Phân quyền mạnh hơn cho Hà Nội trong xây dựng Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được bổ sung hai điều mới được là điều 14 về phân cấp, ủy quyền và điều 36 về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp.

Sáng 14/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 55 điều (giảm 4 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 55 điều, bỏ 6 điều, bổ sung mới 2 điều).

Hai điều mới được bổ sung là điều 14 về phân cấp, ủy quyền và điều 36 về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước.

Phân quyền mạnh hơn

Ông Tùng cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền thành phố Hà Nội trong một số lĩnh vực.

Cụ thể, giao HĐND Thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố (khoản 3 Điều 17) (các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết).

Phân quyền cho UBND Thành phố phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều (khoản 6 Điều 18) (Luật Đê điều giao Thủ tướng Chính phủ quyết định).

Phân quyền cho cơ quan chuyên môn về du lịch thuộc UBND Thành phố cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; thẩm định, công nhận, công bố, kiểm tra, thu hồi quyết định công nhận, thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao, 5 sao (khoản 7 Điều 21) (Luật Du lịch giao thẩm quyền này cho Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam).

Phân quyền cho UBND Thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND Thành phố thành lập (điểm a khoản 1 Điều 24).

Phân quyền cho cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND Thành phố thẩm định, cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của UBND Thành phố được áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép áp dụng tại nước ngoài (khoản 5 Điều 26) (Luật Khám bệnh, chữa bệnh giao Bộ Y tế).

Phân quyền cho HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương (NSTW), dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách, dự án đầu tư công liên tỉnh có mức vốn tối đa 20.000 tỷ đồng (Điều 37) (bao gồm một số dự án đang thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ).

Được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dự thảo làm rõ thêm một số nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô.

Như, cho phép cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu đó (doanh nghiệp khởi nguồn). Viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp khởi nguồn khi được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu (khoản 4 Điều 23).

Dự thảo cũng đã bổ sung, làm rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo hướng thành phố Hà Nội có thẩm quyền cho phép tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới khi đáp ứng các điều kiện nhất định (Điều 25).

Mở rộng các lĩnh vực mà HĐND Thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn và áp dụng trên địa bàn toàn Thành phố, không phân biệt nội thành, ngoại thành (khoản 2 Điều 33); quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, đồng thời xác định cụ thể, chặt chẽ điều kiện, phạm vi áp dụng và giao HĐND Thành phố quy định chi tiết việc thực hiện (Điều 33).

Dự thảo cũng bổ sung, làm rõ hơn một số chính sách huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho thành phố Hà Nội như NSTW trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách Thành phố; bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố toàn bộ số tăng thu (sau khi trích thưởng) với điều kiện NSTW không hụt thu; cho giữ lại toàn bộ phần NSTW được hưởng theo tỷ lệ phân chia khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội,… (Điều 34).

Điểm mới nữa là cho phép thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng NSNN để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của Thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ (Điều 36).

Bổ sung và làm rõ hơn cơ chế cho Hà Nội thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 39); xác định rõ cơ chế, phạm vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp trong việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng thông qua việc nhượng quyền kinh doanh, quản lý và cho thuê, liên doanh, liên kết (Điều 41), cũng là nội dung được Chủ nhiệm Tùng đề cập.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục