Doanh nghiệp thắng kiện Cục Thuế Bình Dương

(ĐTCK) Trong khi các quy định về thuế chưa rõ ràng, cơ quan thuế xem hoạt động “đầu tư thường xuyên” là “đầu tư mở rộng” để xử phạt vi phạm hành chính về thuế, truy thu thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vụ kiện đã được Tòa tuyên vào cuối tháng 11, với bên thắng là doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thắng kiện Cục Thuế Bình Dương

Thanh tra thuế

Công ty TNHH HTA (tại Khu công nghiệp VS Bình Dương) thành lập năm 2007 có tổng vốn đầu tư là 158,2 tỷ đồng; diện tích dự án là 12.000 m2, quy mô của dự án vào năm sản xuất ổn định là 1.350 tấn/năm.

Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, thuế thu nhập hàng năm bằng 15% lợi nhuận thu được trong 12 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động và 28% trong các năm tiếp theo, đồng thời được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 7 năm tiếp theo.

Năm 2016, Công ty thay đổi giấy phép đăng ký lần thứ 5, đăng ký thay đổi quy mô sản xuất từ 1.350 tấn/năm lên 1.870 tấn/năm.

Cùng năm đó, Đoàn thanh tra Thuế tỉnh Bình Dương tiến hành thanh tra Công ty, phát hiện năm 2013, sản lượng sản xuất tăng lên so với quy mô đăng ký từ 1.350 tấn lên 1.737 tấn do đầu tư thiết bị máy móc. Tuy nhiên phần sản lượng thực tế tăng lên Công ty không kê khai nộp thuế.

Theo công thức tính thuế hướng dẫn tại Công văn số 4769/BTC-TCT ngày 7/4/2016 của Bộ Tài chính về việc “chính sách thuế đối với hoạt động đầu tư thường xuyên”, Công ty còn thiếu tiền thuế năm 2013 là 1,5 tỷ đồng.

Ngày 30/12/2016, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 7964/QĐ-CT về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Công ty HTA tổng số tiền 2,5 tỷ đồng (gồm tiền thuế truy thu và tiền phạt). Dù không đồng ý nhưng doanh nghiệp vẫn nộp đủ tiền phạt, sau đó tiến hành khởi kiện vụ việc ra tòa án, yêu cầu hủy bỏ Quyết định số 7964.

Công ty giải trình, sản lượng tăng lên nhờ vào hiệu suất công việc cao hơn ước tính ban đầu của chủ đầu tư và nằm trong công suất sản xuất máy móc đã đăng ký ban đầu với cơ quan cấp phép, cơ quan quản lý môi trường. Doanh nghiệp cũng cho rằng, Công văn số 4769 được Bộ Tài chính ban hành ngày 7/4/2016 nhưng Cục Thuế áp dụng hồi tố cho năm tính thuế 2013 là không phù hợp.

Văn bản luật “đá nhau”

Hội đồng xét xử cho rằng, từ năm 2009 - 2013, Công ty có đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên cho dự án là 31,1 tỷ đồng. Do đó, công suất sản xuất năm 2013 tăng lên 1.737 tấn/năm và năm 2014 là 1.878 tấn/năm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn trên, pháp luật về thuế chỉ quy định hoạt động “đầu tư mới”, “đầu tư mở rộng”, không có “đầu tư thường xuyên”. Cơ quan Thuế đã có những quan điểm không đúng, xem hoạt động “đầu tư thường xuyên” là “đầu tư mở rộng” để xử phạt vi phạm hành chính về thuế, truy thu thuế…

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 song cũng không đề cập đến hoạt động “đầu tư thường xuyên”. Ngày 10/10/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ra đời và bổ sung điểm e và điểm g vào khoản 5 Điều 18, Thông tư 78.

Điểm g nêu rõ: “Dự án đầu tư của doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế mà giai đoạn 2009 - 2013 có đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên trong quá trình sản xuất, kinh doanh không thuộc dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng thì phần thu nhập tăng thêm do việc đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên này cũng được hưởng ưu đãi thuế theo mức mà dự án đang áp dụng cho thời gian còn lại tính từ kỳ tính thuế năm 2014”.

Mặt khác, điều 5 Thông tư số 151 chỉ hướng dẫn “từ kỳ tính thuế năm 2014”, không đề cập đến giai đoạn năm 2009 - 2013. Trong khi đó, Công văn số 4769 xác định tiêu chí đầu tư thường xuyên là “việc đầu tư bổ sung máy móc, thiết bị thường xuyên từ các nguồn nêu trên phải đảm bảo điều kiện không tăng công suất sản xuất kinh doanh theo đề án kinh doanh đã đăng ký hoặc được phê duyệt của dự án đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Theo đó, căn cứ vào điểm g Điều 5 Thông tư 151 thì việc xác định tiêu chí trên là không phù hợp.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính cung cấp thông tin về cơ sơ pháp lý để ban hành Công văn số 4769. Tuy nhiên, sau 3 tháng, Tòa án không nhận được văn bản phúc đáp.

Tòa án cũng nhận định, theo Điều 2, Điều 4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Công văn số 4769 không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Cục Thuế áp dụng công văn trên tính lại ưu đãi thuế thu nhập năm 2013 là không phù hợp. Do đó, vừa qua, tòa án đã quyết định hủy Quyết định số 7964, đồng thời tuyên buộc Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương phải hoàn trả lại cho Công ty HTA số tiền 2,5 tỷ đồng.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục