Phạt doanh nghiệp, phần thiệt chính lại thuộc về... nhà đầu tư

(ĐTCK) Hai tháng đầu năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. 
Phạt doanh nghiệp, phần thiệt chính lại thuộc về... nhà đầu tư

Trước đó, năm 2016, UBCK ban hành 129 quyết định xử phạt, còn trong giai đoạn 2010 - 2015, cơ quan này ban hành hơn 900 quyết định xử phạt, với tổng số tiền phạt là hơn 60 tỷ đồng. Nhóm doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng bị xử phạt nhiều nhất.

Muôn hình vạn trạng vi phạm

Khối doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng chủ yếu vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, từ công bố sai lệch đến công bố thông tin không kịp thời, không đầy đủ về các sự việc ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán trên thị trường. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Bạc Liêu (SBL) phát hành thêm cổ phiếu nhưng không báo cáo UBCK, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (NAS) báo cáo không đúng thời hạn Nghị quyết Hội đồng quản trị...

Các doanh nghiệp vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt là phạt tiền thì số tiền phạt này được doanh nghiệp ghi nhận vào chi phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.

Nhóm công ty chứng khoán thường vi phạm quy định về giao dịch ký quỹ và cung cấp dịch vụ ký quỹ chứng khoán như tại Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Nam trong những ngày đầu năm 2017, hay bố trí người làm việc chưa có chứng chỉ hành nghề, hoặc không đủ chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Với nhà đầu tư cá nhân, hầu hết quyết định xử phạt liên quan đến việc vi phạm báo cáo thông tin trước hoặc sau giao dịch của các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn. Đặc biệt, có một số trường hợp dùng thủ thuật để “làm giá” chứng khoán, lừa đảo, giao dịch nội gián; câu kết sử dụng nghiệp vụ bán khống, mượn chứng khoán, thậm chí mượn tài khoản chủ đầu tư, thông đồng để thực hiện việc mua bán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá.

Các vụ việc vi phạm nêu trên mới dừng lại ở thống kê các hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính từ UBCK, còn đối với việc doanh nghiệp bị nhắc nhở, cảnh báo do vi phạm công bố thông tin, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch hay tạm ngừng giao dịch…, thì rất nhiều.

Phạm lỗi vô tình hay cố ý?

Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm. Với những thông tin không trọng yếu, hành vi vi phạm có thể được “thông cảm”, bởi không phải công ty niêm yết nào cũng có bộ phận công bố thông tin riêng, chuyên nghiệp, mà thường sử dụng kiêm nhiệm, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ, hay những cổ đông nội bộ là người đã lớn tuổi, vô tình vi phạm vì không hiểu luật.

Tuy nhiên, không ít trường hợp vi phạm có dấu hiệu cố ý. Liên quan đến hành vi không công bố thông tin, trường hợp Công ty cổ phần Việt An (AVF) là một ví dụ. Sau khi công bố báo cáo tài chính tự lập năm 2014, AVF không công bố báo cáo tài chính kiểm toán theo quy định. Sau nhiều lần nhắc nhở, để bảo vệ lợi ích cổ đông AVF, Sở Giao dịch chứng khoán đã quyết định hủy niêm yết cổ phiếu này.

Một trường hợp bị xử phạt đáng chú ý gần đây là Công ty cổ phần Dầu thực vật Sài Gòn (SGO) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm 2016 không đúng thời hạn quy định, không công bố thông tin về việc chốt danh sách cổ đông họp ĐHCĐ trên trang thông tin điện tử, không gửi thông báo mời tất cả các cổ đông tham dự ĐHCĐ, thông tin công bố trên trang thông tin điện tử và bản cáo bạch niêm yết có nhiều nội dung không chính xác… Với hàng loạt vi phạm nghiêm trọng, nhiều nhà đầu tư không chấp nhận giải trình của SGO: “Công ty mới lên sàn nên còn chưa am hiểu rõ về luật chứng khoán, thị trường chứng khoán, cũng như công bố thông tin”.

Doanh nghiệp phớt lờ công bố thông tin dù được nhắc nhở đến 4 - 5 lần thì không thể không biết mình đang vi phạm. Với cá nhân thao túng giá cổ phiếu, không thể giải thích rằng mình không biết đây là hành vi phạm pháp. Hay công ty chứng khoán, vốn là đơn vị tư vấn nghiệp vụ cho nhiều doanh nghiệp niêm yết và khách hàng cá nhân, có chứng chỉ nghiệp vụ và các bộ phận quản trị rủi ro đầy đủ, không thể giải thích rằng, công ty không nắm rõ quy định về cho vay giao dịch ký quỹ.

Chế tài chưa đủ tính răn đe

Thị trường chứng khoán ngày càng phát triển là cơ hội cho doanh nghiệp có kênh huy động vốn, nhà đầu tư có kênh sinh lời đồng tiền. Theo thời gian, khung pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán dần được hoàn thiện, các biện pháp kiểm soát ngày càng được tăng cường.

Cho đến nay, một số hành vi vi phạm đã được luật hóa trong Bộ luật Hình sự, mức phạt đối với các hành vi khác được nâng lên, nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ tính răn đe. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận xét, chế tài xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa nhẹ, vừa tuân thủ chưa nghiêm, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư.

Về vấn đề này, một lãnh đạo UBCK từng chia sẻ, không phải cơ quan quản lý thị trường chứng khoán không nhận diện được bất cập trên. Với những vụ việc có dấu hiệu thao túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián, UBCK chuyển hồ sơ qua cơ quan công an để điều tra, xử lý hình sự.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra không thu thập đủ chứng cứ chứng minh đối tượng nghi vấn gây thiệt hại về vật chất và phi vật chất, nên chuyển trả hồ sơ về UBCK.

Khi đó, UBCK đành phải xử phạt vi phạm hành chính, nhưng khung hình phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tối đa là 2 tỷ đồng đối với tổ chức và 1 tỷ đồng đối với cá nhân.

Trong khi đó, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, muốn đủ sức răn đe các hành vi vi phạm trên thị trường, Việt Nam cần áp dụng các mức phạt từ hàng triệu USD đối với các hành vi nghiêm trọng.

Chế tài chưa đủ lớn so với những nguồn lợi bất chính có thể thu được cùng một số vướng mắc, bất cập trong quy định quản lý, giám sát, xử phạt khiến cho tình trạng vi phạm trên thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu suy giảm.

Phần thiệt thuộc về nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán là môi trường rất nhạy cảm với biến động thông tin, là nơi không chỉ những thông tin chính thống mà ngay cả những tin đồn cũng dễ khiến giá cổ phiếu tăng/giảm bất thường. Mức phạt tiền theo quy định hiện hành dù được nâng lên con số tỷ đồng nhưng có lẽ vẫn chưa “thấm tháp” vào đâu khi thiệt hại từ những sai phạm cho nhà đầu tư thường là rất lớn.

Trường hợp Công ty Dược phẩm Viễn Đông (DVD) trước đây là một ví dụ điển hình. Giá cổ phiếu DVD đang từ trên 100.000 đồng/cổ phiếu giảm xuống còn 3.500 đồng/cổ phiếu trước khi bị hủy niêm yết.

Trường hợp Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM) bị nghi ngờ làm giả hồ sơ giấy tờ để đăng ký giao dịch trên sàn đại chúng, khiến nhiều nhà đầu tư ngậm đắng nuốt cay chấp nhận số tiền đầu tư bị mất trắng, khi giá cổ phiếu lao dốc và bị tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 20/6/2016 đến nay, hầu như không còn hy vọng được giao dịch và tăng giá trở lại.

Gần đây, hàng loạt sai sót khó tin được rằng chỉ là do vô tình, chưa am hiểu rõ về luật ở SGO là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu này sụt giảm, hiện chỉ còn hơn 1.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu SGO đã bị đưa vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch từ ngày 25/1/2017.

Liên quan đến thiệt hại của nhà đầu tư/cổ đông, các doanh nghiệp vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt là phạt tiền thì số tiền phạt này được doanh nghiệp ghi nhận vào chi phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.

Xét cho cùng, trong các vụ việc doanh nghiệp vi phạm, cổ đông/nhà đầu tư là những người bị thiệt hại. Khoản đầu tư của họ phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của những người lãnh đạo doanh nghiệp và khả năng giám sát của các cơ quan chức năng. Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư cần cẩn trọng với những doanh nghiệp có “tì vết”.

Để hạn chế những hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, khung pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện, trong đó chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn và cụ thể đến các cá nhân sai phạm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ