Ông Phạm Nam Phong, Giám đốc điều hành của Vũ Phong Energy Group nhấn mạnh, số hóa có thể giúp đẩy mạnh hiệu quả khai thác năng lượng, tăng tính khả dụng và giảm thời gian ngắt quãng.
Ông Phong lấy việc chuyển đổi số và công nghệ của doanh nghiệp ông làm ví dụ, Vũ Phong đã có thể đạt được 99,9% năng lượng khả dụng từ các nhà máy năng lượng mặt trời của Công ty trong năm 2020, không chỉ giúp tối đa hoá việc sử dụng năng lượng mà còn giảm lãng phí.
Những thay đổi này đem đến lợi ích về môi trường cũng như cơ hội kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp. “Các nhà cung cấp mới và ngành công nghiệp ủng hộ tiến bộ công nghệ và thay đổi hướng tới các nguồn năng lượng xanh hơn đang kỳ vọng vào lợi ích từ những thị trường mới và đang phát triển”, ông nói.
Ông Phong đề xuất rằng, các cơ hội tái chế từ rác thải của sản phẩm công nghệ hiện đại sẽ đem đến kênh tạo lợi nhuận mới cho kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh hiệu quả cho vòng tuần hoàn bền vững.
Tiến sỹ Kok, Giảng viên Đại học RMIT ghi nhận rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp và người tiêu dùng trong khu vực ngày càng có ý thức về bền vững, Việt Nam có thể bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp và đặt các quy chuẩn “xanh” nghiêm ngặt hơn làm trọng tâm hành động.
“Nghiên cứu nền tảng bền vững châu Á của Kantar năm 2021 chỉ ra rằng 53% người tiêu dùng bắt đầu ngừng mua sản phẩm, dịch vụ có tác động xấu lên môi trường và xã hội. Vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp và ngành nghề lớn đang xem xét các lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường khi tìm kiếm nguồn năng lượng, mà nhu cầu của khách hàng với các sản phẩm, dịch vụ sạch và bền vững hơn cũng mở rộng. Đánh giá của Kantar Worldpanel năm 2020 nhấn mạnh rằng, bền vững nằm trong nhóm 5 mối quan tâm hàng đầu với người Việt Nam”, ông Kok cho biết
Đặc biệt, vai trò của cá nhân trong việc định hướng nghị sự về biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ nét. Tiến sỹ Kok lấy các sáng kiến từ Youth4Climate và GreenID của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc làm ví dụ về các tổ chức đang tìm cách ủng hộ và tạo diễn đàn cho thế hệ trẻ lên tiếng.
Ông chia sẻ rằng, “Youth4Climate đã ra mắt Cổng thông tin về biến đổi khí hậu cho thanh niên nhằm nâng cao nhận thức cho giới trẻ, đồng thời trao quyền và hỗ trợ mạng lưới thanh niên hành động vì khí hậu, nhằm thúc đẩy phong trào sử dụng năng lượng bền vững ở Việt Nam”.
Giám đốc điều hành GreenID, bà Nguỵ Thị Khanh nhấn mạnh rằng, dẫu cần có thời gian để thay đổi những chính sách giải quyết các vấn đề quanh nguồn năng lượng bền vững, buộc doanh nghiệp phải đưa phát thải CO2 bằng 0 vào trọng tâm hoạt động, “chúng ta, những người sử dụng năng lượng cũng có quyền năng trong việc kiến tạo thay đổi”.
“Chúng ta phải tìm ra cách để cả người dùng năng lượng và doanh nghiệp thiết tha với việc sử dụng năng lượng xanh cũng như lợi ích của hoạt động này”, bà Khanh nói và đề xuất rằng, thay đổi phải đến từ cả nhà cung cấp năng lượng và người tiêu dùng cuối cùng để đạt được những mục tiêu như vậy.
Đại diện Fraser tại Diễn đàn M&A do Báo Đầu tư tổ chức mới đây cũng cho biết, Tập đoàn cam kết đến 2030, 80% các dự án trong hệ thống của tập đoàn trên thế giới sẽ đáp ứng “Zero carbon”. Bởi vậy, các tòa nhà, khu công nghiệp đều cần đạt chứng chỉ xanh. Đây là một thách thức lớn nhưng cũng là mục tiêu Tập đoàn theo đuổi và sẽ nỗ lực thực hiện được.
Hiện có những cơ hội vô cùng to lớn nhằm bồi đắp nhận thức người dân và xây dựng lực lượng bảo vệ môi trường trong tương lai, đồng thời hỗ trợ và định vị Việt Nam như một quốc gia ủng hộ việc kinh doanh tuân thủ đạo đức và có trách nhiệm.
Đầu tư vào quá trình chuyển dịch năng lượng mang lại lợi nhuận gấp 3 - 8 lần khoản đầu tư ban đầu
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID. |
Bên cạnh việc đóng góp vào quá trình hạn chế phát thải và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, việc chuyển dịch sang năng lượng carbon thấp còn mang đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế, môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng.
Theo đó, đầu tư vào quá trình chuyển dịch năng lượng được ước tính sẽ mang lại lợi nhuận gấp từ 3 - 8 lần so với khoản đầu tư ban đầu. Tương tự, việc chính phủ đầu tư vào năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ tạo ra gấp 3 lần việc làm so với việc chi tiêu cho nhiên liệu hóa thạch…
Nhận thức được các mối liên kết và lợi ích này, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và các nước khác trong khu vực châu Á đã thực hiện nhiều nỗ lực phục hồi xanh qua các gói kích thích như Green Deal (kế hoạch hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và năng lượng tái tạo) của Hàn Quốc, Chương trình Green Green Green Program của Philippines, với mục tiêu giúp các thành phố trở nên đáng sống và bền vững hơn.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, nhu cầu cơ sở hạ tầng của châu Á giai đoạn 2016 - 2030 sẽ vượt quá 26.000 tỷ USD, bao gồm 14.700 tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng, 8.400 tỷ USD cho lĩnh vực giao thông…
Nhu cầu khổng lồ này, kết hợp với chính sách tiền tệ nới lỏng và các gói kích thích tài khóa lớn, khiến việc đầu tư vào các dự án giảm lượng khí thải carbon và đảm bảo tương lai dài hạn bền vững trở thành một lựa chọn khôn ngoan hơn cho khu vực.