Giới đầu tư kỳ vọng, tình trạng này sẽ dần được khắc phục, để cổ phiếu sớm được đưa giao dịch, qua đó tăng nguồn cung cho thị trường và họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong đầu tư, nhất là khi Nghị định 145/2016 sửa đổi Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, vừa có hiệu lực từ ngày 15/12/2016.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là chế tài khung, còn để áp dụng được trên thực tế, cần chờ Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trong khi đó, dự thảo văn bản này mới được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường cách đây 2 tuần và kéo dài đến ngày 6/2/2017, nên việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn đưa cổ phiếu lên sàn sẽ chưa thể nhanh như mong muốn của giới đầu tư.
Ý kiến từ các doanh nghiệp cho rằng, Thông tư hướng cần làm rõ cách tính thời hạn vi phạm nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn để làm căn cứ xử phạt, bởi hiện có sự vênh nhau giữa Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán và Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước. Sự không rõ ràng này đang khiến nhiều doanh nghiệp thắc mắc.
Liên quan đến Dự thảo Thông tư, một nội dung dự kiến là chỉ áp dụng mức phạt tiền cao nhất 300-400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, hoặc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán trên 12 tháng, sau khi UBCK đã có văn bản yêu cầu thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán, nhưng công ty đại chúng không thực hiện.
Hướng quy định trên chưa hợp lý, bởi số lượng doanh nghiệp chưa lên sàn rất nhiều, nếu doanh nghiệp nào UBCK chưa kịp thời phát hiện vi phạm để có công văn nhắc nhở, thì doanh nghiệp đó không bị phạt hay sao? Đó là chưa kể nội dung hướng dẫn này dễ “tạo đất” cho việc “xin-cho” (xin UBCK không ra văn bản “nhắc nhở”).
Vì vậy, cần hướng dẫn rõ mốc thời gian để làm căn cứ xác định doanh nghiệp vi phạm thời hạn đưa cổ phiếu lên sàn. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp nào vi phạm là xử phạt, mà không phải đợi thêm một giải pháp trung gian là chờ UBCK có công văn nhắc nhở.
Tình trạng doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn kéo dài từ nhiều năm nay và dẫn đến nhiều hệ lụy, theo đánh giá của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) là: làm phát sinh tranh chấp liên quan đến chuyển nhượng cổ phiếu đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng; việc đấu giá cổ phần của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt là khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước…
Do đó, việc hướng dẫn rõ ràng các chế tài xử phạt và sớm áp dụng các chế tài này đang là đòi hỏi cấp thiết từ thị trường, từ nhà đầu tư, để không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, mà còn tạo sức ép cải thiện minh bạch hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực cho nỗ lực đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa đang được Chính phủ thúc đẩy.