
Nhiều kết quả lạ
Theo tài liệu mà Sở GDCK TP. HCM công bố, căn cứ để đơn vị này phân ngành DN là dựa vào hoạt động kinh doanh nào chiếm tỷ trọng lớn nhất theo bình quân doanh thu 3 năm liền kề. Quy ước phân ngành được áp dụng theo Quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành. Hệ thống này gồm 21 ngành cấp 1; 88 ngành cấp 2; 242 ngành cấp 3; 437 ngành cấp 4 và 642 ngành cấp 5.
Với các nhóm ngành và tiêu chí phân loại như trên, nhiều DN đã được phân loại vào những nhóm ngành khác với cách quan niệm vốn có, mà điển hình là trường hợp của CTCP Khoáng sản Bình Định, khi DN này được phân loại vào nhóm ngành cấp I là "Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản". Việc gộp chung nhiều DN ít có liên quan trong một nhóm ngành lớn cũng gây thắc mắc cho NĐT như: CTCP Thủy sản Mê Kông (vốn được biết đến như DN chế biến thủy sản), CTCP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang (vốn được xem là DN xây dựng - bất động sản và thủy sản), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (chuyên về phân bón - hóa chất), CTCP Bóng đèn Điện Quang (sản xuất bóng đèn), CTCP Dược phẩm Cửu Long, CTCP Đường Biên Hòa, CTCP Xi măng Hà Tiên, CTCP Cao su Phước Hòa (khai thác mủ cao su)… được xếp vào cùng một nhóm ngành là "Công nghiệp, chế biến, chế tạo"…
Với cách phân ngành mà HOSE công bố, nhóm ngành C là "Công nghiệp chế biến chế tạo" chiếm ưu thế, với 67 DN trên tổng số 187 DN phân loại. Nhóm ngành G - "Bán buôn - bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe có động cơ khác" có 30 DN, "đông dân" thứ hai. Việc phân ngành này, ở góc độ tích cực là giúp NĐT nhìn nhận chuẩn hơn hoạt động mang lại doanh thu chủ yếu cho các DN. Đây là điều mà trước kia nhiều NĐT không nhận ra, vì thực tế, không ít DN hoạt động kinh doanh đã không còn đúng với tên gọi nữa (ví dụ: CTCP Cơ điện lạnh).
Kết quả phân ngành chưa có tính hữu dụng cao
Xung quanh việc phân ngành của HOSE, đã có nhiều ý kiến trái chiều đưa ra về tính "đúng đắn" của việc phân ngành. Đã có ý kiến cho rằng, việc phân ngành như trên là không hợp lý, chưa phản ánh hết bản chất hoạt động kinh doanh của DN. Tuy nhiên, với mỗi tiêu chí phân ngành khác nhau, việc đưa ra các kết quả khác nhau là điều khó tránh khỏi. Ở Việt
Dù vậy, tạm thời không bình luận đến việc kết quả phân ngành như HOSE là chuẩn hay chưa chuẩn, ở đây, người viết chỉ đề cập đến vấn đề hiệu quả của việc phân ngành. Có thể nói, với đa số đơn vị khi thực hiện phân ngành, mục đích chính là để cho người sử dụng tiện theo dõi các DN trong nhóm và dễ đánh giá biến động chung của nhóm theo từng giai đoạn, từng tác động của yếu tố kinh tế vĩ mô do các DN có tính đồng điệu nhất định. Nhưng với 21 ngành cấp 1; 88 ngành cấp 2; 242 ngành cấp 3… thực lòng, rất khó để NĐT có thể nhớ hết chứ đừng nói gì đến việc áp dụng. Điều này còn chưa kể đến việc xem xét yếu tố tác động.
Lấy ví dụ, nếu xuất hiện thông tin tăng thuế xuất khẩu khoáng sản, theo lẽ thông thường, người ta sẽ phải nhìn vào nhóm B - khai khoáng. Tuy nhiên, theo cách phân loại mà HOSE đã công bố, NĐT sẽ có nguy cơ bỏ sót một DN có thể chịu ảnh hưởng nhiều của thông tin trên là CTCP Khoáng sản Bình Định, vì DN này nằm trong nhóm A - Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Hay khi có thông tin tăng giá thép, NĐT sẽ ngay lập tức nhìn vào một (hoặc một vài) nhóm ngành chịu tác động (như các DN sản xuất - kinh doanh thép; các công ty xây dựng…). Với trường hợp của nhóm C, sẽ rất khó để NĐT có thể nhìn thấy "điểm chung" để đánh giá tác động trong các trường hợp xuất hiện yếu tố vĩ mô mang tính tác động ngành, vì đây là tổng hợp từ các DN dược, sản xuất bánh kẹo, chế biến thủy sản, đến sản xuất xăm lốp, gốm sứ, may mặc, xi măng, thép…
Tiêu chí phân ngành là gì không quan trọng, mà quan trọng hơn có lẽ là sản phẩm phân ngành mang lại giá trị gì cho thị trường, cho NĐT? Thậm chí, phân loại DN theo… mức độ biến động giá, hay hệ số đòn bẩy tài chính của DN… cũng có thể được chấp nhận, miễn là nó hữu ích! Sản phẩm phân ngành phải làm thế nào để giúp người đọc dễ dàng theo dõi diễn biến giá chứng khoán và nhận diện được tác động của các biến động vĩ mô… là điều mà NĐT trông đợi, chứ không phải đơn thuần chỉ là phân ngành đúng bài bản theo hướng dẫn của… Nhà nước.