Phát hiện hóa thạch hiếm của hải cẩu không tai

Một chiếc răng hóa thạch khoảng 3 triệu năm tuổi của loài hải cẩu từng thống trị bờ biển phía nam Australia được tìm thấy ở bang Victoria.
Răng hóa thạch hải cẩu không tai mới được phát hiện ở Australia. Ảnh: Phys. Răng hóa thạch hải cẩu không tai mới được phát hiện ở Australia. Ảnh: Phys.

Hóa thạch hải cẩu không tai (monachine) đặc biệt hiếm trên toàn thế giới. Mẫu vật ở Victoria mới là hóa thạch thứ hai từng được biến đến ở Australia. Phát hiện đã được công bố trên Tạp chí Vertebrate Paleontology hôm 3/4.

Chiếc răng, khoảng 3 triệu năm tuổi, tình cờ được tìm thấy bởi một nhà sưu tầm hóa thạch nghiệp dư trong lúc đi dạo trên bãi biển Portland.

Khám phá là bằng chứng quan trọng cho thấy hải cẩu không tai từng thống trị các bờ biển và vùng biển phía nam Australia, trước khi đột ngột biến mất và được thay thế bởi các loài hải cẩu có tai như hiện nay.

"Các monachine sống ở vùng nước nông ven bờ. Phân tích răng hóa thạch cho thấy chúng có thể ăn cá và mực. Do không có tay chân để đi bộ trên đất liền, chúng thường xuất hiện tại các bãi biển bằng phẳng, đầy cát mỗi khi lên bờ nghỉ ngơi", trưởng nhóm nghiên cứu James Rule từ Đại học Monash cho biết.

Theo Tiến sĩ David Hocking từ Đại học Monash, đồng tác giả nghiên cứu, mực nước biển giảm mạnh trong quá khứ có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của loài hải cẩu cổ đại này.

Những biến đổi mạnh mẽ của khí hậu Trái Đất đã tác động đáng kể đến cảnh quan môi trường ở Australia bằng cách "xóa xổ" những bãi biển cát, nơi hải cẩu không tai nghỉ ngơi và chăm sóc con non.

Nhóm nghiên cứu lo ngại các loài hải cẩu lông và sư tử biển ngày nay có thể sẽ phải đối mặt với thách thức tương tự trước sự nóng lên toàn cầu. Mực nước biển dâng cao do băng tan ở hai cực cũng đe dọa các hòn đảo và bãi biển cát trên thế giới.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục