Đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về mặt trái của thủy điện

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sáng 5/11, Quốc hội bước sang ngày thứ 3 thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách… Các đại biểu tiếp tục tranh cãi về mặt trái của thủy điện.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Nhìn nhận về những tác động của thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, chúng ta có quy trình pháp lý bài bản và đầy đủ để quản lý dự án đầu tư. Luật Đầu tư có quy định về báo cáo kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đây là những nhân tố cơ bản giúp các cấp có thẩm quyền quyết định phê quyệt đầu tư, đánh giá xem các dự án đó có hiệu quả hay không và mức độ tác động có gì.

“Nhưng quan trọng không dừng ở đó, các dự án phải thỏa mãn cả việc giải quyết những biện pháp để giảm bớt hạn chế tiêu cực, đồng thời khai thác tốt các ưu thế và lợi ích”, Bộ trưởng đánh giá.

Liên quan đến vấn đề quản lý đất, đất rừng tự nhiên, theo Bộ trưởng, trên thực tế khi thực hiện có các khâu quan trọng như khâu bổ sung quy hoạch xuất phát từ địa phương và địa phương đều phải căn cứ theo Thông tư 43, trong đó nói rõ tiêu chí sử dụng đất như nào.

“Khi chúng tôi bổ sung quy hoạch phải làm thủ tục xin ý kiến các bộ ngành liên quan để đảm bảo phù hợp quy hoạch. Sau đó, quy trình đầu tư, các cấp có thẩm quyền phê quyệt, quản lý đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Tranh luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng: “Mọi thứ chúng ta làm đều đúng, chỉ có trời là sai do mưa nhiều quá”. Nếu cho rằng khâu quy hoạch, thẩm định là chưa ổn cần phải nhìn nhận lại. Ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện, ở đó có lũ quyét, sạt lở.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, nếu quy trình làm đúng thì chúng ta phải ủng hộ. Còn về mặt tiêu cực, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã nói “đang kiểm soát chặt chẽ”. Đại biểu đề nghị phải kiểm soát hiệu quả hơn. Nếu đúng thủy điện như quả bom nổ chậm thì phải tháo quả bom đó.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhắc lại câu chuyện khi xây dựng thủy điện Sông Đà. Mục tiêu ban đầu là trị thủy, sau đó mới đến mục tiêu phát điện. Chính vì sử dụng chủ yếu điều tiết lũ nên Hà Nội đã tránh được những đợt lụt lịch sử. Từ ngày có thủy điện Sông Đà đã điều tiết nước rất tốt.

Tuy nhiên, đánh giá về mặt trái của thủy điện, ông Lê Thanh Vân thừa nhận có sự lạm dụng trong việc xây dựng nhà máy, lựa chọn địa điểm, quy trình… Một số chủ nhà máy thủy điện đã lạm dụng quy trình đó để trục lợi thông qua phá rừng, lấy nguồn gỗ quý của tự nhiên.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, việc cảnh báo để 30 - 40 - 50 năm nữa. “Nếu chúng ta không nhìn nhận trước sẽ để lại di họa cho con cháu giải quyết”, ông Quốc nói.

Tuy nhiên, đại biểu cũng thừa nhận một số giải pháp của Bộ Công thương như khi tham gia dự án, doanh nghiệp phải đóng 1 khoản tiền như phí môi trường. Tuy nhiên, có câu chuyện là khi lấy đất của dân, di dời dân nhưng chưa đền bù. Do đó, nhà nước cần có chế tài, “phải nắm đằng chuôi” để tránh việc doanh nghiệp tìm cách thoái thác.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục