Du lịch Việt Nam chuyển đổi tư duy để bứt tốc

0:00 / 0:00
0:00
Ngành du lịch Việt Nam cần chuyển đổi tư duy từ làm phong trào sang tư duy kinh tế và đặt an toàn, hiệu quả lên hàng đầu, để bứt tốc khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế.
Du lịch Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển bài bản để phát huy những giá trị, tài nguyên vốn có Du lịch Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển bài bản để phát huy những giá trị, tài nguyên vốn có

Con người là điểm nghẽn lớn nhất

“Cơn cuồng phong” Covid-19 vẫn đang khiến ngành kinh tế xanh toàn cầu thoi thóp vì không thể mạo hiểm với sự an nguy của từng đất nước. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour khá lạc quan. Ông nói: “Chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về con người. Du lịch sẽ bung ra như lò xo lâu ngày bị nén”.

Bằng chứng là, ngay trong giai đoạn khó khăn này, nhiều nước đang tích cực chuẩn bị cho quá trình hồi sinh của du lịch. Theo Chủ tịch Lửa Việt Tour, đây cũng là khoảng lặng cần thiết để nhìn lại, bởi mấy năm gần đây, dù rất cố gắng và có bước tăng trưởng đáng kể, nhưng du lịch Việt Nam vẫn chưa thể lọt vào top 3 ASEAN.

Những yếu kém do con người tạo ra, thì chính con người phải khắc phục và tìm cách bù đắp. Hầu hết các món ngon đều được chế biến từ những nguyên liệu có sẵn với sự tài tình của các đầu bếp. Sản phẩm du lịch cũng vậy, không sợ cũ, không sợ thiếu, chỉ sợ không muốn làm và không chịu làm

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch Thái Lan không chỉ đứng đầu ASEAN, mà còn trong top đầu châu Á. Năm 2019, du lịch Thái Lan đón 39,8 triệu lượt khách quốc tế, xếp thứ 8 thế giới về lượng khách quốc tế, nhưng ngạo nghễ ở vị trí thứ 4 về doanh thu với hơn 63 tỷ USD. “Thái Lan là ‘bậc thầy’ về các chiêu trò dụ khách chi tiêu”, ông Mỹ nhấn mạnh.

Quay trở lại với du lịch Việt Nam, Chủ tịch Lửa Việt Tour khẳng định, Việt Nam rất giàu tài nguyên du lịch với nhiều cảnh quan hùng vĩ, bờ biển dài hơn 3.200 km, nhiều quần đảo, đảo đẹp. Điểm nghẽn lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay nằm ở vấn đề con người, đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Từ khâu quản lý đến quy hoạch, từ đào tạo đến phân công, từ vệ sinh môi trường đến an toàn thực phẩm, từ giao thông đến an ninh xã hội… đều cần phải cải thiện.

“Việc đầu tiên phải làm ngay để du lịch Việt Nam tăng tốc là giải phóng tư duy du lịch. Phải chuyển từ tư duy làm phong trào sang tư duy kinh tế, trong đó, hiệu quả phải là ưu tiên hàng đầu. Quan trọng là doanh thu đầu khách và lợi nhuận, chứ không phải lượng khách”, ông Mỹ nói.

Lấy nụ cười làm “vũ khí”

Các chuyên gia du lịch cho rằng, ngay bây giờ, ngành du lịch Việt Nam phải tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau khi Covid-19 được kiểm soát.

Nhìn sang các nước láng giềng, Thái Lan vẫn mạnh dạn mạo hiểm có tính toán, khi thí điểm mở cửa du lịch với “hộ chiếu vắc-xin” ở Phuket, dù tình hình Covid-19 rất phức tạp, số lượng ca lây nhiễm và tử vong lớn; Singapore chuẩn bị mở cửa du lịch vào tháng 9 tới; Indonesia đang đối mặt thảm họa, nhưng vẫn tính việc mở cửa Bali...

Dĩ nhiên, các kế hoạch mở cửa du lịch phải thận trọng, cân nhắc kỹ, bởi sức khỏe và tính mạng của người dân là quan trọng nhất, những vùng mở cửa du lịch phải được ưu tiên tiêm chủng và kiểm soát được dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, trước khi làm việc lớn, cần làm ngay những việc nhỏ, không tốn kém mà địa phương nào, cá nhân nào cũng có thể làm được, nếu thật lòng muốn thay đổi diện mạo du lịch Việt Nam. Đó là cải thiện và nâng chất tinh thần lẫn thái độ phục vụ. Ngành du lịch phải tiên phong đột phá, lấy nụ cười và thái độ thân thiện làm “vũ khí”, khởi đầu chiến lược cạnh tranh và phát triển.

Muốn tăng cường liên kết giữa các ngành, thì trong nội bộ ngành phải liên kết trước. Các địa phương cũng vậy. “Phải liên kết trong từng tỉnh, thành phố trước khi liên kết vùng; liên kết giữa các cục, vụ trong bộ trước liên kết bộ, ngành. Phải thực hiện liên kết bằng những việc làm thiết thực, chứ không phải bằng việc tổ chức hội nghị, hội thảo, ký kết hoành tráng, tốn kém. Việc quan tâm phải được thể hiện bằng chính sách cụ thể, bên cạnh các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động”, Chủ tịch Lửa Việt Tour nói.

Bên cạnh yếu tố con người, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, cơ sở vật chất, tiện nghi dịch vụ phục vụ du khách cũng cần được đầu tư thường xuyên, cộng với việc hỗ trợ nâng cao chất lượng nội dung chương trình văn hóa nghệ thuật; đầu tư các dịch vụ cung cấp cho khách du lịch tại điểm biểu diễn, điểm lễ hội, điểm tham quan; hợp tác quảng cáo và cung cấp dịch vụ chất lượng cho các đoàn khách du lịch.

Muốn du lịch phát triển, cần tạo sự thuận lợi trong việc tiếp cận điểm tham quan, biểu diễn nghệ thuật; ưu tiên vị trí đẹp và thuận lợi cho các địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cùng với đó, cần tổ chức mạng lưới giao thông thuận tiện kết nối các khu lưu trú với điểm tham quan, di tích, lễ hội, điểm biểu diễn; phát triển kinh tế ban đêm với việc tạo ra hệ thống điểm tham quan, biểu diễn về đêm tại các trung tâm du lịch.

“Cần huy động nhiều bên tham gia vào hoạt động này như khách du lịch, người quản lý các điểm tham quan, di tích, bảo tàng, lễ hội, doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ và người dân địa phương. Phát huy những sáng tạo của họ để tạo ra các chương trình văn hóa - nghệ thuật đầy cuốn hút vào buổi tối”, ông Thắng nói.

Cũng theo các chuyên gia du lịch, trong bối cảnh thị trường du lịch nội địa đang trở thành “cứu cánh”, du lịch Việt Nam phải có những chính sách tổng thể để trở lại “đường đua” trong giai đoạn “bình thường mới”, để du lịch nội địa thực sự trở thành trụ cột chính của ngành kinh tế xanh.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh hơn việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để tạo miễn dịch cộng đồng, tạo cơ sở để mở cửa du lịch quốc tế trở lại. Ngoài ra, cần xây dựng các quỹ tài chính hỗ trợ ngành du lịch dưới hình thức hỗ trợ trực tiếp cho khách trong năm 2021. Điều này sẽ có tác động kích cầu du lịch trong nước, giúp các doanh nghiệp du lịch duy trì được hoạt động và giải quyết việc làm cho đội ngũ nhân sự.

Hạnh Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục