Đặt câu hỏi với tư lệnh ngành Lao động - Thương binh - Xã hội, đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) cho rằng, trước tình hình dịch Covid-19, ngành có giải pháp nào để tạo công an việc làm?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo báo cáo đã tạo việc làm cho 7,8 triệu lao động. Đây là cố gắng lớn. Tỷ lệ thất nghiệp hơn 2% là có thể chấp nhận được trong tình hình chung.
“Gốc quan trọng nhất tạo việc làm là phải tăng trưởng kinh tế. Phát triển doanh nghiệp là chìa khóa tạo việc làm, thoát nghèo bền vững”, ông Dung nói và đề xuất giải pháp cần đào tạo trước, trong và sau, kể cả đào tạo lại cho lao động. Phải nâng cao chất lượng nghề.
Còn đối với doanh nghiệp phải tập trung nâng cao quản trị nhân lực, đổi mới công nghệ. Những doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới quản trị đều đứng vững. Doanh nghiệp phải có yếu tố đi trước đón đầu. Vấn đề đào tạo chú trọng hơn theo đầu ra, đơn đặt hàng.
Đồng thời, tăng cường kết nối cung - cầu, dự báo cung cầu trung hạn, dài hạn, ngắn hạn. Tăng cường kết nối đào tạo với doanh nghiệp.
Các đại biểu tại nghị trường. |
Rà soát từng m2 đất nếu chuyển đổi rừng
Trả lời đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) về việc thủy điện gây mưa lũ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà nói: Rừng là nơi cung cấp 70% tài nguyên cho đời sống con người. Việc mất rừng do nhiều nguyên nhân như xuất phát từ tư duy trong nhà sử dụng đồ gỗ.
“Chúng tôi sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát từng m2 đất nếu chuyển đổi rừng tự nhiên. Nơi nào không còn rừng mà có chức năng phòng hộ thì phải phục hồi rừng nguyên sinh”, ông Trần Hồng Hà phát biểu.
Liên quan đến câu chuyện chất thải rắn do đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nêu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, hiện nay mỗi ngày phát sinh 35.000 tấn chất thải rắn. “Chúng ta có 381 lò đốt, 37 lò sản xuất phân composy và 1.000 bãi chôn phân lân. Hiện mức thu gom rác ở đô thị là 92%, nông thôn là 66%. Bước đầu cải thiện tăng mức thu gom nhưng thực trạng ô nhiễm do chưa coi rác là tài nguyên”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng nói gì về luật có tuổi đời ngắn?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, Quốc hội ban hành 75 luật, nghị quyết của Quốc hội.
Theo thống kê kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuổi thọ trung bình của một đạo luật thường trên 10 năm. Cứ 5 năm có thể sửa đổi, bổ sung một số điều và 10 năm sửa đổi, bổ sung tổng thể.
Trong thời gian vừa qua, có một số luật tuổi thọ dưới 5 năm để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đúng là cũng có những vấn đề chưa cập nhật được. Ví dụ, như Luật Đầu tư công, Luật Tố tụng hành chính.
“Đó là một thực trạng về tuổi thọ trung bình của một số đạo luật trong một bối cảnh đất nước đang phát triển và rất nhiều các yêu cầu đột xuất phát sinh, tôi nghĩ tình trạng này có thể chấp nhận được”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng đề xuất một số giải pháp như nâng cao chất lượng xây dựng và thẩm định của các chủ thể có liên quan, đặc biệt các bộ, ngành cũng như thẩm định của Bộ Tư pháp. Tiếp tục có cơ chế để xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học.