Sợ BOT, ngân hàng âm thầm co hẹp tín dụng
Nhiều khả năng đến cuối năm 2020, Bộ Giao thông - Vận tải mới lựa chọn xong danh sách nhà đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam, song huy động ở đâu gần 52.000 tỷ đồng vốn tư nhân để triển khai 8 dự án thành phần của tuyến cao tốc này vẫn đang là câu hỏi lớn. Hiện các nhà đầu tư liên tục “tố” ngân hàng gây khó dễ giải ngân, trong khi phía ngân hàng cũng bức xúc không kém.
“Nhiều dự án BOT đang sử dụng tới hơn 60% vốn vay ngân hàng, chủ đầu tư chỉ góp khoảng 10%, còn lại là các nguồn vốn khác. Nếu dự án vỡ phương án tài chính, ngân hàng sẽ là nạn nhân đầu tiên. Với năng lực tài chính của chủ đầu tư và cơ chế chính sách về BOT hiện nay, ép ngân hàng cho vay chẳng khác nào biến ngân hàng thành “tù binh của các dự án BOT”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn phản ứng khi bị “tố” gây khó dễ cho các chủ đầu tư BOT vay vốn.
Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại, việc cấp tín dụng với các dự án BOT, BT (xây dựng - chuyển giao) giao thông hiện nay rất rủi ro, nhất là rủi ro dài hạn. Hai nguyên nhân chính là cơ chế chính sách về thu phí chưa rõ ràng và năng lực tài chính của chủ đầu tư quá yếu. Thực tế, đầu năm nay, đã có ngân hàng phải rao bán tài sản đảm bảo là quyền thu phí phát sinh tại dự án BOT để thu hồi nợ xấu.
Nợ xấu hiện hữu khiến các ngân hàng từng bước siết chặt cho vay trong lĩnh vực này. Đến đầu tháng 8/2019, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), tín dụng BOT chỉ còn 99.000 tỷ đồng, tức chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng dư nợ nền kinh tế, thay vì 1,4% vào cuối quý I/2019. Nhiều khả năng, tín dụng BOT sẽ xuống dưới 1% vào cuối năm nay.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, tư duy cứ làm BOT lại nghĩ đến vốn ngân hàng là lệch lạc. Bản chất ngân hàng huy động vốn ngắn hạn, cho vay ngắn hạn. Việc cung ứng vốn cho các dự án dài hạn như BOT phải dựa vào thị trường vốn.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, với các dự án hạ tầng, dự án BOT, vốn tự có của chủ đầu tư chiếm khoảng 15-20%, vốn của ngân hàng chiếm 40-50%, huy động vốn từ trái phiếu 20-25% (trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ), phần còn lại là vốn vay các tổ chức quốc tế. “Đa dạng hóa nguồn vốn như vậy mới khả thi”, TS. Lực nói.
Phát hành trái phiếu vàng cứu nhà đầu tư mỏng vốn
PGS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, dựa vào vốn ngân hàng từ lâu đã là thói quen của nhà đầu tư hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng đang chịu sức ép tăng vốn rất lớn, nếu gánh thêm hàng chục ngàn tỷ đồng vốn cho dự án BOT sẽ rất nặng nề.
“Đáng mừng là, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển rất tốt. Chủ đầu tư các dự án BOT cần tận dụng kênh này để huy động vốn cho các dự án BOT bằng cách huy động ‘trái phiếu vàng’. Việc huy động vốn ở thị trường nội địa vẫn khả thi, vấn đề là điều kiện phát hành thế nào, có hấp dẫn hay không”, ông Bảo trao đổi.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù có phát hành trái phiếu vàng cũng không thể khơi thông được vốn cho các dự án BOT. Bởi với cơ chế chính sách rủi ro như hiện nay, nhà đầu tư sẽ rất thận trọng khi đổ vốn vào trái phiếu BOT.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, để triển khai các dự án BOT hiệu quả, nên sàng lọc những nhà đầu tư mỏng vốn. Với những nhà đầu tư chỉ dựa vào vốn vay của ngân hàng, không nên cho tham gia vì sẽ rất rủi ro.
Để gọi vốn thành công cho các dự án BOT qua cổ phiếu, trái phiếu, ông Kiên cho rằng, ngoài sàng lọc các nhà đầu tư yếu kém, phải có cơ chế chia sẻ rủi ro của Nhà nước - tư nhân, đặc biệt là hành lang chính sách về BOT phải chắc chắn, thay vì thay đổi xoành xoạch hiện nay.
Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cơ quan này không khuyến khích đầu tư vào các dự án BOT. Tuy nhiên, riêng với các dự án trọng điểm quốc gia như tuyến cao tốc Bắc - Nam, ngành ngân hàng sẽ có trách nhiệm cung ứng vốn trên cơ sở đảm bảo an toàn.
“Chắc chắn hệ thống ngân hàng sẽ có trách nhiệm, cố gắng trong điều kiện khả năng cân đối nguồn vốn đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cũng cần làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả BOT, vị trí đặt trạm…”, ông Tú đề nghị.
Thực tế, các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước đang chạm ngưỡng tối thiểu về Hệ số An toàn vốn (CAR), nên rót 5.000-7.000 tỷ đồng cho các dự án BOT là không đơn giản, vì CAR sẽ bị “thủng lưới an toàn”.
Cần có cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm quốc gia
TS. Nguyễn Đức Kiên đề nghị, với các dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù. Cụ thể, để gỡ khó bài toán vốn cho cao tốc Bắc - Nam, trước hết, Chính phủ cần khẩn trương tăng vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước để ngân hàng đủ điều kiện cấp tín dụng cho các đại dự án.
Ngoài ra, lãi suất cho vay với các chủ đầu tư cũng được phân loại dựa vào sức khỏe để khuyến khích chủ đầu tư có năng lực. Ví dụ, chủ đầu tư bỏ ra 40% sẽ được vay vốn rẻ như lĩnh vực ưu tiên (Nhà nước có thể cấp bù lãi suất), các chủ đầu tư mỏng vốn sẽ phải chịu lãi suất cao theo giá thị trường… “Cơ chế như vậy mới thúc đẩy huy động vốn xã hội vào các dự án BOT, thay vì đặt mọi áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng”, TS. Nguyễn Đức Kiên đề xuất.