tăng 2,5%. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng tạo điều kiện và môi trường ổn định cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng khôi phục và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, Bộ Tài chính bám sát tình hình thực tế thị trường để sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, an toàn, bền vững, hiệu quả.

Ngày 11/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 4 thông tư trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trong đó có nội dung sửa đổi về trích lập dự phòng nghiệp vụ giúp các doanh nghiệp giảm sức ép về vốn trong ngắn hạn và có khoảng thời gian phù hợp để thực hiện các phương án tài chính tổng thể, ổn định kinh doanh trong bối cảnh lãi suất đầu tư, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh và dịch bệnh Covid-19 có diễn biến khó lường.

Bộ Tài chính cũng thông tin thường xuyên, kịp thời đến các doanh nghiệp về định hướng nghiên cứu, xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi nhằm đảm bảo sự phát triển của thị trường trong dài hạn.

Thứ ba, Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh các chính sách chung về giãn, hoãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, Bộ thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm như giảm mức trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trong năm 2020 từ mức 0,15% xuống 0,05% tổng doanh thu phí bảo hiểm; giãn, hoãn kế hoạch kiểm tra các doanh nghiệp sang năm 2021; cho phép các doanh nghiệp tổ chức thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo hình thức online...

Thứ tư, về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, các doanh nghiệp đã chủ động thích nghi hoạt động trong tình hình mới như rà soát, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính; mở rộng các kênh phân phối, nhất là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng; đẩy mạnh các hình thức phân phối bảo hiểm trực tuyến, tăng cường giao dịch online với khách hàng; triển khai đa dạng các kênh thu phí trực tuyến và gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm trong giai đoạn khách hàng không thể đóng phí do giãn cách xã hội...

Các doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng như triển khai chương trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến (Eclaim), thẻ bảo lãnh viện phí điện tử, tư vấn bảo hiểm trực tuyến thông qua Chatbot, ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (IA), ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện, tư vấn bán hàng từ xa, xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cho đội ngũ kinh doanh và khách hàng…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc y tế với đa dạng quyền lợi như bảo hiểm bệnh ung thư, chi trả chi phí nằm viện, phẫu thuật, khám chữa bệnh, phạm vi bảo hiểm tại Việt Nam và trên toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một cao của người dân.

Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh triển khai các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư gắn với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam và trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp và tiếp tục giảm. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đảm bảo năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động, khả năng quản trị điều hành và quản trị rủi ro được nâng cao.

Thứ năm, về phía người tham gia bảo hiểm, nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đã được nâng lên đáng kể trong những năm qua, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Theo đó, người dân chủ động hơn trong việc tiếp cận và tham gia bảo hiểm.

Ông có thể cho biết những mục tiêu và giải pháp cơ bản của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển trong năm 2021?

Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019.

Mục tiêu chung là phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm, an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.

Các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm khác nhau của mọi tổ chức, cá nhân; công nghệ hiện đại được áp dụng trong mọi hoạt động, lĩnh vực của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng tham gia bảo hiểm.

Một số các giải pháp cơ bản để phát triển thị trường bảo hiểm là hoàn thiện cơ sở pháp lý, hoàn thiện, trình Quốc hội Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế.

Đồng thời, nâng cao tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm; phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm theo kịp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp thông qua việc là đầu mối của toàn thị trường, cầu nối với các cơ quan có liên quan để thực thi chính sách hiệu quả; tăng cường kết nối, liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm; thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, các giải pháp hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, đảm bảo an toàn hệ thống, nâng cao tính tuân thủ pháp luật và tăng cường hợp tác trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm mới; khuyến khích phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí; đa dạng hóa phương thức và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với cách mạng công nghệ 4.0.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục