Sửa Luật Thủ đô: Đặc biệt quan tâm các quy định về xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
Việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp.

Nêu sự kiện đau lòng cháy chung cư mini tại Khương Hạ vừa qua, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát.

Tiếp tục phiên họp thứ 26, sáng 20/9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Lần sửa đổi này, điều 20 dự thảo luật quy định về các biện pháp bảo đảm quy hoạch quy định, trong khu vực nội đô lịch sử không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo ở khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm luật có hiệu lực thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử.

Cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời.

Dự thảo cũng quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương.

Quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

Đề cập nội dung trên, ông Cường cho biết ông đặc biệt quan tâm đến các quy định liên quan xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô bởi lẽ thông qua các quy định tại dự thảo luật có thể hình dung được hình hài phát triển của Thủ đô trong tương lai.

“Tôi cũng nhất trí cao với quy định không mở rộng đất các bệnh viện hiện có, không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đồng thời nhất trí di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô”, ông Cường nêu quan điểm.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, thực tế phát triển thủ đô thời gian qua nhất là sau khi sự kiện đau lòng cháy nhà riêng lẻ mà người dân vẫn gọi là chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân, việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phá triển thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát ngay cả khi Luật Thủ đô đã được ban hành năm 2012, cách đây 10 năm. Trước đó cũng có pháp lệnh thủ đô năm 2000, cũng có chính sách đặc thù cho Thủ đô và nhiều nghị quyết của Quốc hội thí điểm chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội.

Đó là hệ lụy tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm, ông Cường nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Cường thì vấn đề di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, giáo dục, sự nghiệp công lập, trụ sở cơ quan bộ ngành thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan Trung ương và Thành phố đã đặt ra từ rất lâu. Tuy nhiên việc triển khai rất chậm chạp.

Dự thảo quy định danh mục, biện pháp, lộ trình di dời được ủy quyền để Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, hồ sơ dự án luật chưa thấy có biện pháp và lộ trình di dời, trong khi đây là dạng văn bản chi tiết theo quy định phải trình cùng dự án luật, ông Cường băn khoăn.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục