Còn nhiều thách thức
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Ngân, Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, hội thảo là một sáng kiến hay, đặc biệt trong bối cảnh ngành ô tô điện cạnh tranh rất cao bởi xu hướng phát triển ô tô điện đang diễn ra ở nhiều quốc gia, thì việc phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam là rất khó.
Theo ông Ngân, trước đó, Bộ Tài chính đã có những chính sách hỗ trợ về các loại thuế, phí để kích cầu cho xe điện. Tuy nhiên, để phát triển ngành xe điện tại Việt Nam thì sẽ còn nhiều thách thức vì ngành này phát triển sau nên cần phải có chính sách hỗ trợ lâu dài.
Ông Nguyễn Thế Ngân, Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ phát biểu tại Hội thảo |
Ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, sau cam kết COP26, ô tô điện sẽ rất phát triển và Chính phủ có các chính sách khuyến khích để phát triển ngành này. Hiện tỷ trọng động cơ và pin chiếm đến một nửa giá trị ô tô điện, nên các nhà sản xuất xe điện trong nước đang tiến tới hiện đại hoá và xây dựng các nhà máy để sản xuất các bộ phận này trong nước.
Ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Ông Lê Đôn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tài chính đánh giá cao Hội thảo đã nêu vấn đề rất đúng trọng tâm và đúng vấn đề cần thiết, bởi trong bối cảnh, xu hướng hiện tại của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới và Việt Nam đang là sản xuất xe điện.
Bà Nguyễn Thị Minh Thoa, Bí thư Liên Chi đoàn 9, Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hiện nay, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ khí thải ô tô và giao thông đang là vấn đề cấp bách trên toàn cầu. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các dòng ô tô điện hóa được coi là giải pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi quốc gia mà việc áp dụng lộ trình phát triển ô tô điện hóa ở từng quốc gia là khác nhau.
Sáng kiến ô tô điện (EV) đã có từ năm 2009, đến Hội nghị COP21 đã xác định năng lượng sạch và giảm phát thải khí nhà kính và đến Hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những giải pháp cần triển khai, thực hiện là khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường và xây dựng các giải pháp để khuyến khích sử dụng các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả và công nghệ thân thiện với môi trường.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, đại diện Đoàn thanh niên Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất ô tô hiện nay đang gặp ba khó khăn: Việc phát triển thị trường gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc không có đủ thị trường để có cơ sở sản xuất; Không có công nghệ; Các vấn đề về thủ tục hành chính, các chính sách, ưu đãi thuế không thể giải quyết quá nhiều về bài toán giá cả cho thị trường ô tô nói chung và ô tô điện nói riêng.
Kinh nghiệm từ các nước
Trình bày bài tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Hải Đăng, đại diện Liên Chi đoàn 9 - Đoàn thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, tính đến cuối 2020, đã có 10 triệu chiếc xe điện chạy pin (BEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) được bán ra trên toàn thế giới. Trong năm 2020, số lượng xe BEV và PHEV bán ra trên toàn cầu đạt khoảng 3 triệu chiếc (chiếm 4,6% thị phần), đạt mức tăng trưởng 41%, bất chấp sự sụt giảm 16% của doanh số bán ô tô trên toàn thế giới do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Châu Âu lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
Bài học từ Thái Lan về các chính sách hỗ trợ xe điện có thể kể đến chính sách giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) khi mua xe điện; người tiêu dùng được trợ giá khi mua xe điện. Các nhà sản xuất thì được miễn thuế nhập khẩu đối với một số linh kiện xe BEV (pin, mô tơ, máy nén, hệ thống quản lý pin, bộ điều khiển truyền động, bộ sạc trên bo mạch, bộ biến tần PCU, bộ chuyển đổi DC/DC và hộp số giảm tốc) đến 2025.
Hay như Na Uy đã áp dụng chính sách miễn thuế mua hàng, thuế VAT và giảm 80% thuế đăng ký xe, tất cả những chính sách này đã góp phần giảm chi phí mua xe điện lên đến 50%. Cùng với việc cung cấp đủ cơ sở hạ tầng cho xe điện với khoảng 1.800 trạm sạc tiêu chuẩn và 70 trạm sạc nhanh được xây dựng từ năm 2011, chính phủ nước này đã thành công khi tăng doanh số bán xe điện từ 730 chiếc vào 2010 lên 10.400 chiếc vào 2013 tại Na Uy.
Sau 10 năm, từ mức bán chưa được nổi 1 triệu xe, thì từ 2016-2021, doanh số này đã vượt lên trên 7 triệu xe. Trong giai đoạn này, châu Âu đã vượt Trung quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
Bản thân Chính phủ Việt Nam cũng đã áp dụng nhiều chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu và các ưu đãi thuế khác cho hoạt động nhập khẩu linh kiện để sản xuất lắp ráp và xây dựng cơ sở hạ tầng cho ô tô điện. Ngoài ra, Việt Nam còn áp dụng nhiều chính sách khuyến khích sử dụng ô tô điện như giảm thuế TTĐB và miễn, giảm lệ phí trước bạ cho người mua ô tô điện.
Tuy nhiên, ông Chu Đức Dũng, đại diện Đoàn thanh niên Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, hiện chưa có cách thức nào để xác định nguồn điện dùng để sạc cho xe điện có phải là điện sạch hay không và cũng chưa có văn bản quy định chính sách về các quy cách phát triển trạm sạc và quy định giá điện tại các trạm sạc, Bộ Công thương đang trong quá trình xây dựng và nghiên cứu những quy định liên quan đến vấn đề này.
Liên quan đến việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho xe điện, ông Dương Bá Hải, đại diện Đoàn thanh niên Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) lo ngại, việc xây dựng nghị định và các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất ô tô nếu không có chọn lọc thì sẽ không phát huy tác dụng. Đến năm 2027, các thuế loại thuế mà Việt Nam cam kết khi tham gia các hiệp định FTA gần như về bằng 0, nên sức ép đối với doanh nghiệp trong nước để cạnh tranh với hàng nhập khẩu sẽ ngày càng lớn.
Hỗ trợ về thuế, phí là chưa đủ
Về các chính sách hỗ trợ, Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh khuyến nghị, thay vì hỗ trợ về ưu đãi thuế, có thể chuyển hướng sang hỗ trợ về vốn. Trong đó, bài học hỗ trợ vốn của các nước phát triển là thành lập những tổ chức để đánh giá các dự án, đảm bảo dự án đó sẽ thành công thì chính phủ mới rót vốn, tuy nhiên Việt Nam lại chưa có các tổ chức đánh giá như vậy.
Trong khi đó, nhóm chính sách hỗ trợ người mua xe ở Việt Nam nên gắn liền với việc phát triển thị trường, bởi thị trường nội địa không đủ lớn cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện, nên cần hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Đỗ Minh Chiến, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất lắp ráp ô tô điện của Việt Nam hiện nay tương đương hoặc thậm chí cao hơn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, các chính sách hiện mới chỉ tập trung vào dòng xe BEV thông qua các ưu đãi về thuế TTĐB và lệ phí trước bạ (mức độ ưu đãi, khuyến khích sử dụng đối với các dòng ô tô điện chưa phụ thuộc vào mức độ phát thải khí CO2). Trong khi chưa có các chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người mua xe và chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe điện (trạm sạc điện/hydro).
Ông Đỗ Minh Chiến, Bí thư Đoàn Thanh niên bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận tại hội thảo |
Để thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng ô tô điện tại Việt Nam, theo ông Chiến, ngoài ưu đãi về thuế TTĐB, lệ phí trước bạ, Việt Nam nên nghiên cứu bổ sung các ưu đãi cho người tiêu dùng để chuyển hành vi tiêu dùng từ ô tô sử dụng xăng/dầu sang ô tô điện hóa, trợ giá đối với phương tiện giao thông công cộng chạy điện/hydro, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị để lắp đặt trạm sạc, miễn giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trạm sạc.