Phát sốt với xe sang nhập khẩu ngoài luồng

Mặc dù xe ô tô mới khi nhập khẩu vẫn cần đáp ứng điều kiện ủy quyền chính hãng, nhưng thực tế không ngăn cản được dòng xe mới chảy vào Việt Nam theo những đường ngách. 
Nhiều dòng xe mới chảy vào Việt Nam theo những đường ngách (ảnh minh họa) Nhiều dòng xe mới chảy vào Việt Nam theo những đường ngách (ảnh minh họa)

Chính hãng ngẩn ngơ

Trường hợp xe Rolls-Royce Dawn 2016, được sản xuất năm 2016 tại Anh với dung tích xy lanh 6.6L, mới 100%, ngấp nghé cập cảng Hải Phòng là một ví dụ điển hình.

Chiếc xe này không phải là hàng được nhập khẩu bởi Rolls-Royce Motor Cars Hà Nội - đơn vị được ủy quyền nhập khẩu và phân phối chính hãng các dòng xe Rolls-Royce ở Việt Nam. Ông Đoàn Hiếu Minh, Chủ tịch Rolls-Royce Motor Cars Hà Nội cũng xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư việc chưa có chiếc xe Rolls-Royce Dawn nào được nhập khẩu chính hãng về Việt Nam.

Trên thế giới, Rolls-Royce Dawn ra mắt lần đầu tiên vào tháng 9/2015 tại Đức và mới sản xuất cho một số thị trường trọng điểm, nên việc đưa Rolls-Royce Dawn chính hãng về Việt Nam chưa diễn ra.

Con đường để Rolls-Royce Dawn trị giá hàng chục tỷ đồng này thảnh thơi, đàng hoàng vào Việt Nam không cần thông qua nhà nhập khẩu chính hãng là dưới mác quà biếu, tặng của đối tác nước ngoài cho tổ chức ở Việt Nam.

Không chỉ Rolls-Royce Dawn đời mới đàng hoàng vào Việt Nam, mà có hàng trăm giấy phép nhập khẩu cho xe ô tô mới là quà biếu, tặng cho tổ chức tại Việt Nam được cấp ra trong khoảng 3 tháng trở lại đây. Trước đó, trào lưu biếu tặng xe ô tô mới hạng sang đã bùng lên vào năm 2014, sau khi con đường mang xe là tài sản của Việt kiều hồi hương bị khó khăn.

Những địa phương có lượng giấy phép nhập khẩu xe diện biếu tặng nhiều nhất là Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội. Tuy nhiên, trong tháng 6/2016, những giấy phép đầu tiên cấp cho nhập khẩu xe biếu tặng tại một số địa phương như Cà Mau, Nghệ An cũng đã được ban hành trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp.

Ông Q.H, chủ một doanh nghiệp kinh doanh ô tô cho hay, xe biếu tặng không lo bị săm soi như xe của Việt kiều hồi hương (do ưu đãi thuế), không vướng yêu cầu “ủy quyền chính hãng” của Bộ Công thương đề ra, trong khi đóng thuế cao chả kém gì nhập khẩu thông thường, vì chỉ được miễn một phần giá trị khoảng 30 triệu đồng.

Dĩ nhiên, “đất” cho xe biếu tặng tung hoành chính là bởi chi phí mua xe chính hãng khá cao, chưa kể chờ rất lâu mới có xe. Hiện đặt hàng một số thương hiệu xe cao cấp đến từ Đức và Nhật Bản phải chờ tới tận cuối năm 2016 mới được nhận xe. Bởi vậy, người có tiền mua xe đã gấp rút tìm nguồn khác, nhất là trong thời điểm thuế tiêu thụ đặc biệt biến động mạnh từ ngày 1/7.

Một con đường khác, khiến cho xe mới vẫn trôi về Việt Nam, đó là qua các doanh nghiệp còn tồn đọng tiền đã thanh toán ở thời điểm Thông tư 20/2011/TT-BCT ban hành cách đây 5 năm. Dù có rất nhiều tháo gỡ, nhưng thực tế “đến hẹn lại xin gia hạn” vì “chưa nhập hết hàng” so với số tiền đã chuyển của các doanh nghiệp thương mại liên quan.

Giữ quy định chính hãng

Trước thời điểm Thông tư 20 hết hiệu lực vào ngày 1/7 vừa qua (theo Luật Đầu tư số 67/2014/QH13), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Euro Cham, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã kiến nghị giữ nguyên điều kiện nhập khẩu ô tô mới chính hãng.

Theo VAMA, việc đảm bảo chất lượng xe và dịch vụ khách hàng, các chiến dịch triệu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ… sẽ có thể bị bỏ ngỏ nếu Thông tư 20 hết hiệu lực, nhưng không có văn bản thay thế và nhà nhập khẩu không chính hãng có thể dừng hoạt động bất kỳ lúc nào.

VAMA cũng lo ngại, các nhà nhập khẩu không chính hãng trốn thuế bằng việc khai giá mua xe/bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài như tình trạng đã xảy ra trước khi Thông tư 20 có hiệu lực.

“Các doanh nghiệp nhỏ nhập khẩu không chính ngạch phải mua giá cao, chi phí cao, nên phải khai giá trị trên hợp đồng và tờ khai hải quan thấp hơn giá mua thật để đóng thuế thấp và số tiền chênh lệch phải chuyển ngân lậu, phải mua ngoại tệ từ thị trường chợ đen, gây ra gian lận thương mại và gây bất ổn thị trường ngoại tệ. Chưa kể còn phải thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn được các nhà sản xuất chính hãng áp dụng trên thị trường toàn cầu, khiến kém thế khi cạnh tranh trên thị trường”, một doanh nghiệp lắp ráp ô tô cho biết.

Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng (VIVA), ông Đoàn Hiếu Trung, Giám đốc điều hành của Rolls-Royce Motor Cars Hà Nội cho hay, trong 5 năm qua, Thông tư 20 đã góp phần đảm bảo được 7 vấn đề quan trọng liên quan đến mặt hàng và thị trường ô tô nguyên chiếc là bảo hành, bảo dưỡng chính hãng; linh kiện, phụ tùng chính hãng và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật; tiếp thu và cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới; đảm bảo hoạt động triệu hồi sản phẩm; đảm bảo hạ tầng, cơ sở vật chất và thiết bị theo tiêu chuẩn chính hãng; thu hút đầu tư bền vững và lâu dài trong lĩnh vực kinh doanh và sản xuất ô tô; hạn chế tình trạng gian lận thương mại và góp phần đảm bảo nguồn thu thuế liên quan đến mặt hàng ô tô nhập khẩu.

Hoàng Nam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục