Trong bối cảnh này, quá trình chuyển dịch, bao gồm việc phát triển kinh tế xanh đòi hỏi những thay đổi lớn trong cách thức các nền kinh tế được điều hành, đo lường và quản lý, mà chìa khóa chính là việc nhận ra những giá trị to lớn của tự nhiên đối với các quyết định kinh tế, coi đây là yếu tố ưu tiên sống còn và cơ hội duy nhất để đưa ra lựa chọn đúng.
Vậy nhưng, tính tới cuối năm ngoái, năng lượng hóa thạch vẫn chiếm tới 80% nguồn năng lượng hỗn hợp được sử dụng.
Dầu mỏ và các chế phẩm dầu mỏ vẫn là ngành công nghiệp trị giá hơn 5,2 nghìn tỷ USD và đang trên đà tăng trưởng, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Thị trường trái phiếu toàn cầu hiện trị giá 100.000 tỷ USD, nhưng trái phiếu xanh chỉ chiếm 0,5% con số này.
Nhận thức được thời gian gấp gáp, nhưng nhiều nền kinh tế đang bị những “tiếng ồn” của các sự kiện kinh tế - chính trị khác làm sao nhãng.
Nổi bật là câu chuyện về xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất và nhì thế giới (Mỹ - Trung Quốc), mớ bòng bong Brexit (Anh rời khỏi EU), những biến động lên xuống của thị trường dầu mỏ hàng ngày…
Màn sương mù hiện tại dễ dàng che khuất tín hiệu cảnh báo từ các thông tin về tăng trưởng bền vững, kinh tế xanh.
Chẳng hạn, gần đây, một báo cáo từ Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cảnh báo, những yếu tố như thời gian làm việc rút ngắn, tỷ lệ tử vong bất thường vì biến đổi khí hậu, đất đai bị mất đi…, khiến nền kinh tế tổn thất hơn 200 tỷ USD mỗi năm, tính cho tới cuối thế kỷ này.
Hành động “vay mượn” của hiện tại được chiết khấu vào tương lai. Do đó, thế hệ “trả nợ” đang có tiếng nói mạnh mẽ hơn cho chính mình.
Trong những năm qua, những người trẻ đã tiến hành hàng trăm, hàng nghìn chiến dịch yêu cầu hành động về biến đổi khí hậu và môi trường, thúc đẩy nền kinh tế xanh phát triển.
Những lớp sóng tiếp nối này buộc các thành viên của nền kinh tế toàn cầu suy nghĩ lại về câu chuyện tăng trưởng, bao gồm cả chính trị gia, chuyên gia phân tích...
Thử thách đặt ra là làm cách nào để nhìn vào mắt những người trẻ và trả lời: “Chúng ta đang có kế hoạch để đảm bảo tương lai cho các thế hệ sau này”.
Mới đây, Greta Thunberg, 16 tuổi, phát biểu tại Liên hợp quốc, trước khoảng 60 nhà lãnh đạo các nền kinh tế toàn cầu: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự tuyệt chủng hàng loạt. Nhưng tất cả những gì các vị nói là về tiền và câu chuyện cổ tích về phát triển kinh tế. Sao các ngài dám làm như vậy?”.
Phát biểu này gây nhiều tranh cãi, nhưng có một sự thật không thể phản biện: nếu tiếp tục bám theo mô hình kinh tế hiện tại, thế giới sẽ không thể đạt được bất kỳ mục tiêu tăng trưởng bền vững nào.
Cách duy nhất để giữ nền kinh tế tăng trưởng bền vững là phải hành động nhanh hơn nữa, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.