Phân ngành doanh nghiệp: Mới đi được nửa đường

(ĐTCK-online) Ngày 19/5/2008, CTCK VNDirect công bố bộ chỉ số nhóm ngành chia thành 9 lĩnh vực và 37 ngành, nghề khác nhau. Theo thông tin từ phía CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), đơn vị này đang trong giai đoạn hoàn tất để đưa ra công chúng bộ chỉ số ngành. Nhiều ý kiến cho rằng, việc phân ngành DN sẽ giúp NĐT có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong các quyết định đầu tư.
Phân ngành doanh nghiệp: Mới đi được nửa đường

Trong số 3 đơn vị đã thực hiện phân ngành, nghề DN gồm: CTCK Biển Việt (CBV), CTCK VNDirect và Vietstock, có 2 đơn vị sử dụng tiêu chuẩn phân ngành ICB (Industry Classification Benchmark - là chuẩn phân ngành dựa trên mức độ đóng góp doanh thu từ các lĩnh vực hoạt động của DN). FPTS cũng phân ngành theo tiêu chuẩn này. Theo bộ tiêu chuẩn ICB, các DN sẽ được phân chia thành 10 ngành kinh doanh, phân loại 18 phân ngành cấp 1, 39 phân ngành cấp 2 và 104 phân ngành nhỏ hơn. Riêng Vietstock lựa chọn phân ngành theo chuẩn NAICS 2007, nhưng mới chỉ dừng lại ở phân ngành các DN trên HOSE.

CBV thực hiện phân ngành các DN nằm trong top 50 DN có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường. Cùng với đó, công ty này đưa ra tính toán chỉ số nhóm ngành giúp NĐT dễ dàng theo dõi diễn biến chung của cổ phiếu ngành. Việc so sánh chỉ số ngành giữa các nhóm ngành khác nhau và với VN-Index là một trong những tiền đề để lựa chọn danh mục đầu tư theo nhóm ngành, tùy theo mức độ mạo hiểm của mỗi NĐT và diễn biến thị trường. Tuy nhiên, điểm yếu của cách phân loại này nằm ở chỗ, công ty phân loại chưa tính toán để công bố các tiêu chuẩn đầy đủ của DN trong ngành. Chính vì vậy, chỉ số CBV chỉ giúp theo dõi diễn biến giá cổ phiếu ngành để ra quyết định đầu tư theo diễn biến thị trường, mà chưa chỉ ra được các chỉ tiêu so sánh giữa các DN trong cùng một ngành.

Ngược lại với phân ngành DN của CBV, phân ngành DN của CTCK VNDirect được thực hiện trên toàn bộ DN niêm yết. Không có mẫu chỉ số chung cho diễn biến giá cổ phiếu các DN mỗi nhóm, nhưng ưu điểm của hệ thống phân ngành do VNDirect cung cấp nằm ở tính công phu với toàn bộ chỉ tiêu tài chính DN. Chỉ cần truy cập vào mục phân tích ngành của website CTCK VNDirect, NĐT có thể thu thập dữ liệu hoàn chỉnh của các DN niêm yết trên cả hai sàn, với sự phân chia theo 10  lĩnh vực và 37 nhóm ngành. Với việc sắp xếp như vậy, NĐT sẽ dễ dàng hơn trong việc so sánh các DN cùng ngành ở từng chỉ tiêu (P/E, P/B, ROA, ROE, lợi nhuận biên, EBIT...).

Tuy nhiên, sự phân loại ngành của CTCK VNDirect vẫn chỉ dừng lại ở dạng số liệu thô mà chưa có gia cố chi tiết. Các số liệu tổng hợp của nhóm ngành được tính toán trên cơ sở bình quân gia quyền tùy theo từng chỉ tiêu, nhưng vẫn khó làm cơ sở so sánh. Chúng ta cũng biết rằng, nếu loại bỏ yếu tố ngành, nghề thì các DN có quy mô khác nhau sẽ có những yêu cầu khác nhau cho từng chỉ tiêu. Ví dụ, nếu một DN có quy mô vốn lớn thì thông thường, yêu cầu về tốc độ tăng trưởng, tỷ suất sinh lời sẽ thấp hơn một DN cùng ngành quy mô nhỏ. Do đó, để có thể so sánh một cách hợp lý các chỉ tiêu tài chính, việc phân loại theo từng nhóm quy mô, thiết nghĩ là việc nên làm. Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đánh giá: "Cách làm của VNDirect về cơ bản là ổn, tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu. Sẽ tốt hơn rất nhiều, nếu chúng ta đưa ra một chuẩn mực so sánh với các DN cùng ngành nghề kinh doanh, cùng quy mô vốn trong khu vực và trên thế giới, hoặc so sánh ngay với nước láng giềng có nhiều nét tương đồng là Trung Quốc".

Bên cạnh đó, việc không thực hiện cập nhật dữ liệu theo quý (mà theo giải thích của VNDirect là do không phải DN niêm yết nào cũng công bố báo cáo tài chính quý đầy đủ, chưa kể thời gian công bố không đồng nhất) cũng là một yếu tố khiến việc phân ngành của công ty này chưa thực sự hoàn thiện.

Nhiều chuyên gia cho rằng, TTCK hiện tại đã giảm sâu và nhiều cổ phiếu đã giảm "oan" vì những phản ứng quá đà. Tất nhiên, sẽ có không ít DN bị ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm vì đã tham gia đầu tư chứng khoán, nhiều DN bị thiệt hại do lãi suất ngân hàng tăng cao, do lạm phát... Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại rằng, TTCK suy giảm không có nghĩa là tất cả DN bị thiệt hại do đầu tư tài chính, nếu họ chỉ chuyên sâu hoạt động trong lĩnh vực truyền thống. Lạm phát tăng, lãi suất tăng..., có thể là lợi thế cho những DN nhiều vốn, chuẩn bị tốt về nguyên vật liệu... Và thực tế, nhiều ngành nghề có mức độ ảnh hưởng từ các tác động vĩ mô không đáng kể. Chính vì vậy, cần có sự phân ngành để hiểu hơn DN, và có cơ sở lựa chọn giúp NĐT ra quyết định tốt hơn, tránh đánh đồng "đất với bùn".

Sở GDCK TP. HCM đã có dự kiến khá lâu cho việc phân ngành và ra đời bộ chỉ số nhóm ngành DN niêm yết trên HOSE; tuy nhiên, thời điểm này vẫn chưa thấy có động thái gì cụ thể. Thiết nghĩ, trong bối cảnh TTCK như hiện nay, cộng thêm những biến động mạnh của tình hình kinh tế vĩ mô thì việc đẩy nhanh tiến độ công việc này là cần thiết, vừa giúp NĐT có thêm công cụ để theo dõi thị trường, vừa giúp tăng tính thanh khoản cho các cổ phiếu. Thị trường đang mong chờ nhiều hơn nữa việc thực hiện phân ngành DN, không chỉ trên HOSE mà cả HASTC, khi những DN tiên phong thực hiện phân ngành hiện nay, theo đánh giá của nhiều người là, mới đi được nửa đường.                  

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,241.58 20.55 1.66% 208,876 tỷ
HNX 232.29 4.06 1.75% 1,955 tỷ
UPCOM 90.62 0.84 0.92% 960 tỷ