Tạo môi trường thuận lợi, hiệu quả
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển bền vững, công khai minh bạch.
Cụ thể, triển khai thực hiện Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực pháp luật trong thực tiễn; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền cho công chúng đầu tư nhằm nâng cao nhận thức xã hội về chứng khoán và thị trường chứng khoán; tăng cường đào tạo, tuyên truyền về quản trị công ty, chương trình đánh giá xếp loại quản trị công ty.
Cơ quan quản lý đang nỗ lực thúc đẩy việc đưa các doanh nghiệp lên sàn giao dịch ngay sau khi hoàn tất đăng ký công ty đại chúng, chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư giám sát các công ty đại chúng thông qua hoạt động công bố thông tin minh bạch, tạo thanh khoản cho chứng khoán giao dịch.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra việc tuân thủ nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin; tình hình quản trị công ty; sử dụng vốn thu được từ các đợt chào bán; giao dịch với người có liên quan và một số nội dung khác, từ đó đánh giá, tổng hợp các vướng mắc, thiếu sót của công ty đại chúng và xử phạt các trường hợp vi phạm theo quy định.
Hoạt động giám sát, kiểm tra chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng và chất lượng hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên được tăng cường, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoạt động và xử lý vi phạm (nếu có).
Lưu ý mùa đại hội đồng cổ đông
Tính đến hiện tại, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành và có hiệu lực thi hành, tạo hành lang pháp lý đồng bộ giúp các doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để thực hiện và tham gia thị trường chứng khoán thuận lợi, trong đó có đối tượng áp dụng là công ty đại chúng và doanh nghiệp niêm yết.
Cụ thể, Luật Chứng khoán và Thông tư số 118/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 hướng dẫn một số nội dung về chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, mua lại cổ phiếu, đăng ký công ty đại chúng và hủy tư cách công ty đại chúng đã có quy định và hướng dẫn cụ thể để các công ty có căn cứ thực hiện.
Chẳng hạn, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP đã có hướng dẫn chi tiết về nội dung quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng (Chương VIII), trong đó các nội dung đã được cập nhật theo Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Chứng khoán 2019 và bổ sung một số nội dung mới để các công ty có cơ sở áp dụng.
Các nội dung đã được thông qua tại các nghị quyết đại hội đồng cổ đông trước đó chưa được thực hiện, hội đồng quản trị phải báo cáo đại hội đồng cổ đông tại kỳ họp thường niên gần nhất.
Ví dụ, các nội dung đã được thông qua tại các nghị quyết đại hội đồng cổ đông trước đó chưa được thực hiện, hội đồng quản trị phải báo cáo đại hội đồng cổ đông tại kỳ họp thường niên gần nhất.
Trường hợp có thay đổi nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị phải trình đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp gần nhất thông qua trước khi thực hiện (Điều 272).
Về cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên: thành viên hội đồng quản trị và thành viên ban kiểm soát phải tham dự họp đại hội đồng cổ đông thường niên để trả lời các câu hỏi của cổ đông tại cuộc họp (nếu có); trường hợp bất khả kháng không tham dự được, thành viên hội đồng quản trị và thành viên ban kiểm soát phải báo cáo bằng văn bản với hội đồng quản trị và ban kiểm soát (Khoản 4 Điều 273); thành viên ủy ban kiểm toán và ủy ban kiểm toán (Mục 4: Điều 282, 283, 284)
Các doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ quy định về thời gian họp đại hội đồng cổ đông theo quy định tại khoản 2, Điều 139, Luật Doanh nghiệp 2020.
Trường hợp không tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, hội đồng quản trị công ty quyết định gia hạn họp đại hội đồng cổ đông thường niên nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Trường hợp báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm của công ty có các khoản ngoại trừ trọng yếu, ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối, công ty đại chúng phải mời đại diện tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của công ty dự họp đại hội đồng cổ đông thường niên và đại diện tổ chức kiểm toán được chấp thuận nêu trên có trách nhiệm tham dự họp đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty đại chúng.
Quy định cụ thể về việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông bao gồm hướng dẫn cổ đông biểu quyết thông qua họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác tại điều lệ công ty hoặc quy chế nội bộ về quản trị công ty để doanh nghiệp có cơ sở tổ chức đại hội đồng cổ đông trực tuyến.
Báo cáo đại hội đồng cổ đông về thù lao của từng thành viên hội đồng quản trị và tiền lương của tổng giám đốc (giám đốc) và người quản lý khác (thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm).
Kỳ vọng vào Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam
Ngày 23/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2021. Để Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có thể được tổ chức và đi vào hoạt động chính thức, Bộ Tài chính đang tích cực triển khai các công việc có liên quan như: Triển khai công tác chuẩn bị tổ chức, nhân sự; trình Chính phủ sửa đổi văn bản pháp luật quy định về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; triển khai xây dựng điều lệ tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; xây dựng lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác...
Việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM về bản chất là việc thực hiện sắp xếp lại các chức năng nhiệm vụ của các sở giao dịch chứng khoán nhằm tập trung vào chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động, phát huy vai trò của thị trường chứng khoán trong phát triển kinh tế.
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (công ty mẹ) thực hiện quản lý các công ty con theo quy định pháp luật và điều lệ hoạt động của Sở và thực hiện một số chức năng mang tính định hướng phát triển về công nghệ mới, sản phẩm mới; ban hành các quy chế chuyên môn nghiệp vụ sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Các công ty con là sở giao dịch chứng khoán tập trung thực hiện vận hành thị trường giao dịch chứng khoán trong phạm vi được phân công.
Việc phân công chức năng quản lý, giám sát giữa công ty mẹ (Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam) và công ty con vừa đảm bảo tính tổng thể, vừa mang tính chất chuyên sâu đối với từng khu vực thị trường, khắc phục được những hạn chế tồn tại hiện nay.
Mô hình tổ chức này cũng phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức sở giao dịch chứng khoán theo mô hình công ty mẹ - con (Nhật Bản, Hàn Quốc...).
Việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ góp phần tạo nên một thị trường chứng khoán vừa có tính tập trung, thống nhất, tránh chồng chéo về nghiệp vụ giữa hai sở giao dịch chứng khoán như hiện nay, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, phát triển thị trường.
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam với quy mô lớn hơn, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò quản lý, định hướng phát triển thị trường, thống nhất các mảng thị trường.
Hơn nữa, với việc hình thành một hệ thống giao dịch/hệ thống thông tin/giám sát… tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc điều hành kinh tế vĩ mô và các chính sách đối với thị trường chứng khoán.