Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam: Mấu chốt vẫn nằm ở tư duy, cơ chế chính sách

Những cam kết nặng ký để khu vực tư nhân Việt Nam thực sự trở thành một động lực của nền kinh tế đã được giới kinh doanh đưa ra. Họ mong bước chân sâu hơn vào nền kinh tế, tạo nên những giá trị phát triển lan tỏa. Tuy nhiên, chìa khóa quyết định sự thành bại nằm phần lớn ở tư duy phát triển và cơ chế chính sách của Chính phủ.
Phiên họp bàn về các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo. Phiên họp bàn về các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo.

Nguồn lực trong doanh nghiệp tư nhân không thiếu

Trong số 2.500 doanh nhân có mặt tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, diễn ra trong hai ngày 2 - 3/5, có nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm có quy mô lớn nhất Việt Nam. Không chỉ có mặt, họ còn đưa ra những cam kết thực sự “nặng ký”.

Bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cam kết huy động nguồn lực để hỗ trợ Chính phủ thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đánh giá thị trường trọng điểm cho các sản phẩm nông nghiệp và xây dựng lộ trình, giải pháp chinh phục các thị trường này. Nguồn lực để thực hiện thí điểm việc kết nối một số chuỗi giá trị gắn với thị trường mục tiêu cũng được các doanh nghiệp tư nhân cam kết huy động.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC cam kết huy động nhân lực, nguồn lực tài chính và các điều kiện cần thiết khác để ủng hộ Chính phủ, quyết tâm đưa Việt Nam trở thành một “digital hub” - tức là một trung tâm của khu vực về chuyển đổi - kết nối - lưu trữ... số.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital cũng nhắc tới nguồn lực tư nhân trong nước và quốc tế có thể huy động để thực hiện các nghiên cứu chất lượng, hỗ trợ quá trình xây dựng chiến lược phát triển thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng, cũng như tìm kiếm giải pháp, triển khai thực hiện chiến lược của Chính phủ và bộ chuyên ngành. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu xây dựng, thí điểm và vận hành Quỹ Hưu trí tự nguyện và Quỹ Đầu tư bất động sản trên thị trường ngay trong năm 2019, nếu Chính phủ ủng hộ”, ông Don Lam nói.

Tất nhiên, đây không phải là cam kết riêng của cá nhân hay chỉ riêng một vài doanh nghiệp. Họ đã có những cuộc bàn thảo với các doanh nghiệp trong ngành, trước khi đưa kiến nghị, kế sách mới tới diễn đàn này, để từ đó đến được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.

Song, ở góc độ doanh nghiệp lớn, đặt biệt là những doanh nghiệp đang tạo nên những chuỗi giá trị sản xuất mới, những kiến nghị, kế sách không bị giới hạn bởi nguồn lực hay chiến lược phát triển trong phạm vi một vài doanh nghiệp.

Bản thân ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup khi nhắc tới quá trình thay đổi toàn diện của Tập đoàn, với tầm nhìn dài hạn là trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - thương mại và dịch vụ đẳng cấp quốc tế, đã không quên gắn với khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt Nam có tầm vóc thế giới, mang lại sự thay đổi đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

“Các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm, nếu sẵn sàng đổi mới, sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại”, ông Huệ nhấn mạnh.

Vẫn còn những chữ... nếu

Ngay trong lúc các kế sách phát triển ngành du lịch, nông nghiệp, kinh tế số, thị trường tài chính... đang được các doanh nhân và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngồi với nhau để bàn bạc, Vingroup công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ vận tải VinBus, chính thức tham gia lĩnh vực vận tải hành khách. VinBus dự kiến cung cấp dịch vụ tải từ tháng 3/2020, bắt đầu tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ, vận hành hoàn toàn theo mô hình phi lợi nhuận, nhằm góp phần xây dựng nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn cho các đô thị lớn của Việt Nam.

Giá như trong câu nói trên của ông Huệ không có chữ “nếu” trong vế thứ hai, có thể các kế hoạch mang tính bứt phá của khu vực tư nhân trong nước sẽ xuất hiện dày đặc và ít ngần ngại hơn. Và không chỉ có một vài chữ “nếu” như vậy.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) nhắc tới chiến lược đầu tư với quy mô lớn vào nông nghiệp, bên cạnh thế mạnh cơ khí và quản trị sản xuất công nghiệp mà THACO đang theo đuổi. Mục tiêu của chiến lược này là tạo sự đột phá và tạo dựng chuỗi giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam với hai loại nông sản là cây ăn trái và lúa.

“Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp cận tín dụng rất khó khăn do nông nghiệp quy mô lớn vẫn được xem là nhiều rủi ro. Kính mong Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét có chính sách hỗ trợ tín dụng chung cho nông nghiệp và hỗ trợ thị trường xuất khẩu nông sản nói riêng”, ông Tài kiến nghị.

Thậm chí, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet còn phải nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ, rằng “những gì tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm”.

“Đề nghị xây dựng các cơ chế để cho phép hàng không tư nhân và các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được góp sức nhiều hơn vào việc cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay, các dự án đào tạo quốc gia; được tham gia chương trình cổ phần hóa, tư nhân hóa lĩnh vực hàng không và giao thông - vận tải, tận dụng tốt cơ hội của cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng”, bà Hà khuyến nghị.

Phải thẳng thắn, sau 30 năm đổi mới, sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dư địa mở ra rất lớn để khu vực tư nhân trong nước ghi dấu ấn đậm nét hơn trong nền kinh tế, nhưng rào cản chưa phải đã hết.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thừa nhận, nếu các doanh nghiệp lớn có tiềm lực vốn, vị thế..., mà còn nhiều khó khăn như vậy, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ còn khó khăn thế nào trên con đường phát triển.

“Tôi tin là nguồn lực trong khu vực tư nhân không thiếu. Tinh thần kinh doanh của người Việt không thiếu. Tôi không tin khu vực doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp chỉ đóng góp khoảng 10% GDP. Cái chốt vẫn là cơ chế để nguồn lực được sử dụng hiệu quả, đúng chỗ”, ông Cung muốn gửi khuyến nghị tới người đứng đầu Chính phủ.

Hiện tại, cả doanh nghiệp và giới nghiên cứu đều nhắc đến cơ hội tháo chốt đang rất lớn. Vì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đang sẵn sàng ngồi cùng với doanh nghiệp, để bàn bạc cách lớn lên, chuyên nghiệp hơn của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

"Khuyến khích doanh nghiệp FDI chủ động liên kết với khu vực tư nhân trong nước"

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời khỏi các chính sách tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước và thu hút chọn lọc các doanh nghiệp FDI, để vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa tạo dư địa cho phát triển kinh tế tư nhân.

Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân có thể tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước. Xây dựng bộ lọc “tiêu chuẩn” có kỹ thuật, môi trường, quy mô… để định hướng sóng đầu tư FDI mới phù hợp với yêu cầu, đồng thời không chèn ép sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước.

"Cần cân nhắc lộ trình tăng lương" 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)

 Chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các dự án đầu tư mở rộng chưa hợp lý, cần được điều chỉnh. Đề nghị cho phép doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu được hưởng thuế VAT 0% như vải nhập để gia công xuất khẩu.

Về tiền lương tối thiểu, cần cân nhắc lộ trình, tránh tăng thường xuyên như hiện nay.

Doanh nghiệp đã số hóa chứng từ, nhưng vẫn phải lưu theo quy định về lưu hóa đơn - chứng từ.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam

Việc áp dụng chữ ký số khi đăng ký các thủ tục chuyên ngành chưa được đồng nhất; doanh nghiệp đã số hoá, đưa “lên mây” toàn bộ chứng từ, quy trình của mình rồi, nhưng vẫn phải lưu giấy theo quy định về lưu hoá đơn - chứng từ.

Việc bố trí các cơ quan kiểm tra chuyên ngành về kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật còn bất cập, cần có các văn phòng thường trực tại các cảng Cái Mép - Thị Vải...

Cởi bỏ các hạn chế, điều kiện đối với các mô hình kinh doanh truyền thống.

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC)

Đối với những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo dựa trên những công nghệ mới mang tính đột phá, thay đổi cả luật chơi, cuộc chơi, cần thiết kế mô hình quản lý mới phù hợp, thậm chí phải xây dựng lại từ đầu.

Trong giai đoạn quá độ, cần tư duy quản lý theo hướng nới lỏng, cởi bỏ các hạn chế, điều kiện đối với các mô hình kinh doanh truyền thống, thay vì tư duy siết chặt, tức là ép các mô hình kinh doanh mới chui vào khuôn khổ quản lý cũ.

"Khuyến khích sự kết nối giữa các trường và doanh nghiệp du lịch"

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Trong năm 2019, đề nghị Chính phủ mở visa cho ít nhất 3 nước đã có trong danh sách các nước mà Chính phủ đã có lộ trình mở visa tại các Nghị quyết 19 về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh.

Để phát triển nhân lực ngành du lịch, đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích sự kết nối giữa các trường và doanh nghiệp du lịch bằng việc cho phép thành lập mô hình trường trong doanh nghiệp.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục