Phát triển du lịch chất lượng để tạo sự khác biệt

0:00 / 0:00
0:00
Việc phát triển du lịch chất lượng cao để tạo sự khác biệt là yếu tố quan trọng tạo thành công cho du lịch tỉnh Hải Dương.
Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - danh thắng, di tích nổi tiếng trong nước và quốc tế của Hải Dương. Ảnh: Thành Chung Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - danh thắng, di tích nổi tiếng trong nước và quốc tế của Hải Dương. Ảnh: Thành Chung

Tài nguyên du lịch phong phú

Là vùng đất có bề dày lịch sử, Hải Dương là địa phương có hệ thống di tích với mật độ vào loại cao nhất cả nước (1,92 di tích/km2). Đến năm 2020, toàn tỉnh có 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng. Trong đó, có 142 di tích được xếp hạng quốc gia, 4 di tích, cụm di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và 8 bảo vật quốc gia. Các di tích tiêu biểu là Côn Sơn, Kiếp Bạc (Chí Linh), An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn), Văn miếu Mao Điền và Cụm di tích Đền Bia - Đền Xưa - Chùa Giám.

Văn hoá Lý, Trần, Lê, Nguyễn là dòng chảy đậm đặc và liên tục trên vùng đất này, gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại, những danh nhân nổi tiếng, đặc biệt là Trần Hưng Đạo - danh nhân quân sự (Kiếp Bạc), Nguyễn Trãi - danh nhân văn hoá (Côn Sơn), Chu Văn An - danh nhân giáo dục (Phượng Hoàng).

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như núi Côn Sơn, núi Phượng Hoàng, núi An Phụ, núi Dương Nham, chùa Nhẫm Dương. Những nơi này còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, như xương động vật, xương người tiền sử hóa thạch, công cụ lao động bằng đá, đồ dùng sinh hoạt bằng gốm, tiền cổ..., khẳng định con người đã cư trú liên tục ở vùng đất Kinh Môn từ hàng vạn năm trước. Động Kính Chủ, sông Lục Đầu, rừng dẻ, rừng phong, bãi rễ… cũng là những điểm đến nổi tiếng trong cả nước của Hải Dương”.

Hải Dương còn được biết đến là mảnh đất của những làng nghề truyền thống nổi tiếng từ nhiều thế kỷ như chạm khắc gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng); gốm Chu Đậu (Nam Sách); kim hoàn Châu Khê (Bình Giang); khắc ván in Hồng Lục, Liễu Tràng (TP. Hải Dương); thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ); giày dép Tam Lâm (Gia Lộc); dệt chiếu Tiên Kiều (Thanh Hà)…

Đây cũng là địa phương có nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, tuồng, ca trù, chầu văn, múa rối nước… đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Hải Dương có nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng như bánh đậu xanh - Top 10 đặc sản quà tặng châu Á, bánh khảo, bánh cuốn (TP. Hải Dương), bánh gai (Ninh Giang), giò chả (Gia Lộc), vải thiều (Thanh Hà), rươi, cáy (Tứ Kỳ, Kim Thành)…

Không những thế, Hải Dương còn có trên 700 di tích tổ chức lễ hội, trong đó có những lễ hội lớn như Côn Sơn, Kiếp Bạc (Chí Linh), Đền Cao (Kinh Môn), Đền Tranh…

Tập trung phát triển du lịch chất lượng cao

Trên địa bàn tỉnh đang có một số nhà đầu tư lớn nghiên cứu đầu tư phát triển các khu đô thị mới theo hướng đô thị xanh, sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng với quy mô cấp vùng, như khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái Bến Tắm, Ngũ Đài Sơn (TP. Chí Linh); Khu du lịch sinh thái sông Hương (Thanh Hà); các khu đô thị sinh thái Nam Đồng, bắc cầu Hàn, Ecopark (TP. Hải Dương) và dọc hai bên bờ sông Thái Bình…

Mặc dù đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành du lịch, nhưng Hải Dương chưa thực sự xây dựng được sản phẩm có thương hiệu, chất lượng cao; một số khu du lịch chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, có tầm. Chính vì thế, tỉnh đang rốt ráo xây dựng Đề án Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, với trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng dịch vụ cao cấp và đảm bảo môi trường du lịch trong sạch, an toàn.

“Hải Dương không có biển, nhưng có nhiều ao, hồ, sông ngòi rộng. Hải Dương có miền khí hậu mát mẻ, ôn hòa tại nhiều vùng núi như Côn Sơn, Kiếp Bạc... Có những di tích mang đậm sự trầm lắng của lịch sử. Hải Dương không có sự sôi động về đêm như Hà Nội hay Sài Gòn, Quảng Ninh, Hải Phòng, nhưng thay vào đó, là sự bình an của nhịp sống chậm tại nhiều vùng quê... Đấy chính là những lợi thế tạo nên sự khác biệt, riêng có của các sản phẩm du lịch Hải Dương, mà những nhà đầu tư như chúng tôi đang nhìn thấy và đầu tư theo hướng tạo ra các sản phẩm đặc thù, phù hợp với địa phương”, ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Tiên Sơn - chủ đầu tư Dự án Côn Sơn Resort có tổng vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng tại TP. Chí Linh chia sẻ.

Dự kiến, đến năm 2030, trên địa bàn Hải Dương sẽ có 3 - 4 sản phẩm du lịch đặc thù và từ sau năm 2030 có 1 - 2 sản phẩm nữa được đầu tư khai thác. Trước mắt, một số tên tuổi lớn trong ngành du lịch Việt Nam đang quan tâm, đầu tư vào Hải Dương, như Tập đoàn FLC, Vingroup. Một khách sạn thương hiệu quốc tế Wyndham cũng đã được đưa vào hoạt động.

Hạ An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục