Phát triển bền vững: Động lực lâu bền cho tăng trưởng

(ĐTCK) Các kết quả tích cực mà những doanh nghiệp thực hiện chiến lược xanh thu được cho thấy, không hề có sự đánh đổi giữa các mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng kinh doanh mà ngược lại hướng đến mục tiêu phát triển bền vững chính là động lực lâu bền cho tăng trưởng. Đây là nhận định được các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế với nhận thức tích cực về phát triển xanh thống nhất. 

Cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức rõ hơn cơ hội từ phát triển bền vững

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) 

Thế giới đã ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc triển khai các Mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững (SDGs) trong chương trình Nghị sự 2030. Từ 200 doanh nghiệp tham dự Diễn đàn về Phát triển bền vững do Liên Hợp quốc tổ chức năm 2015 đã tăng lên con số 1.500 doanh nghiệp chỉ sau 2 năm.

Cùng với trào lưu chung của thế giới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có nhận thức rõ hơn về những cơ hội mà các mục tiêu phát triển bền vững mang lại, cũng như những rủi ro có thể được khắc phục.

Số lượng các doanh nghiệp lập báo cáo bền vững đã tăng gấp 2 lần trong 5 năm trở lại đây với hơn 90% doanh nghiệp trong danh sách 500 công ty lớn nhất Việt Nam đã lập báo cáo bền vững. Hơn thế, mạng lưới hợp tác được tăng cường với sự liên kết chặt chẽ, tích cực giữa các doanh nghiệp và các quốc gia. Tuy nhiên, ảnh hưởng của khu vực doanh nghiệp đến phát triển bền vững chung vẫn còn hạn chế.

Vì vậy, để tiến trình này thuận lợi, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận đầy đủ cơ hội từ mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, bên cạnh sự nỗ lực và hành động từ phía Chính phủ trong việc tích cực hoàn thiện chính sách thể chế, doanh nghiệp cần chủ động tăng cường năng lực, nắm bắt cơ hội kinh doanh, đổi mới sáng tạo, áp dụng các mô hình kinh doanh tiên tiến và các giải pháp kinh doanh sáng tạo bền vững để thu được các lợi ích lâu dài, thay vì chỉ hoạt động theo cái lợi trước mắt.  

Với nhận thức rõ về tầm quan trọng của phát triển bền vững và việc đẩy mạnh áp dụng các mô hình kinh tế sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam, VBCSD-VCCI đã đi tiên phong xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Với sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, các chất thải thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường sẽ được hồi sinh dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng. Theo đó, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro về khan hiếm các nguồn lực trong tương lai, giải quyết các vấn đề môi trường, cũng như mở ra cơ hội tăng trưởng trị giá hàng nghìn tỷ USD đến năm 2030.

Không hề có sự đánh đổi giữa phát triển bền vững và tăng trưởng kinh doanh

 Ông Trần Vũ Hoài, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và đối ngoại Unilever Việt Nam 

Việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững trong Chiến lược hoạt động của doanh nghiệp với việc đặt kế hoạch phát triển bền vững tại vị trí trung tâm và là kim chỉ nam trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đã mang lại những hiệu quả to lớn và bền vững cho doanh nghiệp.

Bằng chứng là các nhãn hàng bền vững đạt tăng trưởng tốt hơn, trong đó 18 nhãn hàng bền vững của Unilever tăng trưởng nhanh hơn 50% so với các nhãn hàng còn lại và chiếm tới 60% doanh số của tập đoàn.

Chúng tôi đã tiếp cận hàng trăm triệu người dân thông qua các chương trình tuyên truyền cải thiện sức khỏe, vệ sinh và cải thiện chất lượng cuộc sống với trọng tâm là bình đẳng giới. Các kết quả tích cực mà mô hình tích hợp đạt được cho thấy, không hề có sự đánh đổi giữa các mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng kinh doanh mà ngược lại hướng đến mục tiêu phát triển bền vững chính là động lực lâu bền cho tăng trưởng.

Với nhận thức nhất quán này, chúng tôi luôn hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh doanh đồng thời với giảm thiểu tác động đến môi trường và không ngừng gia tăng những giá trị xã hội tích cực. Theo đó, Unilever cam kết 100% rác thải bao bì nhựa từ các sản phẩm sẽ được thu gom, tái chế, tái sử dụng cho đến năm 2025.

Chúng tôi cũng đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam và các đối tác trong Chương trình thu gom rác thải bao bì và xây dựng mô hình xử lý rác thải bền vững, tiến tới xây dựng và vận hành nhà máy xử lý rác thải nhựa theo công nghệ Solvolysis của Unilever trên toàn cầu tại Việt Nam vào năm 2020 nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Đầu tư các dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

Ông Tomoyuki Sasama, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dow Việt Nam (Dow) 

Là công ty vật liệu khoa học và là nhà cung cấp giải pháp sản xuất, Dow rất mong muốn cùng thúc đẩy hợp tác để triển khai các giải pháp kinh tế tuần hoàn giữa các chuỗi giá trị đa dạng ở các địa phương khác nhau.

Hiện chúng tôi đang đầu tư nghiên cứu 2 dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là tái sử dụng bùn thải của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu sơn làm nguyên liệu sản xuất gạch đắp đường và chất kết dính ngành xây dựng, và dự án tái sử dụng nguyên liệu sản xuất nhựa đường cho vật liệu làm đường.

Đây là trọng tâm trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp hướng tới triển khai các giải pháp kinh tế tuần hoàn giữa các chuỗi giá trị đa dạng, nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bền vững của doanh nghiệp vào năm 2025.

Chúng tôi mong muốn được cộng tác với các tổ chức liên quan để học hỏi, hợp tác, trao đổi và xây dựng năng lực để hiện thực hóa và đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn nhanh hơn.

Theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững giúp doanh nghiệp và cộng đồng cùng phát triển

 Ông Leo Evers, Tổng giám đốc điều hành Heineken Việt Nam

Những nền kinh tế tiến bộ trên thế giới đang hướng tới mô hình nền kinh tế tuần hoàn nhằm cắt giảm lượng chất thải phát sinh bằng việc sử dụng các nguyên liệu phế thải là đầu vào cho các chuỗi giá trị mới.

Hưởng ứng xu thế này, Heineken đã áp dụng thành công các mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng năng lượng sinh khối (biomass) và khí sinh học (biogas), tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo cũng như tăng tỷ lệ tái chế sử dụng hướng tới hoạt động không thải. Hiện 4/6 nhà máy của Heineken nấu bia bằng 100% năng lượng sinh khối và tới 99% phụ phẩm và phế liệu được tái chế và tái sử dụng, đồng thời giảm lượng nước tiêu thụ và nước thải.

Với việc sử dụng năng lượng sinh khối, chúng tôi có thể cắt giảm 50% lượng phát thải khí CO2 trong giai đoạn 2014 - 2016, đồng thời cung cấp thu nhập cho nông dân địa phương từ việc thu mua vỏ trấu để tạo thành năng lượng sinh khối.

Việc này cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành và tránh được các tác động từ biến động giá dầu. Tới năm 2019, chúng tôi hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong hoạt động nấu bia tại các nhà máy của mình.

Ngoài ra, Heineiken cũng ưu tiên hợp tác với các nhà cung cấp tại địa phương, tạo ra khoảng 190.000 việc làm thông qua chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, cùng góp phần nhân lên lợi ích cho cộng đồng. Đây là minh chứng thực tế cho thấy, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững đã giúp doanh nghiệp và cộng đồng cùng phát triển.

Mấu chốt nằm ở việc tạo ra một chuỗi giá trị khép kín bao gồm các sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và liêm chính trong hoạt động báo cáo kinh doanh và báo cáo bền vững của doanh nghiệp.

TIG ngày càng phát triển theo hướng xanh, bền vững

Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) 

Các lĩnh vực hoạt động của TIG đang ngày càng vận động theo hướng “xanh”, bền vững. Với lĩnh vực kinh doanh chủ đạo là bất động sản, những dự án mà TIG triển khai và đưa vào khai thác đã minh chứng cho chiến lược phát triển xanh, bền vững. Trong đó nổi bật là Dự án Vườn Vua Resort & Villas tọa lạc trên khu đất hơn 84 hecta tại huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ, hay Dự án Nhà vườn liền kề TIG Đại Mỗ Green Garden.

Các dự án này đưa vào khai thác không chỉ giúp cho hoạt động của TIG ngày thêm bền vững, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương… Thời gian tới, Công ty tiếp tục phát triển các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái như dự án VanTri Ecoland để tạo thành một hệ sinh thái kinh doanh xanh và bền vững.

Một mảng hoạt động nữa cũng thể hiện rõ nét hướng phát triển xanh, bền vững của TIG là thông qua công ty thành viên - Công ty TNHH Hyundai Electronics Việt Nam và CTCP phân phối HDE, TIG đang nhập khẩu và phân phối độc quyền các sản phẩm hàng gia dụng Hyundai - HDE trên toàn Việt Nam, hướng tới lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam các sản phẩm điện tử, điện lạnh, điện gia dụng và dân dụng thương hiệu Hyundai - HDE công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Những lĩnh vực hoạt động mang đậm “chất xanh” trên đang ngày càng có đóng góp lớn trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của TIG. Nhờ đó, năm 2017, Công ty vẫn duy trì được kết quả kinh doanh tăng trưởng tuy có chậm nhưng mang tính bền vững cao, hướng tới những bước tiến mới trong nỗ lực theo đuổi phát triển bền vững. Năm 2017 là năm thứ hai liên tiếp TIG được xếp hạng trong Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam, do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triên bền vững Việt Nam/VCCI thực hiện.

Những lĩnh vực hoạt động trên của TIG đã chắc chân trên thị trường, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang vận động tích cực nhờ sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân với đóng góp ngày càng lớn cho tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

Điều này đang tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có TIG ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững. Qua đó không chỉ mang lại lợi ích tốt hơn cho TIG, các cổ đông, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển xanh như chiến lược Chính phủ đang theo đuổi.

SẼ thu hút nhiều dự án đem lại lợi ích cho quốc gia

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) 

2017 là năm có nhiều sự kiện với KBC. Tổng công ty là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tích cực tài trợ và hỗ trợ cho các sự kiện trong Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, đồng thời cũng là năm KBC kỷ niệm 15 năm thành lập.

Ngay từ khi bắt đầu "dấn thân" vào lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, chúng tôi đã xác định sứ mệnh quan trọng nhất của mình là làm sao thu hút được nhiều dự án chất lượng, đem lại lợi ích cho quốc gia và cho địa phương. Trong suốt 15 năm theo đuổi sứ mệnh này, nhờ sự nỗ lực và có một phần may mắn, chúng tôi đã có cơ duyên gặp gỡ, làm việc và thu hút được một số dự án lớn vào các khu công nghiệp của KBC như Tập đoàn Canon, Foxconn, LG và các công ty vệ tinh, JA Sola, Tập đoàn ZhongYiFeng…

Trong thời gian tới, định hướng của KBC là tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp một cách mạnh mẽ và có chọn lọc. Hiện tại, Công ty đang tiếp cận và thảo luận với các nhà đầu tư lớn có kế hoạch đầu tư dự án hàm lượng kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường vào các khu công nghiệp của KBC. Trong những năm gần đây, việc Chính phủ đưa ra những cải cách về chính sách thu hút đầu tư, chính sách thuế đã khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn đến môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Chuyển đổi, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường

Ông Lê Hồng Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) 

Dự báo, tăng trưởng GDP sẽ tích cực hơn trong năm 2018, kéo theo nhu cầu thép xây dựng, sản phẩm về thép gia tăng. Hiệp hội Ngành Thép có đưa ra dự báo ngành công nghiệp thép năm 2018 sẽ tăng trưởng sản xuất khoảng 20 - 22% so với năm 2017. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2018 là rất lớn.

Hiện nay, năng lực sản xuất của công nghiệp thép Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước. Do đó, việc khai thác thị trường xuất khẩu là rất cần thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng của doanh nghiệp.

Chúng tôi đang tái cấu trúc mạnh mẽ, kiến tạo luồng sinh khí mới trong toàn hệ thống và quyết tâm đạt được 3 mục tiêu đột phá. Đó là tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, Công ty đang thực hiện cuộc cách mạng quản trị bằng việc cách tân phương pháp quản lý và ứng dụng công nghệ để gia tăng hiệu quả.

Về công tác đầu tư, trong năm 2018, Công ty đang thực hiện Đầu tư nhà máy luyện phôi công nghệ lò điện cảm ứng công suất 500.000 tấn/năm tại Hưng Yên với tổng mức đầu tư 464,79 tỷ đồng, cải tạo nâng công suất dây chuyền cán thép tại Hưng Yên và chuyển đổi công nghệ sản xuất phôi thép từ lò điện hồ quang sang lò điện cảm ứng tại Hải Phòng.

Đồng thời tiếp tục phát triển hệ thống phân phối sản phẩm, không phát triển tràn lan theo chiều rộng mà tập trung phát triển theo chiều sâu, đảm bảo điều tiết thị trường tốt tránh xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà phân phối.

Ngoài ra, VIS cũng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng bằng việc ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, thúc đẩy và đầu tư mạnh mẽ công tác nghiên cứu khoa học tại các trường đại học danh tiếng, góp sức chia sẻ khó khăn vì một cộng đồng Việt Nam hưng thịnh.

Phóm PV thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục