Trên thực tế, sau khi ECB tuyên bố tại cuộc họp thứ Năm tuần trước (5/3) về việc bắt đầu khởi động QE, lãi suất trái phiếu chính phủ của một số nước châu Âu rơi xuống các mức thấp kỷ lục và thậm chí tụt xuống ngưỡng lãi suất âm. Biên độ lãi suất giữa trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ và trái phiếu tương ứng của Đức đã nới rộng lên mức cao nhất trong hơn 25 năm qua.
Tính đến ngày 9/3, lãi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm là 0,386%/năm, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn tương ứng của Italy và Tây Ban Nha là khoảng 1,3%. Chỉ có riêng Hy Lạp chứng kiến giá trái phiếu chính phủ của nước này giảm và lãi suất tăng khi ECB công bố QE.
Một mặt Hy Lạp không nằm trong diện mà QE của ECB hướng tới, mặt khác nỗi lo về sự bế tắc với các chủ nợ quốc tế tiếp tục đẩy thị trường trái phiếu nước này rơi vào tình trạng bất ổn. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Hy Lạp ngày 9/3 đã tăng 47 điểm cơ bản lên tới 9,82%/năm.
Tuy nhiên, Giám đốc cơ quan nghiên cứu toàn cầu IDEA Global, Micheal Gallagher nhận định, mức giảm lãi suất này có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn. “Trong vòng 6 tháng tới, nhìn chung lãi suất trái phiếu chính phủ các nước châu Âu sẽ cao hơn”, ông Gallagher cho biết thêm.
Về phần mình, Peter Chatwell, chiến lược gia trong lĩnh vực lãi suất tại Mizuho International cho rằng, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chủ chốt của châu Âu sẽ tiếp tục giảm cho đến mùa hè này và “các nhà đầu tư theo đuổi các mục tiêu trong ngắn hạn có thể cân nhắc thời điểm này để mua vào”.
Theo chương trình, ECB sẽ mua lại trên thị trường thứ cấp trái phiếu của khu vực nhà nước và tư nhân, với mục tiêu tăng lượng tiền mặt trong hệ thống tài chính nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay thêm tiền, tăng mua sắm và đầu tư.
Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi khẳng định rằng các thị trường đã có phản ứng tích cực khi nhìn nhận về triển vọng của chương trình QE đối với Khu vực đồng euro (Eurozone). Theo đó, ECB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong giai đoạn 3 năm, từ nay tới 2017 tăng lần lượt ở mức 1,5%, 1,9% và 2,1%.
Dù Chủ tịch ECB tỏ ra lạc quan hơn, song nền kinh tế Eurozone vẫn đang trong tình trạng giảm phát, tỷ lệ lạm phát đã rớt xuống mức âm 0,2% trong tháng 12/2014, âm 0,6% trong tháng 1/2015 và sau đó là âm 0,3% trong tháng 2/2015, bất chấp những nỗ lực duy trì tỷ lệ lãi suất, thu mua các khoản nợ cũng như các tài sản thế chấp trong lĩnh vực tư nhân của ECB.
Việc triển khai QE để bơm tiền vào thị trường sẽ giúp kéo lãi suất cho vay thấp xuống, qua đó kích cầu nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với nhiều chuyên gia, bản chất của việc này là in thêm tiền nhằm cứu các nền kinh tế khỏi gánh nặng nợ công và ECB sẽ phải duy trì QE lâu hơn so với kế hoạch. Nhóm các nhà phân tích của Ngân hàng Barclays nhận định, các nhà đầu tư châu Âu sẽ tiếp tục nắm giữ các loại trái phiếu kỳ hạn dài.
Hoạt động bán ròng có thể chỉ xảy ra đối với các nhà đầu tư quốc tế, hoặc các nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội tại các thị trường có lãi suất trái phiếu cao hơn. Trên cơ sở đó, lãi suất trái phiếu ngắn hạn thậm chí sẽ bị đẩy xuống ngưỡng âm trong tương lai gần.
Một điểm đáng chú ý là, các công ty Trung Quốc đang để mắt tới các khoản nợ bằng đồng euro nhằm gia tăng số nợ mà họ nắm giữ tại nước ngoài, một khi nguồn euro dồi dào từ ECB sẽ tràn ngập thị trường. Kể từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc Đại lục đã giao dịch số nợ bằng đồng euro trị giá lên tới 2,9 tỷ USD, so với mức 3,3 tỷ USD của cả năm 2014.
“Chuyển hướng ra thị trường nước ngoài và gia tăng hoạt động vay mượn bằng đồng euro là cách rất tốt để đầu cơ”, Jon Pratt, người đứng đầu nhóm quản lý thị trường nợ tại châu Á của Barclays đánh giá như vậy. Bên cạnh đó, nhiều công ty Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Đặc khu hành chính Hongkong sẽ tích cực khai thác thị trường châu Âu trong những tháng tới.
Trong bối cảnh Mỹ và vương quốc Anh có thể tăng lãi suất ngay trong năm nay, các nhà đầu tư quốc tế cũng có thể chuyển hướng sang các thị trường này, khi lợi tức trái phiếu tại đây bắt đầu tăng và giá trái phiếu thấp hơn.