Ông Cao Hồng Phong nhấn mạnh: “Việc phát triển cảng thông minh, bền vững là một quá trình dài và đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược, lộ trình và đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất cần được sự hỗ trợ của Chính phủ, các Cơ quan ban ngành và sự hợp tác của các bên liên quan để đạt được mục tiêu này”.
Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng lộ trình phù hợp với hiện trạng, nguồn lực và mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng.
“Câu hỏi quan trọng nhất về mọi dự án là nó có hiệu quả không, chứ không phải câu hỏi về to hay nhỏ. Hiệu quả có nghĩa là bỏ ra 100 đồng thì phải mang về lớn hơn 100 đồng. Cảng thông minh hay chuyển đổi số là một công việc mới và sẽ là một quá trình rất dài và liên tục. Vậy nên, hãy bắt đầu từ những dự án mà sau 1 năm, hoặc cùng lắm 2 năm phải mang lại kết quả và hiệu quả. Những trải nghiệm này sẽ mang lại niềm tin vào chuyển đổi số và để ra những quyết định lớn hơn. Hãy luôn nhìn vào giá trị và hiệu quả mà các dự án chuyển đổi số mang lại. Hãy thận trọng với những dự án hoành tráng nhưng không rõ kết quả, hiệu quả”, ông Phong cho biết.
|
Ông Cao Hồng Phong, Phó tổng giám đốc Gemalink chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Lê Toàn |
Cũng theo ông Phong, doanh nghiệp cũng cần đào tạo đội ngũ nhân sự có nhận thức về xu hướng phát triển xanh, chuyên môn về công nghệ tiên tiến, có kỹ năng quản lý và vận hành cảng thông minh; đầu tư vào công nghệ và trang thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải; xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới đổi mới, sáng tạo và bền vững; tăng cường hợp tác và kết nối với các bên liên quan gồm Chính phủ, các cơ quan quản lý, các đơn vị tư vấn, các doanh nghiệp khác trong ngành để thúc đẩy tạo ra một hệ sinh thái cảng thông minh; tham gia các hiệp hội trong nước và liên quốc gia: Tham gia các hiệp hội cảng biển, ngành hàng, thương mại,… để cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các thực tiễn tốt nhất.
Về phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ phía Chính phủ và các cơ quan ban ngành thông qua hỗ trợ về chính sách. Trong đó, giảm thiểu rào cản, đơn giản hóa các thủ tục, giảm bớt các loại phí, lệ phí; ưu đãi về thuế; hỗ trợ tài chính bao gồm nguồn vốn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi xanh; và hoàn thiện khung pháp lý khuyến khích đầu tư xanh, tạo môi trường kinh doanh ổn định.
Thêm nữa, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ngành cảng - logistics xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng xanh thông qua phát triển hạ tầng kết nối bao gồm tăng cường kết nối cảng với các hệ thống giao thông khác như đường bộ, đường sắt, đường hàng không để tạo ra một mạng lưới logistics hiệu quả.
Đơn cử, tăng đầu tư công trong lĩnh vực thủy nội địa (hiện chỉ chiếm gần 2% ngân sách đầu tư nhưng đóng góp đến 20% sản lượng vận chuyển) thông qua việc đầu tư nạo vét luồng lạch, nâng cao tĩnh không tàu… và triển khai các tuyến vận tải mẫu mang tính đột phá (như tuyến vận tải mẫu Cái Mép - Đồng bằng Sông Cửu Long).
Ngoài ra, cần có chính sách, cơ chế, khuyến khích các cảng đầu tư để phát triển cảng thông minh, bền vững. Trong đó, điều chỉnh giá bốc xếp cảng biển, vì hiện vẫn còn rất thấp so với khu vực và thế giới (khoảng 50% so với giá bình quân của khu vực), giúp cảng có thêm nguồn thu bổ sung để tiếp tục đầu tư vào chuyển đổi số, xanh hóa cảng biển.
|
Tàu ONE cập cảng Gemalink |
Ông Phong cho biết, cảng nước sâu Gemalink có tổng chiều dài cầu bến lên tới 1,5 km, tổng công suất 2 giai đoạn lên đến 3 triệu Teu/năm, có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ và 5 tàu feeder, tàu sông ra vào làm hàng. Trong đó, giai đoạn 1 của cảng đã đưa vào vận hành từ đầu năm 2021, cảng có vị trí cửa sông với mớn nước sâu nhất và tiếp nhận cỡ tàu lớn nhất thế giới hiện nay (lên đến 250.000 DWT).
Kể từ khi được đưa vào khai thác từ đầu năm 2021, Cảng nước sâu Gemalink luôn là điểm sáng tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, cụm cảng được Ngân hàng Thế giới (World Bank) xếp hạng vị trí thứ 7 về cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới trong năm 2024.
“Để phát huy tiềm năng, lợi thế của cụm cảng cảng Cái Mép - Thị Vải, trong đó có Cảng Gemalink, đồng thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường và các hãng tàu đối tác, chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công Gemalink giai đoạn 2A, dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2026”, ông Cao Hồng Phong hé lộ thời điểm đưa vào vận hành cảng Gemalink giai đoạn 2A.