Ký thỏa thuận góp vốn không thông qua HĐQT
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành bản Kết luận điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị truy tố 7 người với cáo buộc gây thất thoát 800 tỷ đồng qua việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) góp vốn vào Ngân hàng Đại dương (OceanBank).
Trong các bị can có ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN trong giai đoạn 2006-2011. Vào ngày 8/12/2017, ông Đinh La Thăng đã bị bắt, khởi tố trong 2 vụ án gồm vụ án gây thất thoát 800 tỷ đồng qua việc góp vốn vào Oceanbank và vụ án Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) và Dự án nhiệt điện Thái Bình 2.
Kết luận điều tra xác định, theo Đề án hình thành PVN thì PVN được tham gia góp vốn thành lập mới một ngân hàng với tỷ lệ nắm giữ trên 50%. Sau đó, PVN đã tiến hành các thủ tục để thành lập Ban trù bị Ngân hàng Dầu khí sau đổi tên là Ngân hàng Hồng Việt.
Đến năm 2008, Chính phủ có chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nên PVN rút vốn không tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng Hồng Việt mà chuyển sang góp vốn vào Oceanbank khi ngân hàng này tăng vốn điều lệ.
Trước khi góp vốn, ngày 18/9/2008, ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó tổng giám đốc PVN ký văn bản báo cáo ông Đinh La Thăng trong đó đánh giá Oceanbank là ngân hàng có quy mô nhỏ, thanh khoản thấp... khó khăn trong huy động vốn với lãi suất hợp lý để cân đối với nguồn sử dụng... Oceanbank thuộc nhóm ngân hàng trung bình khá. Oceanbank không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng mặc dù các khoản vay dưới chuẩn vẫn gia tăng...
Cùng ngày 18/9/2008, dù không tổ chức cuộc họp HĐQT, không lấy ý kiến các thành viên HĐQT nhưng ông Đinh La Thăng vẫn ký thỏa thuận với bị can Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank để PVN tham gia góp vốn.
Trong cuộc họp cuối tháng 9/2008, các thành viên HĐQT khác, thành viên Ban Giám đốc mới biết việc góp vốn.
Quá trình Oceanbank tăng vốn điều lệ, PVN đã góp tổng cộng 800 tỷ đồng. Đợt thứ nhất, PVN góp 400 tỷ đồng khi Oceanbank tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng vào tháng 12/2008.
Đợt thứ 2, góp bổ sung 300 tỷ đồng khi Oceanbank tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng vào năm 2010.
Đến năm 2011, Oceanbank tăng vốn lần 3 lên 4.000 tỷ đồng, PVN góp thêm 100 tỷ đồng.
Tổng số tiền 800 tỷ đồng PVN góp vốn vào Oceanbank có nguồn gốc từ doanh thu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập đoàn này đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng thu hồi 800 tỷ đồng về cho Nhà nước và Tập đoàn.
Vi phạm các quy định tại Điều lệ và Quy chế quản lý tài chính của PVN
Quá trình xác minh, thu thập tài liệu tại các cơ quan liên quan cho thấy, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính không nhận được báo cáo khi PVN ký thỏa thuận góp vốn với Oceanbank.
Đợt góp vốn lần đầu, Bộ Tài chính có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, đồng thời gửi PVN đề nghị PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank, danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư, việc trích lập dự phòng, xác định giá trị thực của cổ phiếu Oceanbank... Nhưng PVN không thực hiện báo cáo theo yêu cầu trước khi góp vốn vào PVN.
Các Nghị quyết góp vốn lần 1 và lần 2 được ban hành trước khi Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến. Riêng đợt 3, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành không nhận được báo cáo, ý kiến của PVN về việc góp vốn.
Cơ quan điều tra kết luận, ông Đinh La Thăng ký thỏa thuận góp vốn vào Oceanbank mà không thông qua HĐQT, không có ý kiến đánh giá của HĐQT về năng lực, khả năng tài chính của Oceanbank là trái với quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động PVN.
Tại các đợt góp vốn lần 1 và lần 2, ông Đinh La Thăng không báo cáo Thủ tướng xin chủ trương, ký ban hành Nghị quyết trước khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng là trái với quy định tại Quy chế quản lý tài chính công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đợt góp lần 3, khi này Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực, trong đó quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, 4/7 thành viên HĐQT PVN vẫn đồng ý mua thêm để đảm bảo tỷ lệ sở hữu 20%.
Quá trình điều tra cho thấy mặc dù ông Thăng không ký Nghị quyết để PVN góp vốn nhưng ông Thăng đã được ông Nguyễn Xuân Thắng, thành viên HĐTV báo cáo về việc ban hành Nghị quyết và không có chỉ đạo gì.
Hành vi vi phạm nêu trên của ông Đinh La Thăng đã gây thiệt hại cho PVN là 800 tỷ đồng.
Đáng chú ý, với vai trò là Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN, ông Đinh La Thăng đã ký 2 văn bản mang tính chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thành viên PVN và các nhà thầu dầu khí mở tài khoản, sử dụng dịch vụ ngân hàng của Oceanbank.
Từ chỉ đạo này, trong giai đoạn 2009 - 2014 có 165 đơn vị thành viên thuộc PVN gửi tiền vào Oceanbank, trong đó số dư trên tài khoản thanh toán trung bình là 2.543 tỷ đồng và 74 triệu USD/tháng; tiền gửi có kỳ hạn khoảng 16.000 - 18.000 tỷ đồng và 100 triệu USD. Từ đây, xảy ra hành vi nhận tiền ngoài lãi suất trong nhiều năm tại Oceanbank.
Cơ quan điều tra cho rằng sau khi ký các văn bản chỉ đạo, ông Thăng không yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện, không có biện pháp kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh kịp thời là có dấu hiệu của động cơ cá nhân và là tình tiết tăng nặng của hành vi làm trái.
Ông Đinh La Thăng cùng 6 bị can khác, bị đề nghị truy tố tội Cố ý làm trái. Riêng bị can Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN bị đề nghị truy tố thêm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản vì đã nhận 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn.
Điều 165 BLHS quy định:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 01 – 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.