Từ kinh nghiệm quốc tế
Sau lượt đấu cuối cùng của vòng loại World Cup 2022 vào giữa tháng 6/2021, trở về Việt Nam, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam thay vì phải cách ly tập trung 14 ngày thì chỉ mất 7 ngày cách ly tại một khách sạn, trước khi về địa phương cách ly tại nhà 7 ngày và theo dõi sức khỏe đủ 28 ngày.
Cơ sở cho việc rút ngắn thời gian cách ly tập trung của đội tuyển Việt Nam là các thành viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế. Từ một nhóm nhỏ này, có thể coi là hình thức thí điểm nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” tại Việt Nam.
Trên nhóm tương tác với những người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài, nhiều người mong muốn sau khi nhận giấy chứng nhận hoàn thành tiêm vắc-xin sẽ được ưu tiên giảm thời gian cách ly tập trung từ 28 ngày xuống 7 ngày khi về Việt Nam.
“Nhiều bạn bè người Hàn Quốc của tôi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin rất mong được đến Việt Nam du lịch”, chị Thu, một du học sinh tại Hàn Quốc chia sẻ về dự định sẽ sớm cùng một số người bạn về Việt Nam ngay khi dịch được kiểm soát.
PGS-TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết, hộ chiếu vắc-xin thực chất là giấy chứng nhận cho một người đã tiêm đủ số mũi vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước, thông thường là 2 mũi. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và triển khai rộng rãi chính sách “hộ chiếu vắc-xin” để nhanh chóng phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế.
Ở châu Âu, từ đầu tháng 6/2021, các nước Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Séc, Croatia và Ba Lan đã đồng loạt triển khai hộ chiếu vắc-xin, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch chung của Liên minh Châu Âu (EU) là từ ngày 1/7/2021. Đây là hành động để chuẩn bị cho mùa du lịch hè trở lại sau thời gian người dân bị hạn chế đi lại quá lâu để phòng, chống dịch.
Trước đó, từ đầu năm 2021, nhóm 3 nước gồm Estonia, Romania và Gruzia đã chấp nhận hộ chiếu vắc-xin khi đón khách quốc tế có chứng nhận tiêm vắc-xin trong tối thiểu 10 ngày mà không cần thực hiện tự cách ly, còn những ai tiêm đủ 2 mũi vắc-xin trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vẫn phải thực hiện 14 ngày tự cách ly.
Tại khu vực Đông Nam Á, trưa ngày 1/7/2021, 25 du khách quốc tế đầu tiên đã đến đảo Phuket của Thái Lan trên chuyến bay của Etihad trong bối cảnh nước này đang nỗ lực khôi phục ngành du lịch bị dịch Covid-19 tàn phá. Phuket trở thành địa điểm đầu tiên ở Đông Nam Á mở cửa cho du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ và được chứng nhận không mắc Covid-19 theo một chương trình thí điểm có tên gọi “Phuket Sandbox”.
Mô hình “Phuket Sandbox” hiểu một cách đơn giản là chương trình thử nghiệm “du lịch cách ly khép kín”, điều cũng đã được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi chia sẻ hồi tháng 4/2021 khi cùng đoàn Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về việc xúc tiến đưa sản phẩm, dịch vụ Phú Quốc đến với nước này. Trong đó, những người trong đoàn du khách và người tại các điểm đến tiếp xúc với nhau trong suốt hành trình, không tiếp xúc với bên ngoài, nơi cách ly tập trung có thể là khách sạn hạng sang, nơi sinh hoạt khép kín có thể là sân golf hoặc điểm đến du lịch dành riêng cho những du khách này…
Mới nhất, ngày 26/7/2021, Chính phủ Nhật Bản chính thức triển khai hộ chiếu vắc-xin phòng dịch Covid-19. Theo đó, các cơ quan hành chính địa phương trên toàn Nhật Bản bắt đầu nhận đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Giấy này cũng được cấp cho các trường hợp xuất cảnh đến 5 nước Ý, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Ba Lan. Khi trình giấy chứng nhận vắc-xin Covid-19 tại thời điểm cấp thị thực (visa) hoặc nhập cảnh, người nhập cảnh sẽ được miễn áp dụng biện pháp xét nghiệm PCR và cách ly tại địa điểm chỉ định.
Ngoài các nước nêu trên, Hàn Quốc cũng chấp nhận giấy chứng nhận tiêm chủng vắc-xin của Nhật như một loại giấy tờ cần thiết để xem xét miễn cách ly sau khi nhập cảnh vào nước này.
Chờ mô hình thí điểm tại Việt Nam
Tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XV, trong phần chia sẻ của mình, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh tới vấn đề đẩy mạnh tiêm vắc-xin Covid-19, đặc biệt tại các khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế, để vừa bảo vệ người dân, vừa duy trì sản xuất - kinh doanh, tránh đứt gãy nguồn cung.
“Hộ chiếu vắc-xin không chỉ hiểu là dành cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, mà phải dành cho toàn dân Việt Nam”, ông Lộc nói và chia sẻ thêm, khi Việt Nam có được tỷ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ở mức cao sẽ tạo động lực mạnh mẽ để nền kinh tế tăng trưởng cao trở lại.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên thế giới hiện nay, khái niệm và chính sách hộ chiếu vắc-xin được tiếp cận theo nhiều hướng, có điều kiện, giới hạn khác nhau và chưa được triển khai một cách chính thức, toàn diện. Tuy nhiên, như nhận định của các chuyên gia, Việt Nam có đủ điều kiện và cơ sở để có thể cân nhắc áp dụng hộ chiếu vắc-xin.
Trên thực tế, vào trung tuần tháng 6/2021, Bộ Chính trị đã cho phép nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, hộ chiếu vắc-xin chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số trở lên được tiêm chủng. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Việt Nam còn khiêm tốn, chưa thể đạt miễn dịch cộng đồng, nếu triển khai ồ ạt hộ chiếu vắc-xin với người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà không quản lý chặt thì sẽ đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, khó kiểm soát.
PGS-TS. Trần Đắc Phu đề xuất, trước mắt Việt Nam có thể áp dụng mô hình “du lịch ít tiếp xúc”, nghĩa là những người có hộ chiếu vắc-xin có thể nhập cảnh, được xét nghiệm Covid-19, cách ly tập trung trong số ngày hợp lý, đến những nơi ít tập trung đông người. Tất cả các hoạt động này phải được giám sát chặt chẽ và thống nhất giữa Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan.
Được biết, giữa tháng 7/2021, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng đã có văn bản thống nhất chủ trương xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” bằng các chuyến bay charter (chuyến bay thuê trọn gói) đến tỉnh Khánh Hòa do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa triển khai để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chỉ 2 ngày sau khi UBND tỉnh Khánh Hoà có đề xuất, Tập đoàn FLC cũng kiến nghị với UBND tỉnh Bình Định cho phép đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” tới các khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn bằng các chuyến bay charter. Theo đại diện FLC, Tập đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng cho phương án thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin tại Bình Định cả về hạ tầng lưu trú lẫn vận chuyển hàng không.
FLC Quy Nhơn được biết đến là quần thể du lịch 5 sao đầu tiên tại Bình Định, tọa lạc trên quy mô diện tích 1.300 ha cùng hơn 70 tiện ích đồng bộ, khép kín, bao gồm 2.500 phòng khách sạn 5 sao, villa biệt lập, sân golf 36 hố, bể bơi riêng trong nhà, ngoài trời cùng gần 20 nhà hàng, quán bar đa dạng… Với quy mô lớn, dịch vụ chuẩn 5 sao khép kín cùng chế độ 5K được áp dụng nghiêm ngặt trên toàn hệ thống, FLC Quy Nhơn được xem là một trong những cơ sở lưu trú cao cấp có thể đáp ứng đầy đủ các phương án thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin hiện nay.
11.806 khách du lịch đến Phuket sau chưa đầy 1 tháng mở mô hình “bong bóng du lịch”
Ông Phạm Sỹ Hoàng, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Thủ Thiêm Real |
Ngay cả khi làn sóng Covid-19 lan đến “thiên đường nghỉ dưỡng” Phuket, Chính phủ Thái Lan cũng không có ý định hủy bỏ mô hình “bong bóng du lịch” - sinh kế của nhiều gia đình.
Ngày 27/7/2021, Phuket ghi nhận 40 ca mắc mới Covid-19 - con số mắc mới lớn nhất trong ngày kể từ khi hòn đảo này khởi động mô hình “bong bóng du lịch” ngày 1/7/2021. Hiện các bệnh viện tại Phuket đang điều trị cho tổng cộng 191 bệnh nhân.
Các biện pháp phòng ngừa được tăng cường từ trước đó 1 ngày: Các cửa hàng bách hóa phải đóng cửa 7 ngày, các hoạt động tập trung trên 100 người bị cấm, mật độ trong các khu chợ phải duy trì dưới 4 người trên một mét vuông, trong khi trường học tiếp tục đóng cửa đến giữa tháng 8/2021.
Hiện tổng số ca mắc Covid-19 tại Phuket đã vượt qua con số 90 - một trong những điều kiện để tạm dừng mô hình “bong bóng du lịch”. Tuy nhiên, tỉnh này không ghi nhận các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cao khác như sự lây lan trên diện rộng hay thiếu giường bệnh.
Thống đốc tỉnh Phuket Narong Woonsew cam kết sẽ tiếp tục duy trì mô hình này, cho dù số ca mắc mới có chiều hướng tăng lên. Ông cho biết, Phuket sẽ giám sát và sàng lọc chặt chẽ hơn lao động nội địa, cư dân ở nơi khác đến phải xuất trình cả kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính lẫn chứng nhận tiêm vắc-xin.
Được biết, kể từ ngày 1/7/2021 đến nay, có 11.806 khách du lịch đã đến Phuket sau khi tỉnh này mở mô hình “bong bóng du lịch”.
Hộ chiếu vắc xin là đòn bẩy cho thị trường du lịch, nghỉ dưỡng
Ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group |
Với những địa phương kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), đây nguồn thu chủ yếu. Tuy nhiên, các địa phương này đang gặp nhiều khó khăn do hệ thống cơ sở lưu trú phải dừng hoạt động. Việc triển khai hộ chiếu vắc-xin sẽ giúp mở cửa lại ngành du lịch, khơi thông các đường bay trong nước và quốc tế, qua đó thực sự tạo nên cú huých phục hồi, phát triển kinh tế.
Cùng với đó, hộ chiếu vắc-xin còn giúp đưa các chuyên gia, nhà đầu tư trở lại Việt Nam, giúp thúc đẩy các công việc đang bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Với quyết tâm cao, tôi tin rằng hộ chiếu vắc-xin sẽ sớm được triển khai ở Việt Nam vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Với chúng tôi, vấn đề đặt ra hiện nay là việc tiếp cận vắc-xin tương đối khó khăn, nên tôi đề nghị cần có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận vắc-xin để tiêm phòng cho người lao động, tạo tâm lý yên tâm công tác.
Hãy để cho các doanh nghiệp có nguồn lực hỗ trợ việc triển khai hộ chiếu vắc-xin
Bà Phan Đặng Trà My, Tổng giám đốc Wow Holiday |
Hộ chiếu vắc-xin là xu hướng mà các nước có lĩnh vực du lịch phát triển mạnh đang theo đuổi và khi triển khai có thể mang lại sự “hồi sức” tốt cho ngành du lịch. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, hộ chiếu vắc-xin còn mang tính ngoại giao, quan hệ song phương nhiều. Chúng ta chỉ có thể áp dụng với quốc gia cũng có chế độ mở cửa với khách du lịch Việt Nam, tức đảm bảo tính 2 chiều.
Triển khai hộ chiếu vắc-xin cần có phương án tổng thể an toàn, có sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp chủ chốt. Theo tôi, hãy để cho các doanh nghiệp có nguồn lực hỗ trợ cho Chính phủ, các địa phương trong việc này. Ví dụ, với Phú Quốc, đây là điểm đến hội tụ được các yếu tố tốt nhất để triển khai hộ chiếu vắc-xin bởi là khu biệt lập, dễ kiểm soát người ra/vào; dân số ít, có nhiều cơ sở lưu trú là các dự án nghỉ dưỡng quy mô, chất lượng; nhiều chủ đầu tư lớn, có năng lực quảng lý, vận hành tốt.
Cái khó hiện nay là diễn biến phức tạp của biến chủng vi-rút mới nên chưa có cơ sở chính xác về thời gian và tác dụng của vắc-xin. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể cứ chờ đến khi hội tụ đủ các điều kiện vì như vậy sẽ mất đi cơ hội, khi mà nhiều quốc gia đã triển khai các mô hình du lịch khép kín tương tự.
Ưu tiên phát triển du lịch để vực dậy bất động sản nghỉ dưỡng
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn
Bất động sản nghỉ dưỡng hiện gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Vì thế, ưu tiên đầu tiên là phát triển du lịch để vực dậy phân khúc này.
Chúng ta đã nhìn thấy bài học từ Thái Lan, họ đặt quyết tâm là trong vòng 120 ngày tới sẽ áp dụng thí điểm mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại Phuket - hòn đảo du lịch nổi tiếng nhất nước này và hầu hết người dân Phuket đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Lý do mở cửa là để thu hút du lịch, để giảm gánh nặng kinh tế cho những người dân đã mất đi thu nhập trong suốt một năm qua, cho nên hộ chiếu vắc-xin là rất cần thiết.
Tới đây, Việt Nam cũng nên nghiên cứu áp dụng thí điểm việc mở cửa du lịch ở một số khu vực thông qua việc tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân ở đó. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút lượng lớn khách du lịch cũng như các nhà đầu tư.
Mọi thành viên thị trường đều mong đợi
Ông Giáp Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT AVLand Group |
Các doanh nghiệp đều mong chờ hộ chiếu vắc-xin để đưa hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như việc triển khai dự án trở lại bình thường.
Tôi cho rằng, khi hộ chiếu vắc-xin được triển khai rộng rãi sẽ mang đến nhiều tích cực, mang lại sự tự tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ đó vực dậy thị trường sau giai đoạn trầm lắng vừa qua.
Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, họ đang mong chờ đến Việt Nam để thực hiện các thương vụ M&A trong hai mảng bất động sản công nghiệp và khách sạn.
Nếu chúng ta chậm triển khai hộ chiếu vắc-xin thì có thể đánh mất cơ hội khi dòng tiền dịch chuyển sang các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.