Bị cáo Đinh La Thăng phải chấp hành án phạt 30 năm tù

(ĐTCK) HĐXX cho rằng bị cáo Đinh La Thăng đã ký các thỏa thuận trái quy định, vượt thẩm quyền.
Bị cáo Đinh La Thăng phải chấp hành án phạt 30 năm tù

Bị cáo Đinh La Thăng ký thỏa thuận vượt thẩm quyền

Chiều 26/6, HĐXX phúc thẩm xét xử vụ án Đinh La Thăng và các đồng phạm liên quan thất thoát 800 tỷ đồng PVN góp vốn vào Oceanbank đã tuyên án.

HĐXX quyết định bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Đinh La Thăng và các kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo khác. Riêng bị cáo Phan Đình Đức, HĐXX chấp nhận kháng cáo, chuyển tội danh cho bị cáo sang tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo HĐXX, vụ án đã được Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm. Cấp sơ thẩm đã tuyên các bị cáo Đinh La Thăng, Ninh Văn Quỳnh, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức phạm tội Cố ý làm trái trong việc góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank dẫn đến hậu quả thất thoát toàn bộ số vốn góp. Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh còn bị tuyên phạm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản với số tiền 20 tỷ đồng.

Trước đó, sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đều kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm vừa diễn ra, trên cơ sở tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả thẩm vấn và tranh luận tại phiên tòa, HĐXX phúc thẩm xác định án sơ thẩm tuyên các bị cáo phạm tội Cố ý làm trái, là đúng người đúng tội không oan.

Cụ thể, PVN là tập đoàn 100% vốn nhà nước, cơ cấu tổ chức theo các luật về doanh nghiệp, đầu tư... Theo quy định, việc đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện. Như vậy, HĐQT PVN không có quyền quyết định đối với việc đầu tư góp vốn vào Oceanbank. Quan điểm cho rằng HĐQT PVN có thẩm quyền  đầu tư không quá 20% vào Oceanbank là không được chấp nhận.

Về thỏa thuận 6934 giữa PVN và Oceanbank, HĐXX cho rằng trong văn bản này, bị cáo Đinh La Thăng ký với tư cách Chủ tịch HĐQT, đại diện cho PVN, có đóng dấu của hai bên, ký tên và ghi chức danh.

Nội dung thỏa thuận có các điều khoản cụ thể cả về định tính, định lượng như xác định tỷ lệ góp vốn 20%, giá mua là mệnh giá, PVN cử người cùng tham gia quản trị và điều hành ngân hàng. Sau 7 ngày kể từ ngày ký kết, PVN sẽ có văn bản giới thiệu đại diện tham gia HĐQT, cam kết chuyển tiền theo đúng kế hoạch...

Như vậy, đây là hợp đồng kinh tế có điều kiện, quan điểm cho rằng đây là biên bản ghi nhớ là không chính xác không được chấp nhận. Các hoạt động sau này như góp vốn, cử người đại diện đều căn cứ vào thỏa thuận này. Hai bên cũng không ký thêm hợp đồng nào khác.

Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐQT không có quyền hạn thay mặt cho pháp nhân, không phải là người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của PVN là ông Trần Ngọc Cảnh, Tổng giám đốc. Do đó, việc bị cáo Thăng ký thỏa thuận là trái quy định, vượt quá thẩm quyền.

Sau này, PVN đã ban hành 3 Nghị quyết góp vốn đều có vi phạm chưa thực hiện đúng các yêu cầu của cơ quan chức năng, vi phạm trình tự thủ tục ban hành Nghị quyết, vi phạm trách nhiệm nghĩa vụ báo cáo, vi phạm quy định của Luật các tổ chức tín dụng...

Không cố tình nhưng bàng quan

Đánh giá chung về hành vi các bị cáo, HĐXX cho rằng các bị cáo buộc phải biết hành vi của mình là trái pháp luật vì tiêu chuẩn thành viên HĐQT là phải hiểu biết pháp luật. Với phân tích này, HĐXX cho rằng có căn cứ xác định khi thực hiện hành vi các bị cáo không cố tình nhưng đã bàng quan để hậu quả xảy ra.

Tòa cấp sơ thẩm xác định các bị cáo phạm tội Cố ý làm trái, là đúng người đúng tội không oan. Tòa sơ thẩm đã cá thể hóa trách nhiệm và cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định mức hình phạt cho các bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng do tính chất đặc biệt nghiêm trọng vụ án nên HHĐXX cho rằng không có cơ sở chấp nhận các kháng cáo này.

Riêng đối với bị cáo Phan Đình Đức, căn cứ xác định bị cáo Phan Đình Đức có bay từ Hà Nội đi Sài Gòn khi góp vốn lần 3, do đó chưa đủ căn cứ kết luận bị cáo ký văn bản 124 trước khi ban hành Nghị quyết HĐQT. Nhưng HĐXX thấy rằng trách nhiệm của thành viên HĐQT buộc bị cáo Đức phải biết việc góp vốn là trái quy định, không nằm trong kế hoạch năm 2011 của PVN. Bị cáo không phản đối và vẫn ký tên trên văn bản 124 là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Do thay đổi tội danh nên bị cáo Đức không phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự.

Về một số quan điểm khác, HĐXX nhận định, quan hệ giữa chủ sở hữu nhà nước và đại diện vốn nhà nước là HĐQT PVN là quan hệ hành chính. Do đó, quan điểm cho rằng Oceanbank hoạt động kinh doanh có hiệu quả, có lãi, có cổ tức 244 tỷ đồng, việc mất vốn do NHNN mua 0 đồng, có 2 đơn vị đề nghị mua cổ phần nhưng không được chấp nhận nên dẫn đến thiệt hại... Những nội dung nói trên không thuộc nội dung phạm vi điều chỉnh của pháp luật hành chính.

Về khoản tiền cổ tức 244 tỷ đồng, theo HĐXX phải tịch thu sung công quỹ. Nhưng do PVN đã hạch toán sử dụng kinh doanh nhiều năm nên không bóc tách được. HĐXX cho rằng quan điểm thu hồi số tiền này để cấn trừ trách nhiệm cho các bị cáo không được chấp nhận.

Về số tiền 20 tỷ đồng bị cáo Quỳnh nộp khắc phục hậu quả, bản án sơ thẩm đã quyết định cấn trừ cho bị cáo Sơn trong phần khắc phục hậu quả tội Tham ô tài sản trong vụ án Oceanbank.

Các nội dung khác của bản án được giữ nguyên.

 Các mức án cụ thể:

1. Bị cáo Đinh La Thăng (SN 1960), nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 18 năm tù, tính chung 2 bản án là 30 năm tù.

2. Bị cáo Ninh Văn Quỳnh (SN 1958), nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN phạm tội Cố ý làm trái (7 năm tù); phạm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (16 năm tù), tổng hợp hình phạt 23 năm tù.

 3. Bị cáo Vũ Khánh Trường (SN 1954),  nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 5 năm tù tội Cố ý làm trái.

4. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962), nguyên Phó tổng giám đốc PVN: 30 tháng tù vì tội Cố ý làm trái, tổng hợp 2 bản án là tử hình. Bị cáo có quyền làm đơn gửi Chủ tịch nước xin giảm.

5. Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (SN 1955), nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 22 tháng tù vì tội Cố ý làm trái.

6. Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm (SN 1955), nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 20 tháng cải tạo không giam giữ vì tội Cố ý làm trái.

7. Bị cáo Phan Đình Đức (SN 1960), Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xử phạt cảnh cáo vì tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục